Ông Nghi Xuân kể chuyện cảnh giác

08:13 13/08/2005

Gần 40 năm gắn bó với tiết mục “Kể chuyện cảnh giác” của chương trình “Vì an ninh Tổ quốc” trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Nghi Xuyên được thính giả nhiều thế hệ trong cả nước yêu mến. Hàng ngàn câu chuyện đã được ông sáng tác và kể lại cho thính giả nghe bằng giọng kể độc đáo, hấp dẫn của mình.

Đã mấy năm nay, Nghi Xuyên nghỉ hưu về sống tại quê vợ ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Tuy là người ở rể (mà ở rể tới hai lần!), nhưng ông được bà con xóm giềng yêu quý và vẫn trìu mến mỗi khi nhắc đến “ông Nghi Xuyên kể chuyện cảnh giác”.

Những người mới gặp NSƯT Nghi Xuyên thì thật khó nghĩ người đàn ông gầy gò, bộc trực và hồn nhiên này đã sắp đến tuổi “xưa nay hiếm”. Thời gian trôi đi, mái tóc ông đã đổi màu cùng bao biến cố trong cuộc đời, nhưng lúc nào ông vẫn nghĩ mình mới chỉ ở tuổi… 30, như ngày ông còn là anh lính công an “tò te”, với niềm đam mê được viết nên những điều tai nghe mắt thấy từ mặt trận, từ những gì xung quanh mình.

Ngày ấy (năm 1961), anh lính trẻ Nguyễn Xuân Mỡn (tên thật của NSƯT Nghi Xuyên) với cây bút máy và những trang giấy đen xù xì, say sưa viết tin, bài rồi gửi ra Cục Tuyên huấn chính trị của Bộ Công an, đã không thể kể hết niềm vui khi những bài báo được đăng. Sau đó, được cấp trên gửi anh ra học Trường cao đẳng Nghệ thuật sân khấu (Khoa Biên kịch - Đạo diễn) và trở thành người đầu tiên của thế hệ những người làm báo trong lực lượng Công an.

Nghi Xuyên đã xông pha trên nhiều trận tuyến, kịp thời có những bài phản ánh những trận chiến ác liệt của quân dân ta với kẻ thù. Ông đã đi nhiều nơi, từ “túi bom” ngã ba Đồng Lộc để viết về gương hy sinh anh dũng của mười cô gái thanh niên xung phong, qua tuyến lửa Quảng Bình đến địa đạo Vĩnh Linh, cầu Hiền Lương để viết “Một ngày 14 lần thay cờ”. Địch tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Nghi Xuyên cũng có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất như Quảng Ninh để viết “Sóng Hạ Long”, “Vùng máu”, đến hiện trường vụ cháy kho xăng Đức Giang, rồi những trận bom ở Hải Phòng, Việt Trì… Từ những trận tuyến còn khét lẹt mùi thuốc súng và chưa dứt tiếng bom, những bài báo của nhà báo Nghi Xuyên đã được gửi về đưa tin chiến thắng kịp thời đến nhân dân cả nước và lên án tội ác dã man của kẻ thù. Ông hào hứng kể: “Ngày ấy, đến với những nơi chiến sự xảy ra ác liệt còn là niềm tự hào của những người phóng viên chiến trường chúng tôi. Cả một thế hệ chúng tôi coi “cái chết nhẹ như lông hồng” ấy mà. Có như thế mới có ngày chiến thắng chứ!”.

Đã không ít lần bị bom vùi nhưng Nghi Xuyên đã may mắn thoát chết, để rồi lại tiếp tục lên đường. Có lần ông bị bom đánh mất hết giấy tờ, gặp một đơn vị của ta, không có gì chứng minh mình là phóng viên chiến trường, ông bị chính quân ta trói nghiến lại, bởi nghi ngờ ông là thám báo, biệt kích… Bao kỷ niệm vui buồn, nhưng đó chính là chất liệu sống để sau này khi phụ trách chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác”, ông biến nó thành những tình tiết sinh động để xây dựng các câu chuyện hết sức chân thật, cảm động, đầy kịch tính và giàu tính thuyết phục.

 NSƯT Nghi Xuyên đến với chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” cũng hết sức tình cờ. Năm 1966, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cùng đồng chí Trần Lâm là hai người “chủ xướng” xây dựng chuyên mục này. Ý tưởng ban đầu là, chuyên mục nhằm đả phá bọn xâm lược, tay sai, lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vậy là phóng viên Nghi Xuyên, do được đào tạo về biên kịch, lại có nghiệp vụ công an, nên ông được chuyển về phụ trách chuyên mục này.

Ông cho biết: “Lúc ấy cũng chưa hình dung được hình hài của nó sẽ như thế nào. Vừa làm vừa nghĩ, vừa mày mò rút kinh nghiệm rồi thành thục thôi. Vậy mà ngay từ những số phát sóng đầu tiên, khán giả đã viết thư khen ngợi, làm mình vui và xúc động lắm”.

Từ những câu chuyện đầu tiên, ông đã vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn của địch trong việc tung gián điệp, biệt kích vào miền Bắc, tiến hành chiến tranh tâm lý nhằm lung lạc ý chí chiến đấu của nhân dân ta; để nhân dân nâng cao cảnh giác, tăng cường bảo mật phòng gian, đấu tranh chống những âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Bên cạnh đó, Nghi Xuyên còn góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân hết lòng vì nhiệm vụ, được dân tin yêu, che chở, giúp đỡ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Các câu chuyện: “H5 là ai?”, “Bí mật căn hầm ngầm”, “Mùa hoa dẻ”, “Chiến công dâng Bác”, “Mật mã N02”, “Chiếc chìa khóa căn hầm số 8”, “Khách sạn Arirona”, “Biệt hiệu nai vàng”… lần lượt ra đời trong sự đón nhận nồng nhiệt của thính giả. Nhiều câu chuyện đã được thính giả yêu cầu phát đi phát lại nhiều lần.

Những năm tháng ấy, chiếc đài bán dẫn và hệ thống loa phát thanh là người bạn thân thiết của mọi nhà. Cứ mỗi tối thứ bảy, bà con trong làng xóm lại tập trung đến nhà ai có đài, hoặc đón chờ nghe chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” trên hệ thống loa truyền thanh của xã phường. Những câu chuyện vừa hết sức chân thật nhưng lại ly kỳ, hấp dẫn cho đến phút cuối của Nghi Xuyên trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi tối thứ bảy hàng tuần. Gần hai mươi năm liền, những câu chuyện ấy được chính tác giả kể lại, chứ không qua diễn xuất của các diễn viên thời gian sau 1985.

NSƯT Nghi Xuyên cho biết: “Khi viết, tôi đã đắm mình vào nhân vật, rồi đến khi kể lại, tôi lại như “chui” vào từng nhân vật để nói với bà con, để bà con hiểu, lôi kéo bà con về phía mình”. Quả thật, ông được trời phú cho một chất giọng rất có phong thái người kể chuyện: ấm áp mà rành rọt, truyền cảm mà hấp dẫn… đã tạo nên một sức sống riêng cho chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” suốt mấy chục năm liền.

Đã có nhiều người hỏi Nghi Xuyên, có bí quyết gì mà ông lại có thể viết nhanh, viết nhiều, cốt truyện hấp dẫn mà vẫn chân thật đến vậy? Ông cho biết: “Đầu tiên là phải có vốn sống thực tế phong phú qua các chuyến đi, phải theo dõi tình hình thời sự ở hai miền Nam - Bắc, từ đó nắm được diễn biến âm mưu thủ đoạn của địch, sau đó là diễn biến tình hình an ninh trật tự trong nước. Những câu chuyện tôi viết, hầu hết dựa trên các dữ liệu có thật trong đời sống, chứ không phải là… “bịa” như có người vẫn nghĩ đâu”.

Để củng cố vốn sống, ông cũng thường xuyên đi tìm hiểu ở các phòng nghiệp vụ, dự các buổi hỏi cung phạm nhân, tìm hiểu các vụ án, thân phận, cuộc đời của nhiều đối tượng. Ông cũng hết sức chú ý, làm sao để các câu chuyện với những tình tiết hấp dẫn mà vẫn không bị lộ nghiệp vụ. Trong những câu chuyện dài hai kỳ, ông thường sắp xếp các tình huống sao cho đúng đoạn hấp dẫn nhất, “thắt nút” nhất thì hết chương trình, càng khiến cho thính giả hồi hộp chờ đón nghe ở chuyên mục kỳ sau.

Hòa bình lập lại, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc lại có những thay đổi. Ngoài việc đập tan âm mưu của kẻ thù phá hoại nền kinh tế, chính trị từ bên trong và bên ngoài, lực lượng Công an còn đảm bảo an ninh trật tự, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội đang có xu hướng tăng lên trong nền kinh tế ngày càng phát triển.

Bắt nhịp nhanh với những thay đổi ấy, NSƯT Nghi Xuyên viết kịch bản “Người cha bất hạnh” lên án lối sống suy đồi dẫn đến phạm tội của một số cá nhân (tác phẩm đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Phát thanh và Truyền hình toàn quốc lần thứ I); “Diêm vương xử án” (Huy chương Vàng tại Liên hoan Phát thanh và Truyền hình toàn quốc lần thứ II), “Lũ chuột đồng” lên án mạnh mẽ tệ nạn tham nhũng tại thành thị cũng như nông thôn. Nhức nhối với tệ nạn ma túy đang hoành hành, Nghi Xuyên đã đi đến nhiều tỉnh, tìm hiểu, nắm bắt tình hình tội phạm ma túy và đã viết hơn 30 kịch bản về những “cái chết trắng”. Ông cũng tập trung đi sâu vào chuyện đời, chuyện nghề, sự hy sinh mất mát của các chiến sĩ công an trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm như “Những năm tháng ấy”, “Bão tố giữa tình thương”…

NSƯT Nghi Xuyên gắn bó với chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” cho tới ngày nghỉ hưu. Hiện giờ, hàng ngày nằm ru cháu bên cánh võng, vẫn trang giấy và chiếc bút trong tay, ông vẽ ra những sơ đồ về mối liên hệ giữa các tuyến nhân vật của ý tưởng về một câu chuyện vừa vụt sáng trong đầu. Trên sơ đồ ấy, ông tiếp tục suy nghĩ, phát triển trong lúc giúp vợ con vài việc lặt vặt, săn sóc cây cối trong vườn nhà. Đó là một thói quen sáng tác của ông.

Suy nghĩ về cấu tứ, nội dung các câu chuyện cảnh giác hầu như lúc nào cũng thường trực trong đầu ông như một thứ bệnh nghề nghiệp. NSƯT Nghi Xuyên làm việc say sưa không quản ngày đêm, trong đầu ông luôn nung nấu những ý tưởng để viết thành những câu chuyện cảnh giác. Kể cả trong những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời, ấy là khi người vợ hiền của ông vội vã ra đi năm 1979, vì một căn bệnh hiểm nghèo, để lại 3 đứa con thơ. Một mình ông sống trong cảnh “gà trống nuôi con”, nhưng chẳng khi nào ông ngừng suy nghĩ. Mừng thay, cuộc sống đã bù đắp cho ông phần nào, khi một cô em họ người vợ phận mỏng của ông đứng ra thay chị lo toan cho ông và các con. Từ đó, căn nhà ấm áp tiếng cười, và ông lại dồn được tâm trí vào công việc.

Nhưng rồi ông lại phải vượt qua nỗi đau mất đi đứa con gái thứ 3 đang độ tuổi thanh xuân trong nỗi đau đớn vô hạn. Nhưng với suy nghĩ là người sống sẽ tiếp tục sống tốt hơn, làm việc nhiều hơn, ông lại lao vào tìm niềm vui trong công việc viết lách và tham gia giảng dạy tại Trường cao đẳng Phát thanh và Truyền hình Hà Tây. Học trò các khóa của trường luôn coi nhà báo - NSƯT Nghi Xuyên là người thầy đặc biệt.

Với phương pháp giảng dạy độc đáo, chủ yếu là minh họa bằng những kinh nghiệm thực tế, ông cố gắng truyền đạt những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ học trò, góp phần đào tạo nên những thế hệ làm báo phát thanh giỏi cho đất nước nói chung và lực lượng CAND nói riêng

Nguyễn Thị Việt Hà

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文