Nữ đạo diễn "của hiếm" của điện ảnh Việt Nam

08:28 09/03/2016
Đặng Thái Huyền là một “của hiếm” như thế của điện ảnh Việt Nam, khi còn rất trẻ, tên tuổi chị đã được xướng lên trên bục vinh quang trong nhiều Liên hoan phim (LHP), ở cả điện ảnh lẫn truyền hình...


Nữ đạo diễn điện ảnh đã hiếm, mà nữ đạo diễn giỏi lại càng hiếm, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Đặng Thái Huyền là một “của hiếm” như thế của điện ảnh Việt Nam, khi còn rất trẻ, tên tuổi chị đã được xướng lên trên bục vinh quang trong nhiều Liên hoan phim (LHP), ở cả điện ảnh lẫn truyền hình. Đặc biệt, chị là đạo diễn nữ, nhưng lại rất thành công ở mảng đề tài chiến tranh – đề tài vốn được coi là xương, đã khó làm lại kén người xem, nên các đạo diễn thường không mấy mặn mà.

Dù chọn nghề đạo diễn chỉ là một sự tình cờ, nhưng khả năng thiên phú đã đưa Đặng Thái Huyền giành được vị trí thủ khoa ở Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh. Khi tốt nghiệp, Đặng Thái Huyền may mắn được NSND, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi cho cùng đi làm phim “Tiếng cồng định mệnh” của hãng phim Điện ảnh Quân đội. Chuyến làm phim đó đã trở thành nhịp cầu đưa chị về với Hãng phim Điện ảnh Quân đội.

Năm 2006, Đặng Thái Huyền làm bộ phim truyện video đầu tay “Đêm vùng biên” khá ấn tượng. Những tháng ngày lăn lộn ở vùng biên ải Si Ma Cai (Lào Cai) của chị và các diễn viên đã được ghi nhận không chỉ bằng những lời ngợi khen của khán giả, mà còn được trao giải tại LHP lần thứ 14. 

Thành công từ bộ phim đầu tay đã tạo động lực để Đặng Thái Huyền mạnh dạn làm hàng loạt bộ phim: “Vũ khúc ánh trăng”, “Mười ba bến nước”, “Bánh đúc có xương”, “Đất lành”, “Người trở về”…

Cảnh trong phim “Người trở về”.

Vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách với đạo diễn nữ khi làm phim về chiến tranh, Đặng Thái Huyền đã chắt lọc để luôn mang đến cho công chúng những cảm xúc sâu lắng trong mỗi tác phẩm của mình. Chị đã làm phim chiến tranh theo góc nhìn của người trẻ thuộc thế hệ 8X, một góc nhìn có độ lùi thời gian, có sự bao dung và chính điều đó đã mang đến sự tươi mới, nhân văn và tinh tế. 

Mặc dù khai thác đề tài chiến tranh nhưng chị không tái hiện sự khốc liệt của cuộc chiến, mà xoáy vào bi kịch thân phận người phụ nữ bước ra từ cuộc chiến. Khai thác sâu tâm lý, số phận con người trong và sau chiến tranh chính là thế mạnh của nữ đạo diễn này. Vì thế, phim của Huyền luôn chạm đến trái tim người xem. 

Các phim “Mười ba bến nước” hay “Người trở về” đã để lại nỗi ám ảnh, day dứt cho người xem. Bộ phim “Người trở về” mà chị hoàn thành mới đây - một bộ phim về chiến tranh đã được đưa ra chiếu rạp, đã khiến chính chị cũng ngỡ ngàng, nhất là khi, còn tạo được dấu ấn “từ ba ngày dự tính, lên thành bảy, mười, rồi hai mươi ngày... vỡ rạp, khán giả vẫn ùn ùn tới hỏi lịch chiếu. Tất cả tới như một cơn mơ…” – Đặng Thái Huyền tâm sự.

Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền.

Không thành công nào đến từ sự dễ dãi. Thành công ở phim về chiến tranh càng là minh chứng cho điều này. Đặng Thái Huyền chia sẻ: Đạo diễn nữ có nhiều khó khăn hơn nam giới, khi phải chịu nhiều hy sinh thiệt thòi, trong đó, lớn nhất là xa gia đình, công việc đầy áp lực, môi trường làm việc xung quanh toàn nam giới. Lăn lộn với từng cảnh quay trong mọi điều kiện thời tiết, địa hình, nhan sắc khó mà bảo toàn chính là mất mát lớn nhất đối với phụ nữ.

Làm phim “Người trở về”, Đặng Thái Huyền thật sự đã trải qua những thời khắc không còn là chính mình nữa. Và chị gọi đó là “ngưỡng của sự thử thách”. Bởi chị phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của diễn viên trước những cảnh bom đạn, lại còn phải là người đưa ra quyết định cuối cùng về số lượng quả nổ, lượng thuốc nổ, sơ đồ nổ và thậm chí, là người duy nhất hô khẩu lệnh nổ. 

Những cảnh quay đêm trong rừng đầy nguy hiểm, hay cảnh quay dưới sông giữa mùa đông miền Bắc rét cắt da tới 5-6 độ C, có diễn viên đã ngất trên tay bạn diễn vì dầm mình quá lâu trong nước lạnh… đặt cho chị những bài toán không dễ có lời giải. 

Chị bảo, những khi ấy, chị đã phải quên mình là ai, cũng không còn nghĩ mình là phụ nữ, mà chỉ biết tập trung suy nghĩ để hiểu điều gì đang xảy ra và để giải quyết công việc, hay những sự cố bất ngờ phát sinh, không ảnh hưởng đến bộ phim.

Mười năm Điện ảnh Quân đội mới có một dự án lớn như “Người trở về”. Vì thế, làm phim “Người trở về” là bước ngoặt lớn nhất và ý nghĩa nhất trong cuộc đời chị. Đây cũng là bộ phim được khán giả và truyền thông đánh giá cao. Và chị bảo, sự khen ngợi của truyền thông mang đến cho đạo diễn niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng cũng chính là áp lực để người đạo diễn phải không ngừng phấn đấu trước sự kỳ vọng của công chúng.

Thành công chỉ càng làm cho niềm đam mê nơi nữ đạo diễn trẻ này thêm tràn đầy, mong muốn được thử thách trong những bộ phim khác. Đặng Thái Huyền cho biết, chị vẫn luôn đau đáu với dòng phim chiến tranh, hậu chiến vì dòng phim này sẽ cho chị cơ hội đi đến tận cùng của cảm xúc. Bởi ở những thời khắc khó khăn nhất, giữa ranh giới sinh-tử, con người mới bộc lộ rõ nhất phẩm cách cá nhân và là đạo diễn, được đắm mình trong tâm lý các nhân vật, chị thấy như mình được sống thêm những cuộc đời khác, cùng những số phận khác. 

Đặng Thái Huyền đang hy vọng năm 2016 chị sẽ được tiếp tục thỏa mãn niềm đam mê điện ảnh, bằng một dự án phim giải trí chiếu rạp và một bộ phim hậu chiến với kịch bản khá ám ảnh và rất có thể sẽ lại vắt kiệt sức của chị như những bộ phim chị đã từng làm.

Tại LHPVN lần thứ 14, phim “Đêm vùng biên” do Đặng Thái Huyền đạo diễn được trao giải Quay phim xuất sắc nhất và Nam diễn viên xuất sắc nhất.

Tại LHPVN lần thứ 16, phim “Mười ba bến nước” của Đặng Thái Huyền giành 6 Bông sen Vàng: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Nam và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Ở LHPVN lần thứ 17, bộ phim “Vũ khúc ánh trăng” được Bằng khen.

Tại LHPVN lần thứ 19, phim truyện “Người trở về” được trao giải của Hội đồng giám khảo.

Dạ Miên

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文