Những nữ thuyết minh giàu cảm xúc

12:55 15/06/2012
Khu di tích lịch sử Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) luôn mở cửa 365 ngày trong năm, nhưng chưa một ngày vắng khách dù có những hôm mưa gió, lụt bão. Tại đây, hơn hai chục năm qua những nữ thuyết minh miệt mài tìm tòi, học hỏi đem đến cho hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế những câu chuyện cảm động về quê hương, gia đình và cuộc đời cách mạng của Bác Hồ.

Tự hào được thuyết minh về Bác

Chúng tôi gặp những nữ thuyết minh ở cụm di tích Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) vào một buổi chiều. Giữa dòng người tham quan đông đúc, người thuyết minh cất tiếng nói dịu dàng, truyền cảm về cuộc đời Bác. Chất giọng Nghệ đặc trưng dường như càng làm cho những chuyện kể trở nên sâu lắng hơn. Phải tranh thủ những phút nghỉ ngơi hiếm hoi mới có thể gặp và trò chuyện với các cán bộ thuyết minh nơi đây, bởi công việc của họ khá bận rộn vào ban ngày.

“Cả đội có 23 người, trong đó 3 nhân viên đăng ký và 20 cán bộ thuyết minh. Các nhân viên thuyết minh được phân bố ở các điểm: Hoàng Trù, Làng Sen, mộ bà Hoàng Thị Loan và các di tích phụ cận như nhà thờ dòng họ Nguyễn Sinh, nhà ông nội Bác Hồ, nhà thầy dạy học Vương Thúc Quý, cây đa, sân vận động, đền Làng Sen – nơi Bác Hồ 2 lần về thăm quê và nói chuyện với nhân dân…”, chị Nguyễn Thị Minh Huệ, Đội trưởng đội thuyết minh Khu di tích Kim Liên chia sẻ.

Những ngày mùa hè, mỗi cán bộ thuyết minh khoảng 15 – 20 lần và mỗi đoàn trung bình từ 15 – 20 phút (đoàn nào mang tính học tập, nghiên cứu kỹ thì phải tới 30 phút). Bên cạnh công việc thuyết minh ở khu di tích, các chị còn đi nói chuyện, tham gia các triển lãm, chuyên đề ở các xã trong huyện, các huyện miền núi và vùng sâu vùng xa…

Chị Bích Thuỷ, cán bộ thuyết minh Khu di tích Kim Liên cho biết: “Người thuyết minh là chiếc cầu nối giữa nhà Bác và hiện vật với mọi người, chính vì thế khi thuyết minh phải luôn tạo sự gần gũi, thân mật để khách có cảm giác ấm áp trên quê Bác và như nhìn thấy bóng dáng của Bác, dù Bác đã đi xa”. 

Cũng theo chị Bích Thủy, người thuyết minh cần có kiến thức sâu rộng về Bác và về các quốc gia, dân tộc, vùng miền, thậm chí là tín ngưỡng, quan niệm của mỗi vùng, để lời thuyết minh có sức thuyết phục hơn. Chẳng hạn khi thuyết minh phục vụ người Trung Quốc thì nên nói về thơ Đường, đối với người Pháp thì nhắc đến chuyện Bác Hồ nói tiếng Pháp giỏi như thế nào… Cách thuyết minh cần chân thực, mộc mạc và tùy theo đặc điểm của mỗi đoàn mà lồng vào những câu chuyện về tình cảm của Bác đối với bộ đội, với trẻ thơ. Đó chính là những câu chuyện để kéo du khách đến gần với Bác hơn.

http://cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/phuonglien/6_doi2515-450.jpg
Đội nữ thuyết minh Khu di tích Kim Liên chụp ảnh lưu niệm trước nhà quê ngoại Bác Hồ (Hoàng Trù, Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An).

Chị Minh Huệ cho rằng, nhiều khi quá trình thuyết minh về Bác và gia đình Bác làm khách xúc động và những giọt nước mắt của họ đã khiến những người thuyết minh như bị cuốn theo… Các chị tự hào được làm công việc này.

Tình cảm của những đoàn khách là nguồn động viên lớn lao

Có những nữ thuyết minh tâm sự, chị được sinh ra và lớn lên ở xã Kim Liên, thuở nhỏ ngày nào cũng đi học qua nhà Bác nên đã nảy sinh ước muốn sau này lớn lên được làm cán bộ thuyết minh để kể cho mọi người nghe câu chuyện về Bác và quê hương của Bác. Tình yêu đối với Bác đã ngấm dần trong các chị từ bé, qua các bài hát, bài giảng và những câu chuyện kể của người lớn.

Mặt khác, người dân đến thăm quê Bác dường như cũng yêu quý những cán bộ thuyết minh về Bác. “Rất nhiều người sau khi nghe mình thuyết minh đã hỏi rằng, có phải cô là người họ hàng nhà Bác không, cô có phải người làng Kim Liên không mà hiểu rõ về Bác thế?”, chị Thanh Thủy phấn khởi nói. Khi mới bước vào nghề (năm 1997), chị cũng như bao nữ thuyết minh trẻ tuổi khác luôn lo lắng mình nói không hay bằng các chị đi trước, liệu phần trình bày của mình có gây được sức lôi cuốn mạnh mẽ không? Nhưng rồi, những lá thư góp ý động viên của người dân từ khắp nơi gửi về, là nguồn cổ vũ lớn lao, xóa tan đi mọi lo lắng trong chị.

Kỷ niệm chị nhớ nhất là lần một người khách ở Hòa Bình viết thư cho chị, nhưng do bận công việc nên chị không trả lời được. “Bác ấy đã viết rất nhiều bức thư với mong muốn được nghe thêm giọng thuyết minh về Bác Hồ mang âm hưởng xứ Nghệ qua điện thoại. Những lúc đó tôi xúc động lắm và càng thấy yêu công việc hơn”, chị tâm sự.

Đối với chị Huệ, những lần thuyết minh cho các đoàn khách là người khiếm thị để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Thường đối với những đoàn như thế, chị vừa phải kể chuyện, vừa phải miêu tả cảnh vật nhà Bác một cách cụ thể để họ dễ hình dung. Thậm chí, các cán bộ thuyết minh còn “đặc cách” để các vị khách đặc biệt này có thể sờ vào hiện vật. Một người khách khiếm thị thổ lộ rằng, khi được nghe kể về Bác đã xúc động, được sờ vào hiện vật càng xúc động hơn và càng thấy công lao của Bác đối với đất nước vô cùng lớn lao.

Những lời nói, cử chỉ đó chính là điều thôi thúc các cán bộ nơi đây cố gắng thật nhiều hơn nữa, để việc thuyết minh hiệu quả thuyết phục hơn, xứng đáng là những người con trên quê Bác nói về Bác và không phụ lòng tin yêu của những người đến tham quan khu di tích lịch sử Kim Liên mỗi ngày

Quỳnh Vinh

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文