Phát hiện đàn xã tắc giữa lòng Hà Nội

14:00 27/11/2006
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, đàn Xã Tắc xuất hiện từ thời Lý do Vua Lý Phật Mã con trai của Vua Lý Công Uẩn xây dựng năm 1038. Đàn Xã Tắc lập ra để tế lễ Hậu Thổ (Thần Đất) và Thần Nông (Thần Ngũ Cốc), những vị thần quan trọng của sản xuất nông nghiệp để cầu cho nhân dân no ấm, mùa màng bội thu.

Những ngày vừa qua, dư luận quan tâm trước việc các nhà thi công tình cờ phát hiện một đàn tế từ thời Lý và một số bộ hài cốt được yểm xung quanh đàn tế này khi đang tiến hành xây dựng nút giao thông đường vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa.

Việc phát hiện đàn tế đã gây sự tò mò, hiếu kỳ cho nhiều người dân, vì họ cho rằng đây là sự  bất thường trong việc thi công con đường. Nhằm có thông tin đầy đủ về sự việc, phóng viên ANTG đã đi tìm hiểu từ các cơ quan chức năng và các nhà khảo cổ học.

Đàn tế không phải tình cờ được phát hiện.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Khay - Trưởng ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội - đơn vị đang trực tiếp quản lý và thi công đường vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa.

Theo ông Khay cho biết, ngay từ đầu năm 2006 UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa Thông tin (VH-TT) cùng với Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội tiến hành thám sát, khai quật dấu tích đàn Xã Tắc, chứ không phải là việc thi công con đường rồi “tình cờ” phát hiện như một số thông tin báo chí đã đưa trong những ngày vừa qua.

Đàn tế này đã nằm trong danh mục di tích lịch sử được khảo cứu của Bộ VH-TT. Về việc Viện Khảo cổ tiến hành khai quật di tích đàn Xã Tắc bắt đầu từ Quyết định số 40/5/QĐ - BVHTT của Thứ trưởng Bộ VH-TT Trần Chiến Thắng ký ngày 30/8/2006 cho phép Sở VH-TT thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thám sát khai quật di tích đàn Xã Tắc ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Nhưng do tiến độ thi công con đường còn chậm, vì thế đến ngày 3/10, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội mới tiến hành ký hợp đồng thám sát, khai quật với Viện Khảo cổ học. Từ ngày 30/10 đến ngày 13/11, công việc khai quật được chính thức bắt đầu trên diện tích 100m2 gồm 3 hố đào. Người trực tiếp phụ trách việc thám sát, khai quật di tích là Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, cán bộ Viện Khảo cổ học.

Ngày 17/11, trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên cho biết: “Cho tới thời điểm này, không còn nghi ngờ gì nữa những gì chúng tôi đã khai quật chính là đàn Xã Tắc của kinh đô Thăng Long thời Lý - Trần - Lê”. Tại hố thứ nhất sau khi mở hết các lớp đất mặt và các móng nhà hiện đại ở độ sâu  đã tìm thấy một lớp vật liệu chủ yếu là gạch ngói mang đặc trưng thời Trần.

Tại hố thứ hai, các nhà khảo học đã tìm thấy hai lớp móng nền nhà nằm chồng lên nhau, lớp trên có gạch ngói vụn có thể có niên đại khoảng thời Lê, dưới có lớp nền bằng vật liệu sành, sứ có niên đại thời Lý (khoảng đầu thế kỷ XI). Hố thứ 3, cũng đã tìm thấy sân nền lát gạch vuông và gạch vồ có niên đại thời Lý.

Chưa tìm thấy di tích đàn Xã Tắc của kinh đô Thăng Long, vì các hố khai quật diện tích chưa được mở rộng nhiều, hiện vật, di vật chưa nhiều nên cho tới thời điểm này chưa đưa ra được những nhận định mang tính khoa học, lịch sử và văn hóa, những giá trị khai quật ban đầu đã khẳng định đây chính là đàn Xã Tắc.

Đàn Xã Tắc để làm gì?

Ngay từ đầu các nhà văn hóa cũng như các nhà khảo cổ học cũng đã có chung một nhận định: khu vực Ô Chợ Dừa, phường Nam Đồng, quận Đống Đa chính là đàn Xã Tắc bởi nơi đây có những địa danh ngõ Xã Đàn, hồ Xã Đàn và trong một số tài liệu cũ cũng đã ghi lại như vậy.

Tuy nhiên, xét về mặt quy mô, giá trị kiến trúc cũng như cách thức xây đắp và sự “biến mất” của đàn Xã Tắc như thế nào thì vẫn phải chờ kết quả khai quật của các nhà khoa học.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, đàn Xã Tắc xuất hiện từ thời Lý do Vua Lý Phật Mã con trai của Vua Lý Công Uẩn (tên hiệu là Thái Tông) xây dựng năm 1038. Đàn Xã Tắc lập ra để tế lễ Hậu Thổ (Thần Đất) và Thần Nông (Thần Ngũ Cốc), những vị thần quan trọng của sản xuất nông nghiệp để cầu cho nhân dân no ấm, mùa màng bội thu. Việc lập đàn Xã Tắc đã thể hiện chính sách quốc thái, dân an của triều đình nhà Lý.

Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, trang 273,có ghi rằng: “Năm 1038, Mậu Dần, mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hạ cày ruộng tịch điền. Sau đó bảo quan dọn cỏ đắp đàn. Vua tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có can rằng: “Đó là công việc của nông phụ, bệ bạ cần gì phải làm thế!”. Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo?”. Nói xong đẩy cày 3 lần rồi thôi. Tháng 3, vua về kinh sư.

Về việc làm của vua, Sử thần Ngô Sĩ Liên bình rằng: “Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền nêu gương cho thiên hạ, trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi dân, công hiệu trị nước dẫn đến dân đông, của giàu, nên thay!”. Trong sách Đại Nam nhất thống chí có ghi lại, đàn Xã Tắc nhà Lý nằm ở địa phận huyện Vĩnh Thuận về phía tây nam thành, đắp từ thời Lý Thái Tông ở thôn Thịnh Hóa ngoài ra không ghi chép gì thêm. Trong khi đó đàn Nam Giao, cũng được xây dựng từ thời Lý chỉ cách đàn Xã Tắc 104 năm thì lại được ghi chép một cách rất cụ thể.

Cũng theo một số tài liệu cổ ghi lại thì đàn Xã Tắc nằm trên một khu đất ruộng cao cạnh đó có 2 cây gạo nằm ở phía bắc làng, gần khu vực Đại La. Những năm đầu thế kỷ XX, do những biến cố của lịch sử, dân ở gần khu vực này đã làm nhà và ruộng che lấp mất phần nền của đàn Xã Tắc. Theo các nhà khảo cổ học cho biết, trong lịch sử phong kiến nước ta hiện còn ghi lại có 3 đàn Xã Tắc của các vua chúa thời xưa.

Một đàn được xây dựng ở Huế thời Nguyễn, một đàn ở Thanh Hóa của triều đình nhà Lê và một ở Hà Nội. Cùng với đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc là những nơi thờ cúng linh thiêng của vua chúa và quan lại, được làm ở những khu vực ngoại thành nhưng phải tiện đường đi lại. Đàn Xã Tắc dùng để tế cho nhân dân no ấm, còn đàn Nam Giao dùng để tế trời.

Qua khảo sát, đàn Xã Tắc được xây đắp lộ thiên, gồm 2 tầng hình vuông, mặt chính diện thường quay về hướng Bắc (đàn Nam Giao thường quay về hướng Nam). Tầng trên cùng là nơi dành cho vua và các quan đại thần đứng tế, đặc biệt mặt nền được tô 5 màu theo nguyên tắc ngũ hành.

Hiện trường khu vực khai quật.

Trên nền đàn Xã Tắc còn có dựng 32 bộ đồ bằng đá để cắm tàn. Cả tầng trên và dưới đàn đều có lan can gạch chạy quanh, chính giữa 4 mặt đều có xây dựng hệ thống tam cấp.

Ông Trần Văn Độ năm nay đã ngoài 70 tuổi, từng sống ở khu vực Ngõ Xã Đàn, phường Nam Đồng từ nhiều năm nay cho biết: Trước đây khu vực các nhà khảo cổ đang tiến hành khai quật vốn là một khu đất cao và bằng phẳng hơn những địa điểm khác, vì thế khi khu vực này được tiến hành khảo sát những người cao tuổi như chúng tôi cũng đã khẳng định đây chính là đàn Xã Tắc.

Được biết, cho tới ngày 14/11/2006, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật đàn Xã Tắc và kiến nghị tiếp tục được khai quật. Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Trung Tín - Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học cũng khẳng định: Căn cứ vào địa danh, truyền thuyết dân gian, thư tịch cổ, các di tích và di vật đã xuất lộ, bước đầu có thể nhận định đã tìm thấy dấu tích của đàn Xã Tắc thời Lý. Đàn Xã Tắc thịnh đạt dưới thời Lý và tiếp tục được thờ cúng lâu dài cho đến thời Nguyễn.

Di tích đàn Xã Tắc mặc dù đã bị hủy hoại từ lâu nhưng các dấu tích còn lại góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử kinh đô Thăng Long và đánh dấu một vị trí quan trọng trong việc quy hoạch kinh đô Thăng Long... Để thực hiện tốt việc nghiên cứu và phát huy giá trị của khu di tích đàn Xã Tắc, Viện Khảo cổ học cũng đã đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội cho phép tiến hành giai đoạn II, mở rộng hố khai quật với diện tích 500m2 trong thời gian từ ngày 20/11/2006 đến ngày 5/1/2007.

Việc khai quật di tích đàn Xã Tắc có thể ảnh hưởng đến tiến độ thi công của đường vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa, nhưng về thiết kế của dự án theo lãnh đạo Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết sẽ vẫn được giữ nguyên.

Sau khi tiến hành thám sát người ta sẽ tiến hành đổ cát và cắm mốc chỉ giới khu vực đàn Xã Tắc và sẽ tiếp tục thi công. Theo dự kiến đường vành đai 1, Kim Liên - Ô Chợ Dừa sẽ được hoàn thành vào quý I năm 2007

Mai Phương

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文