Ông ngoại tôi - nhà văn Nguyên Hồng

11:29 18/04/2010
Vì "bỏ Hà Nội" nên gia đình ông bà ngoại tôi cũng "bỏ" luôn cả sổ gạo và tem phiếu. Bà tôi và các bác tôi, mẹ tôi đều phải tham gia vào HTX nông nghiệp: chăn trâu, cắt cỏ cho HTX để lấy công điểm, mà nào có được là bao?

Thuở bé, tôi là một đứa trẻ rất khó ngủ, mẹ tôi nói vậy. Khi còn phải bế ẵm thì bố và mẹ hát ru hết bài này đến bài khác, nhìn xuống con vẫn thấy mắt mới chỉ gà gà. Đến tuổi mẫu giáo thì mẹ kể hết chuyện nọ đến chuyện kia (hết cả vốn chuyện của mẹ rồi) mà vẫn chưa đưa tôi được vào giấc ngủ. Có lẽ vì thế mà tôi được nghe mẹ kể nhiều chuyện chăng? Những câu chuyện đã đi vào tâm khảm non nớt của tôi khiến tôi ghi nhớ mãi.

Hồi ấy ở xóm Cầu Đen, Nhã Nam, huyện Yên Thế, Bắc Giang quê ngoại tôi, xóm làng còn nghèo và thưa thớt lắm. Không biết từ bao giờ có một bà cụ già đơn độc nghèo khổ sống trong một căn nhà đất bé tý tẹo ở đầu xóm. Không biết có phải cha mẹ đặt cho hay vì bà không con, không cái và chẳng có ai thân thích mà dân làng gọi bà là bà già Son. Lúc mẹ tôi lên sáu lên bảy thì bà đã già lắm rồi. Bà lại bị còng lưng (sao bây giờ tôi ít gặp những bà già đi còng lưng thế nhỉ?). Bà thường hay đi xách nước từ ao về nhà để dùng. Bà xách hai tay hai cái lọ bằng đất nung, cái lưng còng rạp xuống đất!

Bà đã già thế nhưng lại rất khó tính và "ác"! (trẻ con nghĩ thế), không gần gũi với ai, hay mắng chửi trẻ con (trong số ấy có mẹ tôi) mỗi khi chúng lân la vào mảnh vườn của bà để nhặt táo rụng hay bẻ trộm vài quả ổi. Đã vài lần mẹ tôi đánh bạo vào ngôi nhà vắng lặng của bà, chủ yếu là để thoả chí tò mò thì thấy trong nhà bà chả có nổi một thứ tài sản gì!

Trong xóm Cầu Đen mà mẹ tôi ở hồi đó còn có một người đàn bà nữa cũng bất hạnh không kém, đó là bà Tốn, bà là vợ hai ông Tốn nhưng lại không có nổi một mụn con với ông. Khi ấy bà đã già lắm, ông Tốn đã mất. Bà ở với 2 đứa con chồng, một trai, một gái. Chúng để bà sống cô quạnh trong một túp lều xiêu vẹo mà đứa con trai chồng bà làm cho ở một góc vườn. Khi còn khoẻ bà sống bằng nghề làm thuê, ai thuê gì bà làm nấy. Về già chẳng ai thuê bà nữa thì bà sống bằng nghề mò cua bắt tép qua ngày. Cuộc sống của bà bấp bênh bữa đói, bữa no. Có những kỳ bà ốm nằm một mình trong túp lếu rách nát. Các con chồng có đứa nào thương mẹ ghẻ! Thế là cuộc đời bà cứ trôi đi trong đói khát và buồn tủi như thế.

Vào năm 1959, ông ngoại tôi, với bản tính khảng khái, không chịu nổi cái không khí ngột ngạt trong đời sống văn nghệ thời "Nhân văn giai phẩm" đã bỏ Hà Nội mà trở về lại Cầu Đen vùng Nhã Nam, Yên Thế, nơi một thời là nơi ở của các gia đình và nơi đi về trong kháng chiến của các nhà văn Ngô Tất Tố, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng... Nơi có thời được vinh danh là "Đồi văn hóa". Ông về đây để hoàn thành những tác phẩm lớn của đời ông mà ông đã ấp ủ, nung nấu suốt từ thời đầu cách mạng và trong những ngày ông bị đế quốc Pháp giam cầm ở Bắc Mê, Hà Giang.

Ông viết bộ tiểu thuyết "Cửa biển" (Sóng Gầm, Cơn bão đã đến...) ông viết truyện ngắn "Truyện cái xóm tha hương", "Ở cửa rừng Suối Cát", và "Con hùm con mồ côi", ông làm thơ  "Ngày mùa thu đưa con lớn đi học"... Trong những ngày ấy, cuộc sống của gia đình ông bà tôi cực nhọc lắm. Vì "bỏ Hà Nội" nên cũng "bỏ" luôn cả sổ gạo và tem phiếu. Bà tôi và các bác tôi, mẹ tôi đều phải tham gia vào HTX nông nghiệp. Ngoài giờ đi học, mẹ tôi và các cô, bác tôi cũng đi chăn trâu, cắt cỏ cho HTX để lấy công điểm, mà nào có được là bao?

Năm nào nhà ông bà tôi cũng bị ít công điểm nhất HTX, năm nào cũng bị thiếu gạo ăn, tháng ba ngày tám là những tháng ngày ông bà tôi chạy vạy vất vả ngược xuôi để lo đủ miếng ăn cho cả một đàn con đang tuổi ăn học, những ngày tháng ấy đến giờ mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn kể cho chị em tôi nghe. Đầy cảm động!

Vượt qua tất cả những khó khăn, ông ngoại tôi vẫn viết khỏe, viết đều. Những đêm khuya chong đèn dầu để viết, ông tôi thường ăn cơm tối rất muộn. Ông tôi thường ăn sau bà tôi và các con. Những buổi tối mùa đông rét mướt ấy, mẹ tôi thường phải xuống bếp hâm nóng lại cơm và thức ăn cho ông. Mỗi lần như thế ông thường bảo mẹ tôi múc thức ăn, đôi khi cũng chỉ là bát canh dưa nóng nấu với tép và cà chua, hay bát cơm nóng với vài miếng cá đồng kho mặn rồi rất nhẹ nhàng bảo mẹ tôi:"Con mang xuống cho bà già Son nhé!", hoặc: "Con mang xuống cho bà Tốn nhé!".

Có những lần mẹ tôi phụng phịu không đi nhưng bao giờ ông tôi cũng nghiêm nghị bảo mẹ tôi phải đi, mà không bao giờ giảng giải dài dòng. Mẹ tôi vốn ngoan ngoãn, lại rất biết nghe lời cha, thế là mẹ tôi lỉnh kỉnh tay cầm đèn, tay bê bát thức ăn đi đến nhà các bà. Sau này khi mẹ tôi đã xa nhà đi học đại học thì việc đó là cô Diệu, cô Yên Thế tôi lại thay mẹ tôi làm.

Một nhà văn Tiệp Khắc đến thăm gia đình nhà văn Nguyên Hồng tại Ấp Cầu Đen, Nhã Nam - 1971 (từ phải qua trái, hàng đầu: chị Yên Thế - con thứ 6, thân mẫu nhà văn Nguyên Hồng, chị Diệu - con út nhà văn Nguyên Hồng. Hàng sau: Nhà văn Tiệp Khắc, nhà văn Nguyên Hồng cùng vợ, chị Nhã Nam - con thứ 5 cùng hai cán bộ hội nhà văn).

Bây giờ mỗi lần về xóm Cầu Đen, Nhã Nam, Yên Thế giỗ ông, khi ra mộ ông, tôi và mẹ tôi lại đi qua những nơi mà những người đàn bà khốn khổ ấy từng ở. Họ đã mất lâu rồi, thời gian mấy chục năm đã làm cảnh vật thay đổi hết, không còn vết tích gì. Ông bà tôi giờ nằm lại trên đồi. Tôi thương nhớ không nguôi người ông nhân hậu ấy, tôi rưng rưng nước mắt gọi ông! Và tôi vẫn thấy một ông già, tóc bạc phơ, ngồi uống rượu và tiếp tục viết dưới trăng sáng. Nơi đó là vùng Nhã Nam, Yên Thế - nơi đã gắn bó với ông và sự nghiệp của ông - nhà văn Nguyên Hồng

Hà Nội ngày 9/4/2010
Đào Hồng Vân

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文