Ông hàng nước với nghìn bài thơ lục bát

16:16 21/09/2008
Một người đàn ông lận đận bao năm để trở thành một kỹ sư thuỷ lợi. Sau đó vừa làm công tác ở Sở Thuỷ lợi, vừa bán nước chè để nuôi đàn con ăn học đại học. Một ngày kia tức cảnh sinh tình, cộng thêm cái vốn sống bao nhiêu năm, ông dồn tâm huyết, 4 tháng trời "đẻ" nghìn bài thơ lục bát. Ai đó hỏi, ông nói: "Cái vốn của tôi nó như thế, trời cho, cha mẹ cho". Ông là Nguyễn Minh Tuấn, hiện sống cùng vợ ở TP Hà Đông.

Kỹ sư thuỷ lợi ngồi bán nước chè

Ông Nguyễn Minh Tuấn sinh năm 1937 ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), nay thuộc Hà Nội. Cha là một ông quan hay chữ, từng làm Tri phủ Hoài Đức, cũng là người đồng sáng lập Hội Khai trí tiến đức cùng với Phạm Quỳnh, Hoàng Trọng Phu. Mẹ là ca nương nổi tiếng một thời, là lớp đàn chị của nghệ nhân Quách Thị Hồ.

Cha mất sớm khi cậu 3 tuổi, một em còn quá nhỏ, một em chưa kịp chào đời, mẹ là vợ quan, ngoài nghiệp ca hát chẳng biết làm ruộng, chỉ chăm chút được vườn tược. Gia cảnh lúc đó éo le, lại chẳng có của nả dự trữ từ trước.

Cậu Tuấn khi mới 11, 12 tuổi đã phải làm ruộng cùng với mẹ. Cậu không từ nan, làm bất cứ công việc gì, miễn là giúp được mẹ có tiền, có gạo nuôi em. Nhờ chăm chỉ và thông minh nên cậu làm gì cũng giỏi, từ cày bừa, cấy hái đến thái thuốc lào.

Độ đó, một chàng trai làm ruộng giỏi rất được các cô gái hâm mộ và dễ đem lòng yêu mến. Nhưng vì gia đình, cậu chưa nghĩ đến chuyện riêng tư mà chỉ cặm cụi làm việc, mưu sinh.

Cuộc đời của Nguyễn Minh Tuấn thay đổi nhiều nhất, có lẽ là những ngày đi thoát ly. Chàng thanh niên gầy gò nhưng có phần "dễ ưa" ấy đã gặp cô Nguyễn Thanh Ngữ, đang làm việc ở cụm Công trường đại thuỷ nông Đan Hoài Từ. Lúc đó, Nguyễn Minh Tuấn mới chỉ là một cán bộ sơ cấp với trình độ Đệ ngũ (tương đương lớp 7), nhưng đã dám ghi lên tường cơ quan dòng chữ "Giảng đường đại học ngày mai", báo hiệu của tài năng và nghị lực.

Trong hành trang của chàng trai, vẫn có chồng sách lớn để nghiên cứu, chuẩn bị cho con đường học hành sau này. Có lẽ cô gái tên Ngữ đã si mê anh chàng mình nhận là anh trai ở cái điểm này, để rồi tiến đến hôn nhân vào tháng 10 năm 1962. Đám cưới được cơ quan kết hợp với gia đình tổ chức, chỉ có chè thuốc và bánh kẹo. Cưới xong lại mỗi người một công việc, phải ở cách xa nhau.

Ở cơ quan, chuyện của Tuấn và Ngữ không được thuận lợi. Anh chị em trong cơ quan ngăn cản: "Mày thế này, sao lại lấy cái thằng vừa đen vừa gầy. Chắc gì có con. Nó chỉ 40 cân thôi, làm cái gì cũng bị quá sức". Ngữ không nói gì, bởi đã mê mẩn anh chàng được mệnh danh là "cây sáng kiến" này rồi. Vì anh ta tài quá, là lao động giỏi, chiến sĩ thi đua mà lúc nào cũng có những sáng kiến hay.

Đến năm 1964, Nguyễn Minh Tuấn theo học Trường Trung cấp Thủy lợi Trung ương. Ra trường, được giữ lại làm thầy, tiếp tục học hàm thụ ở Đại học Thuỷ Lợi, nhưng lại học cùng với sinh viên hệ chính quy.

Thời gian này, chàng Tuấn gần như biến thành một cái cây sậy vì vất vả. Thường phải nhận những chiếc bánh mỳ của bạn bè để đêm về vừa học vừa nhai cho đỡ đói vì bữa ăn chẳng bao giờ đủ no. Đang học, vợ sinh con, chàng vừa học vừa làm, lại phải chăm vợ chăm con. Vất vả đủ đường.

Năm 1975 tốt nghiệp Đại học Thuỷ lợi thì vợ đã sinh con thứ ba. Lúc này, cái đói hoành hành gia đình bé nhỏ của chàng. Các con lớn lên dần theo ngày tháng, theo đó mồ hôi của Nguyễn Minh Tuấn nhỏ xuống ngày càng nhiều.

Bước sang năm 1980, Nguyễn Minh Tuấn cũng đã qua tuổi tứ tuần. Người đàn ông này lại phải cày cục nấu nước chè, đem ra ngồi bán ở Nhà văn hoá trung tâm thị xã Hà Đông.

Đích thị Giám đốc Sở Thuỷ lợi tỉnh (Hà Sơn Bình) nhiều lần gọi lên nhắc nhở: "Cậu thôi ngay trò bán nước chè ở nhà văn hoá đi. Anh em trong cơ quan và cả người dân đều nói với tôi vụ việc này. Ai đời kỹ sư lại đi bán nước chè, phơi mặt ra đường như thế thì hoá ra bôi bác làm xấu mặt cơ quan. Trong thị xã này, nhiều gia đình nghèo chứ đâu chỉ có gia đình cậu".

Chàng kỹ sư không chấp nhận, thẳng thắn nói: "Thưa đồng chí, bán nước chè là việc làm chính đáng, không vi phạm pháp luật. Tôi cần tiền để lo cho con cái ăn học, cho chúng vào đại học sau này. Tôi không cần đồng chí phải nhắc".

Số tiền dành dụm được từ bán nước chè, Nguyễn Minh Tuấn mua sách và thuê gia sư về bồi dưỡng kiến thức cho các con. Cho đến bây giờ, ông vẫn giữ được những cuốn vở mà các con tập viết. Vì được ông uốn nắn nên các con đều viết rất đẹp. Như ông bây giờ viết chữ đẹp hiếm người bằng.

Vào thời kỳ đó, sách truyện rất hiếm, nhưng ông Tuấn đã cố gắng mua truyện cổ tích về để đọc cho các con nghe. Những cánh đồng bát ngát lúa xanh, những con đường thẳng tắp cây đã làm tâm hồn con trẻ đẹp lên, khiến chúng yêu đời yêu người. 

Và giờ cả 5 người con của ông đều đã thành đạt. Năm con ông bà đều là cán bộ quản lý của cơ quan công quyền, doanh nghiệp. Tất cả mười người con cả con đẻ, dâu, rể đều có bằng đại học và trên đại học. Đặc biệt cặp vợ chồng Thành - Hậu có tới 7 bằng đại học và trên đại học.

Muộn nhưng "đẻ" khoẻ

Trở lại chuyện văn chương của ông. Được biết, ông "vào nghề" hơi muộn, khi đã ở tuổi 60. Nhưng là người viết khoẻ, bạn bè gọi ông là "gà đẻ trứng".

Nói về sự hình thành dòng chảy văn thơ trong người mình, ông hồ hởi: "Thực ra dòng máu văn chương đã có trong tôi từ lâu. Ngày ở quê, con sông Đáy hiền hoà, đôi bờ xanh ngắt bãi dâu cùng với lời ru ngọt ngào của mẹ và những câu chuyện cổ tích mẹ kể đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi.

Lăn lộn với cuộc đời, cơm áo gạo tiền, chẳng có thời gian dành cho văn chương. Lúc nghỉ hưu, được nhà nước cho đi làm chuyên gia ở châu Phi 5 năm trời. Thế là tôi cầm bút và mải mê viết trong phấn khích".

Ông viết nhiều, liền một lúc 5 tập thơ ra đời, 1 tập truyện, 1 tiểu thuyết. Và nay là cuốn "Ngàn câu thơ lục bát" dày cộp. Một người làm văn chương nghiệp dư, đã có tuổi, viết được cả ngàn trang, quả là đáng nể. Khi hỏi, ngàn bài thơ lục bát đó ông sáng tác trong bao nhiêu năm. Ông nói "Trong 4 tháng, từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2007".

Tôi thực sự bất ngờ ở khả năng này. Lục bát thì nhiều người có khả năng viết được. Nhưng để viết hay thì thật khó. Với loại lục bát hai câu như ông Nguyễn Minh Tuấn đã viết thì càng khó hơn. Dù đã nếm trải phong trần, những nét ấy ẩn hiện trong những trang văn. Chúng ta không thấy trong đó sự xót xa, dằn vặt mà nhận thấy vẻ trẻ trung, nồng thắm, tha thiết yêu đời, yêu người.

Ở đó người ta tìm được những câu thơ hay: "Thuyền em chưa chọn bến bờ/ Anh về nuôi nhện giăng tơ bẫy thuyền". "Thuyền tình em vẫn đón đưa/ Anh là vị khách cuối chưa hỡi mình". "Cốm thơm xanh dẻo em cho/ Anh mua hồng ngọt chơi trò phu thê".

Đạo diễn sân khấu, nghệ sĩ Lương Tử Đức nhận xét về thơ ông như sau: "Thơ ông như trăng sáng lúc trời trong. Như cây xanh sau mưa. Như bóng mây hiện lên lúc sông lắng dịu. Tâm hồn ông làm cho thơ đẹp đẽ, thơ làm tâm hồn ông thanh sạch".

Một nghìn bài thơ lục bát là một nghìn tâm sự, phong phú về đề tài trong mọi lĩnh vực cuộc sống, thể hiện tinh thần của ông trước thiên nhiên, con người, trước nhân tình thế thái và gửi gắm vào đó những trăn trở, tâm trạng.

Điều đặc biệt nữa là trong những năm tháng ông đi công tác, khi thư về cho vợ, chỉ viết bằng... thơ. Thế mà người vợ tảo tần ấy hiểu, và cũng "đẻ" thơ tặng lại chồng. Ông bà sống hạnh phúc, xưng với nhau "anh - em" ngọt ngào, như thuở mười tám đôi mươi.

Ngồi với ông, tôi được nghe ông nhắc về  kỷ niệm của một bài thơ lục bát được giải từ năm 1960, trong đó có câu "Khôn chi tháo trộm nước đồng/ Đầy niêu tép trắng lép bông lúa vàng". Bài được được "đẻ" trong hoàn cảnh ông cán bộ thuỷ lợi ra thăm đồng, nhìn thấy những con rạch đã được bơm đầy nước bị người ta tháo ra để đơm đó chặn bắt cá.

Ông đã in 10 tập sách, còn dự định viết truyện dài về ngành thủy lợi mà ông đã gắn bó cả cuộc đời. Riêng tập thơ "Lời ru" được nhà xuất bản in nguyên chữ ông chép, mà vẫn bóng bẩy, đẹp đẽ. Có lẽ đó là một trong những tập thơ viết tay đầu tiên ở Việt Nam.

Tôi hỏi, ông còn trăn trở gì nữa cho cuộc sống. Ông lắc đầu, bởi ông đã làm xong những việc cần làm. Con cái thành đạt, hiếu thảo và sống đạo đức. Giờ ông chỉ cốt sống thanh thản với thơ, với những vần lục bát. Nhìn dáng vẻ thâm trầm, đôi lúc vui tính của ông, tôi không biết ông đang có dự định gì khác cho mình. Biết đâu, bạn bè sẽ lại được đọc tập ngàn câu thơ tinh tuyển, ngàn câu thơ tình yêu hay bất cứ một đề tài nào đó. Và cũng lại là chỉ "đẻ" trong thời gian rất ngắn.

Khi tôi đang ngồi để viết bài này thì ông gọi điện, nói rằng vừa nảy ra cảm hứng viết một cuốn truyện dài về đời làm thủy lợi của mình. Chắc sẽ viết sớm, dự tính 800 đến 1.000 trang. Tôi và tất cả mọi người có quyền kỳ vọng vào một người đến với văn chương muộn, nhưng viết khoẻ và viết hay.

Cuối cùng, ông đọc bài thơ “Nẻo tình”, bằng giọng ấm mà vang vọng, như của thuở mười tám đôi mươi.

Hình như thẹn với sương mai
Tóc thề buông xoã bờ vai nõn nà
Hình như có hạt phấn hoa
Vô tình vương tận sóng xa biển đầy
Hình như nhớ vạt nắng gầy
Hương sen nhè nhẹ thoảng bay quanh đầm
Hình như người ấy yêu thầm
Lời ru tình cứ nảy mầm về đêm
Hình như mưa trót ngủ quên
Trăng sao ngơ ngác nhô lên cuối chiều
Hình như cỏ biếc đăm chiêu
Để mi mắt tựa cánh diều ngóng mây
Hình như đất ngại heo may
Đòng non ngậm sữa gió lay đón mùa

Nguyễn Văn Học

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Khoảng hai tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay đã có khoảng 200ha sầu riêng ở địa phương bị chết.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文