Ông chủ "Bảo tàng hữu nghị mini" ở Phú Yên

17:24 18/03/2008
Ở tỉnh Phú Yên có một ông già gần nửa thế kỷ miệt mài theo đuổi niềm đam mê sưu tập những hiện vật văn hóa thế giới, từ đó ông đã tạo lập và sở hữu một "Bảo tàng hữu nghị mini" độc nhất vô nhị, với hơn 10.000 hiện vật từ 84 quốc gia.

Từ chiếc huy hiệu Liên Xô…

Ông già đó là Đỗ Như Phước, hiện cư ngụ tại căn hộ 34A Lê Lợi, phường 1, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Dù đã 72 tuổi, mái tóc bạc trắng, nhưng trông ông vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh.

Ông kể: "Không có con số thống kê cụ thể, nhưng cho tới nay ít nhất đã có hàng trăm lượt người đến đây tham quan bộ sưu tập văn hóa trong bảo tàng hữu nghị mini của tôi, trong số đó có một số giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ trong nước, chuyên gia nước ngoài.

Vinh dự nhất là tôi đã đón tiếp và giới thiệu bộ sưu tập văn hóa của mình với bà Tania Macenin Dengado - Đại sứ Cuba tại Việt Nam". Lật chậm từng trang trong quyển sổ bìa cứng cỡ lớn, ông Phước bày tỏ "Điều khiến cho tôi thật sự vui mừng là sau khi tham quan, mỗi người trong số họ đều ghi vào đây những cảm nghĩ rất chân tình".

Sau hơn hai giờ tiếp xúc với ông Phước và lần lượt tham quan, tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa từng hiện vật, tôi mới hiểu hành trình tạo lập bảo tàng hữu nghị mini do ông sở hữu thật sự vất vả.

Ông kể: "Cùng với nhiều thanh niên ở Phú Yên, năm 1954, tôi lên tàu ra Bắc tập kết. Một thời gian ngắn sau đó, tôi thi đậu và theo học tại khoa Ngoại ngữ Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Tình cờ trong giờ học ngoại khóa, một giảng viên trẻ người Nga phát hiện tôi chịu khó tìm tòi, học hỏi trong sách báo, hiểu biết khá nhiều về nền văn hóa Đông Âu. Cuối giờ học, người giảng viên này đã gọi tôi lại để tặng một chiếc huy hiệu Liên Xô".

Ngừng một lát, ông Phước tâm sự: "Cầm tấm huy hiệu trên tay, tôi thật sự vui sướng phần vì được bạn bè cùng lớp tỏ thái độ cảm phục, phần vì chiếc huy hiệu đó là biểu tượng về tình đoàn kết đồng chí, bạn bè quốc tế".

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập, nhưng thời đó, chàng trai Đỗ Như Phước vẫn phấn đấu vươn lên và trở thành một trong những sinh viên giỏi ở khoa Ngoại ngữ.

Chính vì vậy năm cuối cùng ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ông Phước vinh dự được nhà trường chọn lựa, chỉ định đảm trách công việc phiên dịch tại Hội nghị Thanh niên quốc tế được tổ chức tại Hà Nội. Trong buổi giao lưu, ông Phước đã được sinh viên quốc tế tặng nhiều huy hiệu các nước, và ông lưu giữ khá cẩn thận.

Những lúc nhàn rỗi, ông Phước lấy những chiếc huy hiệu có được để xem, cũng từ đó ý tưởng sưu tập hiện vật, sản phẩm văn hóa các dân tộc trên thế giới đã thôi thúc ông tìm kiếm từ nhiều nguồn. Có thể nói, ông Phước là một người có tính hết sức cẩn trọng, nên mỗi tấm ảnh, bức thư hay một kỷ vật nhỏ từ thời sinh viên cho đến nay đều được ông lưu giữ theo trình tự thời gian khá bài bản.

Thế nên khi nghe tôi đặt câu hỏi: “Ông đã bắt đầu hành trình sưu tập hiện vật văn hóa thế giới như thế nào?", ông Phước không vội trả lời mà bước về phía chiếc tủ gỗ lấy ra một tập album cũ, bên trong là những tấm ảnh đen trắng thời còn trai trẻ.

Ông kể: “Hạnh phúc thật sự mỉm cười với tôi khi được Trường đại học Bách khoa Hà Nội tuyển dụng và giao nhiệm vụ giảng dạy môn tiếng Nga từ năm 1960. Với công việc mới mẻ này, tôi bắt đầu có dịp tiếp xúc và làm việc với nhiều chuyên gia Liên Xô thời đó. Thêm một hạnh phúc nữa đến với tôi là nhiều lần có đoàn công tác từ Liên Xô sang Hà Nội, tôi vinh dự được Bộ Ngoại giao mời đến làm phiên dịch.

Một năm sau khi đứng trên bục giảng ở trường đại học, tôi tranh thủ dành thời gian đi học để lấy thêm bằng đại học thứ hai và đã trở thành kỹ sư vô tuyến điện. Sáu năm đứng trên bục giảng, cuối năm 1966, tôi lên đường nhập ngũ vào bộ đội Thông tin.

Ở môi trường công tác mới, tôi có điều kiện gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm về vô tuyến điện của các chuyên gia quân sự nước ngoài. Và sau mỗi cuộc gặp gỡ, hầu hết tôi đều có thêm những chiếc huy hiệu hay hiện vật văn hóa về đất nước, con người của họ. Cứ mỗi lần xếp thêm một hiện vật văn hóa vào tủ là tôi nuôi thêm hy vọng sẽ có dịp sưu tập nhiều hơn nữa"

...Đến thế giới văn hóa trong một ngôi nhà

Trong hành trang ông Đỗ Như Phước mang về quê nhà sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng không có tài sản nào quý giá hơn những hiện vật văn hóa mà ông đã sưu tập được từ những năm tháng sống ở miền Bắc.

Năm 1989, sau khi được đảm trách chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp hữu nghị dân tộc các nước tỉnh Phú Yên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị dân tộc các nước, ông Phước càng có điều kiện mở rộng mối quan hệ giao lưu với nhiều bè bạn quốc tế, nên bộ sưu tập văn hóa thế giới của ông ngày càng có thêm nhiều hiện vật.

Ba gian phòng ở tầng 1 và tầng 2 trong căn hộ gia đình, ông Phước đã dành cho việc trưng bày hiện vật văn hóa thế giới, ngoài ra còn có một gian phòng tạo dáng nghệ thuật rễ cây khô do chính ông thực hiện.

Bước vào "bảo tàng hữu nghị mini", tôi đã được ngắm nhìn trên 10.000 hiện vật văn hóa phương Đông, phương Tây với nhiều mốc thời gian, kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Tại gian phòng thứ nhất, bên trong một chiếc tủ kính lớn trưng bày trang trọng hơn 3.000 chiếc huy hiệu đúc bằng đồng, nhôm, bạc có nguồn gốc từ Liên Xô, Tiệp Khắc, Cuba, Trung Quốc, Ba Lan, Đức, Campuchia, Lào...

Chỉ tính riêng huy hiệu Lênin đã có 150 chiếc. Kế đến là những huy hiệu quý khác như huy hiệu Các Mác, Bác Hồ rồi huy hiệu Festival thanh niên - sinh viên thế giới, Trại hè thiếu nhi quốc tế Aztek, Dũng sĩ Điện Biên, Bến Tre đồng khởi, huy hiệu Nguyễn Văn Trỗi, huy hiệu Thanh niên thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, huy hiệu các đội tàu, nhà máy, đoàn hội, trường học ở nhiều nước.

Ông Phước cho biết, tất cả số huy hiệu này không chỉ được ông mang đi trưng bày tại các cuộc triễn lãm về huy hiệu tổ chức ở TP HCM, Hà Nội, mà còn sang tận Moskva, Xukhumi, Bacu. Bạn bè quốc tế đến dự triển lãm đều phải công nhận ông Đỗ Như Phước là "người Việt Nam sưu tầm huy hiệu nhiều nhất".

Trong gian phòng thứ hai là tượng những cô gái Ukraina, Madagascar, Pháp được trưng bày bên cạnh những cô gái Chăm, Bana, Mông của Việt Nam trong bộ trang phục truyền thống mang nét đẹp riêng của dân tộc mình. Cạnh đó là một chiếc tủ kính khác trưng bày trên 400 hiện vật là sản phẩm mỹ nghệ của nhiều quốc gia.

Đây là bộ búp bê gỗ Mariốtca, bộ thìa gỗ của Nga, còn kia là những bức tượng được làm bằng thạch cao có xuất xứ từ các nước Đức, Ukraina, Ba Lan, rồi đĩa sứ của Liên Xô, Trung Quốc, Lào. Kế đó là biểu tượng Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, Ben Zion của Israel, Khải hoàn môn của Pháp, Cầu cổng vàng của Anh cho đến chiếc áo mang về từ Bolivia có hình Che Guevara, mô hình Tòa tháp đôi ở Mỹ...

Trong lúc tôi còn đang say sưa với biểu tượng của một số nước, thì ông Phước đẩy tấm kính tủ trưng bày lấy ra một tấm gỗ, trên đó có chạm trổ cây Palma và cô gái cùng với con chim. Chỉ tay vào hiện vật này, ông Phước nói: "Đây là tặng phẩm của Trưởng đoàn Du kích Elsenvador trao cho tôi đó”.

Nhìn sang kế bên tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy chiếc đĩa sứ có in lá cờ Sri Lanka do chính Bộ trưởng Bộ Lao động - xã hội nước này tặng cho ông Phước. Gọn nhẹ nhưng gây ấn tượng đối với người xem, đó là những bộ tem thư phát hành từ năm 1940 cũng được ông sưu tầm, bảo quản và trưng bày rất cẩn thận.

Bất ngờ hơn nữa là bộ tem phát hành "Ngày các nhà du hành vũ trụ" có đóng dấu ngày 12/4/1980, của Bưu điện sân bay vũ trụ Baicơnua. Bước sang gian phòng thứ ba, tôi có dịp chiêm ngưỡng những nét điêu khắc độc đáo trên bức tượng Nữ thần Ấn Độ, tượng vũ nữ Chăm và nhiều kỷ vật của Giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ, Giáo sư Tô Ngọc Thanh và bà Tania Macein Delgado - Đại sứ Cuba tại Việt Nam gửi tặng ông Phước.

Điều đáng nói là trong hành trình tạo lập "bảo tàng hữu nghị mini" của mình, có nhiều biểu tượng, công trình kiến trúc và hiện vật văn hóa của một số quốc gia trên thế giới trở thành của riêng ông, được ông Phước sưu tầm và trưng bày. 19 năm về trước, trên tờ tạp chí Liên Xô ngày nay số ra tháng 12/1989, Alecxander Rakhman đã ghi nhận về bộ sưu tập văn hóa của ông Đỗ Như Phước, trong đó có đoạn viết: “Tất cả những hiện vật trong bộ sưu tập đó có được là nhờ tiền tiết kiệm riêng.

Vấn đề là phải tiết kiệm, kiếm thêm nguồn thu nhập bổ sung. Nhà bảo tàng nằm ở vùng hẻo lánh của Việt Nam này rõ ràng đang thúc đẩy việc củng cố tình hữu nghị". Một người ở Hà Nội biết ông Phước có bộ sưu tập văn hóa thế giới, nên đã liên lạc đặt vấn đề “chuyển nhượng” với giá trên 1 tỉ đồng, nhưng ông từ chối. Cách đây gần 6 tháng, ông Phước đã hiến tặng 84 hiện vật văn hóa cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam

Phan Thế Hữu Toàn - ANTG số 737

Tại buổi tọa đàm về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tổ chức 17/5, đại diện Cục CSGT, Bộ Công an đã trả lời về nồng độ cồn do uống nước hoa quả, sirô trong xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. 

Tối 18/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Khoa Minh về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文