Những ngày Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản ở Quảng Nam
Nhiều hoạt động hấp dẫn và thắm thiết tình hữu nghị Việt - Nhật được tổ chức như: triển lãm ảnh "Hội An trong mắt tôi", trưng bày hình ảnh kiến trúc phố cổ Hội An và phố cổ Kyoto, triển lãm "Phố cổ Nhật Bản - Phố cổ Hội An" qua tranh của ông GoTo, triển lãm ảnh "Trái tim Việt Nam" của bà Oishi Yoshion...
Quan hệ giao lưu kinh tế và văn hóa giữa Đại Việt (Đàng Ngoài và nhất là Đàng Trong) với Nhật Bản được bắt đầu từ cuối thế kỉ XVI. Nhiều tàu buôn Nhật chở tới Hội An vàng, bạc, đồng, vũ khí... bán cho Đàng Trong và mua lại tơ tằm, gốm sứ, đường, san hô, ngà voi, trầm hương, kỳ nam... đưa về Nhật.
Đầu thế kỷ XVII, thương nhân Nhật, do làm ăn phát đạt tại Hội An, đã mua 20 mẫu ruộng đất, xây dựng phố xá, buôn bán, làm ruộng, cưới vợ Việt, xây chùa (Tùng Bổn Tự), dựng bia, đúc chuông và tượng Phật. Trong khi người Nhật ở đầu đường phía mặt trời mọc của Hội An, thì người Tàu lập phố ở cuối đường phía mặt trời lặn thuộc làng Cẩm Phô và Thanh Hà.
Từ phố Nhật lên chợ Cẩm Phô và phố Tàu phải qua một con khe nên người Nhật đã xây dựng một chiếc cầu Chùa Cầu Nhật Bản. Đây là thời kì cực thịnh của phố Nhật ở Hội An nên người phương Tây gọi Hội An là "Đô thị Nhật Bản" và ông thị trưởng đầu tiên của phố Nhật được chúa Nguyễn công nhận năm 1618 là một nhà buôn kiêm chủ tàu tên Furamoto Yashishiro.
Hội An trong những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản dễ bắt gặp trên đường phố những du khách đến từ đất nước Mặt trời mọc. Rất nhiều du khách thích thả bộ và mẩn mê với Chùa Cầu bắc ngang qua con lạch chảy ra sông Hoài.
Chùa và cầu toàn bằng gỗ sơn son và chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ xa xưa. Giữa chùa thờ Bắc Đế Trấn Võ, vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.
Thật thích thú khi ở đô thị cổ này, không có tiếng gầm rú của xe máy, không có ánh điện lòe loẹt, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Cầu chùa, dãy nhà cổ hai tầng quay lưng phía bến sông Hoài, Hội quán Quảng Ông, Phúc Kiến... đang lặng lẽ tồn tại để con người hoài niệm về một thời quá khứ.
Đặc biệt, khu phố cổ mang một vẻ lãng mạn, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo. Xưa kia, nếu như người Việt quen dùng đĩa đèn dầu lạc, thì người Nhật Bản và Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen sử dụng đèn lồng.
Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo phong cách Trung Hoa treo dưới mái hiên và hai bên cửa ra vào, đèn quả trám hoặc ống dài kiểu Nhật Bản hiện diện trên phố Hội An với các cửa hàng bày bán các loại đèn lồng làm kỷ niệm... tất cả đã tạo nên một thế giới lung linh, huyền ảo