Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Người là Chủ tịch Hồ chí Minh khi dân tộc giành được đất nước từ thân kiếp nô lệ cho ngoại bang. Người là Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, là Anh Ba khi từ Bắc vô
Đây là nơi bắt đầu của một chuyến đi vĩ đại của một người con xứ Nghệ. Đó là bến cảng Nhà Rồng! Địa danh này đã có trước đó hàng bao nhiêu chục năm với chức năng một bến nước trên sông của một xứ thuộc địa đón tàu đi tàu đến nơi biển xa biển gần giúp thông thương giữa Việt Nam và thiên hạ trong chức năng một thương cảng lớn.
Bến Nhà Rồng - TP HCM. |
Chuyện quá đỗi bình thường trong công việc giao lưu quốc tế. Nhưng phải đến mùa hè năm ấy, ngày 5/6/1911, mốc thời điểm của một chuyến đi, chuyến đi huyền thoại của một con người làm nên huyền thoại đất nước để sau đó thật sự ý nghĩa và thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt
Một trăm năm cho một địa danh được đi vào lịch sử và trường tồn cùng dân tộc trong tư cách một nhân chứng và một bảo tàng!
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre…
Và sau đó ba mươi năm, ở biên giới bắc vùng đất Cao Bằng, nơi có non xanh và suối mát tự nguồn, Tổ quốc được đón bước chân đầu tiên của Người trở về cùng đồng bào làm cách mạng trong tư cách một nhà Ái quốc và Cứu quốc vĩ đại của lịch sử dân tộc…
Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.
Những câu thơ trên viết về sự kiện này là của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” đã được một người bạn văn đọc cho tôi nghe khi anh cùng tôi đến thăm Bến cảng nhà Rồng nơi xưa Bác đã từng làm việc và rời nước ra đi. Hôm nay đây đã là một di tích, một bảo tàng. Lời thơ này tôi cũng đã thuộc từ hồi còn đi học, đọc trong trường lớp rồi bình luận chứng minh theo đề văn.
Nay đứng trước tượng đài Người- Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dáng vóc một sức trai với bước đi hăm hở trên sân Bảo tàng mang tên Người, ở thành phố mang tên Người thì sự xúc động sau đó là niềm lắng đọng được tăng lên rất nhiều.
Ngày ấy đâu biết rằng một trong những lao công người Việt cần lao và lặng lẽ, từ chuyến tàu ấy xa Sài Gòn, đến Mác-xây rồi đi khắp năm châu bốn biển để sau đó hàng chục năm tích cóp kiến thức cách mạng, tu rèn nhân cách và ý chí trở về quê hương lãnh đạo toàn dân làm nên một kỳ tích trong sự nghiệp giải phóng đất nước.
Nhìn sông nước Sài Gòn hôm nay, người đến chiêm ngưỡng nhà bảo tàng như muốn tìm lại dấu chân của Bác khi Người bước xuống con tàu A-mi-ran La-tút-sơ Tơ-rê-vin trong chân phụ bếp nấu ăn, nuôi chí vượt biển lớn. Nghĩ về phẩm chất Hồ Chí Minh ta có thể dẫn ra nhiều nhận định hay, lời nói hay về Người của người trong nước và quốc tế.
Ta nhận ra một điều rằng phẩm chất lớn ấy của Người tất cả đều vì dân vì nước, bắt nguồn từ thực tiễn đấu tranh mà sinh ra Nhân cách rồi Phong cách và cuối cùng để thành Việt-Nam-Hồ-Chí-Minh gắn quyện vào nhau như một phẩm chất tiêu biểu của dân tộc. Đấy là Đức hạnh truyền thống và Trí tuệ mẫn tiệp của một con dân đất Việt yêu nước thương dân hết lòng và đã dành trọn cả cuộc đời mình cho Dân cho Nước…
Hình như nhà Bảo tàng vẫn là ngôi nhà xưa trong dáng vóc của cơ ngơi thương cảng. Người làm bảo tàng vẫn giữ nguyên hình khối cũ để hôm nay người đến thăm vẫn có một không gian gần như nguyên cũ mà ngấm trong mình một cảm xúc lịch sử trọn vẹn.
Việc đặt nhà bảo tàng mang tên Người ở nơi này, một địa danh không thể phai mờ trong lịch sử cứu nước của dân tộc gắn liền với sự nghiệp vĩ đại của Bác là một lựa chọn phù hợp và ý nghĩa.
Lâu nay, nơi này trong những công việc lớn của mình, nhiều cơ quan đoàn thể đã tập hợp nhau cùng đến đây dâng hoa lên tượng đài Bác, nói lời hứa, lời tuyên thệ nguyện sống học tập và làm việc theo tấm gương sáng của Người.
Bến cảng nhà Rồng - Miền hành hương của rất nhiều thế hệ người Việt