Không sử dụng linh vật ngoại lai tại các di tích:

Phải làm rõ nhận thức sai về linh vật ngoại lai để tạo đồng thuận

09:51 13/01/2015
Sau 5 tháng thực hiện Công văn số 2662 về việc không sử dụng linh vật ngoại lai ở các di tích, ngày 12/1, Bộ VHTT&DL đã cùng đại diện các nhà quản lý và các chuyên gia, các địa phương đánh giá lại hoạt động này, nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất cho thời gian tới.

Chủ trương trên là rất cần thiết để giữ gìn văn hóa truyền thống, “đánh bật” sự xâm lăng văn hóa ngoại lai vốn đã vào nước ta cả vô thức lẫn có ý thức. Vì thế, nhiều bộ, ngành, địa phương cùng báo chí đều ủng hộ.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có công văn về việc không bài trí, đồng thời, di dời các linh vật không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi các nơi thờ tự. Riêng TP Hà Nội đã di chuyển 146 tượng sư tử đá ngoại lai khỏi các di tích.

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNA&TL) đã giới thiệu hình ảnh một số mẫu tượng linh vật đang được sử dụng tại các di tích và lưu giữ tại một số bảo tàng, giúp công chúng hiểu được tinh thần thẩm mỹ của người Việt. Bên cạnh đó, một số bảo tàng đã triển lãm nhiều mẫu tượng sư tử, nghê của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn để nhân dân tiếp cận.

Tuy nhiên, có một thực tế được Cục MTNA&TL cho biết: Sau gần nửa năm triển khai chủ trương không sử dụng linh vật ngoại lai tại các di tích, nơi tôn giáo, vẫn còn nhiều người không phân biệt được tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc của các sản phẩm ngoại lai, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam.
Một số linh vật truyền thống của Việt Nam.

Phần lớn người dân không biết việc cúng tiến tượng linh vật, đồ thờ vào di tích lịch sử văn hóa mà chưa có ý kiến của các nhà chuyên môn, quản lý là vi phạm Luật Di sản văn hóa, cũng như không biết các di tích của Việt Nam hiện còn lưu giữ nhiều tượng sư tử, nghê, lân, sấu mang đặc trưng riêng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các sản phẩm ngoại lai hiện trưng bầy trong di tích, nơi thờ tự mang ý nghĩa tâm linh, nên việc loại bỏ, di dời một số linh vật đã đặt khoảng chục năm, chưa nhận được sự đồng thuận của chủ sở hữu và những người cung tiến.

Một số địa phương, bộ, ngành chưa thực sự cùng vào cuộc để vận động người dân di dời các hiện vật và tượng linh vật ngoại lai. Đặc biệt, vẫn còn nhiều cơ quan, công sở của các bộ, ngành, địa phương trưng bày tượng sư tử đá mẫu Trung Quốc, châu Âu, tác động tiêu cực tới việc thực hiện Công văn số 2662.

Một vấn đề mà thời gian qua các địa phương đều lúng túng là việc xử lý các linh vật sau khi di dời khỏi di tích, khi không biết đưa đi đâu. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội: UBND TP Hà Nội chưa có định hướng, nên Sở rất lúng túng, khi khối lượng linh vật rất lớn, không biết phải di chuyển thế nào? Bình thường, người cung tiến phải bỏ kinh phí di chuyển, nhưng người cung tiến không đồng ý, nên khó trong xử lý.
Một số linh vật truyền thống của Việt Nam.

Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị xử lý bằng cách chôn linh vật ngoại lai, còn Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Bích Liên chỉ đạo Sở VHTT&DL Hà Nội mượn mảnh đất cạnh Bảo tàng Hà Nội để tập kết các sư tử đá ngoại lai được di dời từ các di tích. Tuy nhiên, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, không nên chôn vì 500-1.000 năm sau, con cháu chúng ta đào lên thấy, sẽ nghĩ đó là linh vật Việt.

Do đó phải xử lý như ở Đà Nẵng: nghiền thành bột đá, hoặc sáng tạo thành các con nghê nhỏ gọn, thuần Việt hơn, hoặc mở rộng xuất khẩu và Bộ VHTT&DL phải có chiến dịch thu gom. GS. Trần Lâm Biền lo ngại cần phải xử lý triệt để, nếu không rồi đây, có người không hiểu đúng vấn đề lại cho đưa về di tích.

 Sở VHTT&DL Đà Nẵng có sáng kiến giải quyết “khủng hoảng” mẫu linh vật, bằng việc vận động sáng tác từ nay đến 5/2015, để chọn mẫu giành giải dùng cho làng nghề. Nhưng nhiều ý kiến cho là không nên chỉ có một con, một mẫu vật, vì riêng con nghê là chưa đủ vì nghê không phải là con vật có thật.

Cũng cần tránh công thức hóa vì sẽ làm chết sự đa dạng vốn là sức sống của văn hóa. Ngoài linh vật, cũng không nên sử dụng đèn lồng đỏ của Trung Quốc như một số di tích, đặc biệt là Khuê Văn Các vì Văn Miếu không bao giờ treo đèn lồng, nhất là của Trung Quốc.
Một số linh vật truyền thống của Việt Nam.

GS.TS Vũ Minh Giang nêu quan điểm: 2 vấn đề cốt lõi của văn hóa là có đời sống và giao lưu, tiếp biến. Do đó, cần nghiên cứu để linh vật có đời sống, nhưng cũng cần có tiếp biến, để biểu tượng linh vật trở thành của ta. Cùng với tuyên truyền, cần có sự đồng thuận trong khái niệm “trái thuần phong mỹ tục”, vì là vấn đề quản lý Nhà nước.

Có quan điểm cho rằng, chúng ta chưa có cuốn hoa văn Việt Nam, để tuyên truyền, cung cấp để hoa văn dân tộc thấm vào người Việt Nam. Bộ VHTT&DL nên có chiến dịch phát đến tận đền, chùa, người dân loại sách này, vì hiểu biết về hoa văn dân tộc còn hạn chế.

Tuy nhiên, GS Trần Lâm Biền lại cho biết, Trường Mỹ thuật đã có nhiều cuốn về đình làng, về đồ thờ của người Việt, trang trí trong nghệ thuật tạo hình. Vấn đề là sách chưa đến được người dân, cũng vì trí thức ta lười đọc.

GS Trần Lâm Biền cũng khẳng định: Việc đưa tượng Quan âm trắng, sư tử đá ngoại lai, tỳ hưu vào chùa là trái với truyền thống, vì ông cha ta chỉ để hổ và chó đứng canh cửa, mà chủ yếu là hổ với biểu tượng dân gian rất đẹp.

Đưa những linh vật không đúng vào di tích, là do không hiểu biết nên những người làm văn hóa phải giải thích ý nghĩa biểu tượng, người dân sẽ hiểu và tự nguyện di dời, tránh được sự âm ỉ và có lúc trỗi dậy. Đặc biệt, ở nhiều di tích đề tên người công đức trên hiện vật, là điều xưa tuyệt đối không có.

“Đó là sự đùa giỡn, đặt cược với thần linh, không đúng cả về tín ngưỡng lẫn văn hóa. Ghi tên mình vào hiện vật để dâng cho thần linh ở thế giới bên kia là ghi tên mình vào sổ tử đó.”  - Nhà nghiên cứu văn hóa nhấn mạnh.

Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định quan điểm đồng ý với chủ trương của Bộ VHTT&DL, nhưng cũng đề nghị các Sở VHTT&DL vào cuộc quyết liệt hơn để giải quyết những mâu thuẫn dễ xảy ra giữa sư trụ trì và các cụ trong việc di dời linh vật ngoại lai. Tôn trọng di tích gốc nhưng cũng phải để cho phát triển, nên đề nghị Bộ VHTT&DL có cái nhìn rộng hơn.

Để sớm đưa các linh vật ra khỏi di tích, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trước hết cần giáo dục những người đã cung tiến sản phẩm và công khai danh tính, họ sẽ cố gắng khắc phục, chứ không phải để phản cảm như đã và đang có.

Thanh Hằng

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文