Quách Đông Phương và triển lãm “Thẩm mỹ tồi”
"Những cánh cổng như một biểu tượng tâm linh của làng Việt. Nhưng trong đời sống hiện đại, không nhiều lắm những người biết gìn giữ và tôn vinh nó như một di sản. Có nhiều cổng làng bị phá đi và xây lại, hoa văn lòe loẹt, kiến trúc đa tạp, lai căng. Tôi mặc định đó là thẩm mỹ tồi”, hoạ sỹ Quách Đông Phương tâm sự.
Sinh năm 1961, Quách Đông Phương được đánh giá là họa sỹ có phong cách riêng độc đáo. Nhưng gần đây, người ta chú ý nhiều đến Quách Đông Phương như một nghệ sỹ nhiếp ảnh mê đắm với những cánh cổng làng. Tất nhiên, anh không trưng bày như một triển lãm ảnh thông thường. Những cái cổng làng hiện lên trong một không gian sắp đặt, ấn tượng và đầy hoài niệm.
Hai tuần sau, Phương tiếp tục trưng bày sắp đặt cổng làng, nhưng không phải là những góc máy đẹp miệt mài của làng quê, của những vùng tâm linh huyền nhiệm trong những ngôi làng Bắc Bộ nữa. Tất cả hiện lên như một không gian làng bị bóp méo, bị pha trộn với tạp nham kiến trúc hiện đại, đúng như các vùng nông thôn trong vòng đô thị hoá chóng mặt hiện nay.
Có lẽ không nhiều lắm những họa sỹ mê đắm kiến trúc cổ như Quách Đông Phương. Và có vẻ như khi đã đi qua những phá phách, những trào lưu và xu hướng lạ của hội họa thế giới, các họa sỹ thành danh của Hà thành đều định vị lại không gian hội họa của mình trong những tầng sâu văn hoá Việt nguyên thủy.
Trong những chuyến đi thực tế, Quách Đông Phương đã nhìn ra ở những cánh cổng làng là một thế giới đầy màu sắc, mang tầm tư tưởng. Anh quyết định chụp chúng lại, giản đơn là một thứ tư liệu cho nghề nghiệp. Nhưng chất chứa trong hành trình không giản đơn để có được hơn 1.000 bức ảnh làng Việt đó là sự nuối tiếc không dứt. Vì anh biết, có thể trong một thời gian rất ngắn, tất cả những thứ tưởng vô tri mà nhiều giá trị sâu bền ấy sẽ mất đi.
Cổng làng là tổng hợp của hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc và truyền lại những câu chuyện về lịch sử, ước vọng của người dân. Không chỉ có vậy, nó còn thể hiện sự sung túc hay nghèo khó của mỗi làng. Ngày trước, mỗi làng có một công việc, làng thuần nông hay làng nghề đều có những ước vọng khác nhau… gắn với mỗi cái cổng khác nhau. Quách Đông Phương tâm sự, hiện trong bộ ảnh ngàn bức của anh, có những cái cổng làng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy, như cổng làng Ước Lễ, cổng làng Cốc (Hà Tây). Hay như làng Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) có cái cổng đẹp vì được xây dựng để ca ngợi học vấn, văn chương.
Anh thường đi cùng với nhà văn Ngô Văn Phú, người hiểu sâu Hán ngữ, nên tường mọi sự từ cái cổng làng. Làng Cự Đà có chữ bia Hạ mã, quan đến làng thì xuống ngựa, còn những người làng hãy nghĩ bản thân mình một chút mỗi khi bước qua cánh cổng ra với người ngoài hay trở về với làng xóm.
Thế nhưng, trong những chuyến đi ấy, anh nhận ra một điều không vui, nhiều cổng làng bị tàn phá. Điều ấy thôi thúc anh ghi lại những cái cổng, tưởng chắc bền nhưng có thể biến mất trong một đêm. Anh về lại những ngôi làng xưa, nơi đã tạo cho anh nhiều cảm hứng thì nhận ra không ít cánh cổng làng đẹp trong bộ sưu tập của anh đã bị phá mất.
Vùng Phú Xá, Phú Thượng (Tây Hồ) chẳng còn làng. Làng Tó, làng Triều Khúc… thì phá cổng cũ, xây cổng mới với những thứ kiến trúc bị pha tạp trông "rất buồn cười". Có những cái cổng mới xây theo kiểu Pháp rất thiếu thẩm mỹ: xây lại tam quan, mái vòm cong, gắn những bông sen bằng sứ, những con rồng, phượng bị tô ve xanh đỏ loè loẹt, chẳng còn chút hồn vía tâm linh nào.
Triển lãm "Thẩm mỹ tồi" của Quách Đông Phương giống như sự phản kháng, như một tiếng nói phê bình nghiêm khắc mà bất cứ ai quan tâm đến văn hoá và di sản cũng phải đồng tình.
Quách Đông Phương cho rằng, nguyên nhân diệt vong của "văn hóa cổng làng" là do văn minh, vì văn hóa ẩn ở một nghĩa khác chứ không đồng nghĩa với văn minh. Cổng làng đứng được thì phải có không gian thoáng rộng, còn với không gian làng xã đang bị phá vỡ như hiện tại thì quả là cổng làng "không còn đất sống". Bởi văn hóa vốn là cái hết sức bền vững nhưng cũng vô cùng mong manh.
Nếu đưa ra một ranh giới giữa đẹp và xấu thì Phương đã tìm ra lằn ranh ấy, nhưng tiếc rằng thẩm mỹ bây giờ ở một số nơi không được như các cụ ta xưa. Cổng làng mang ý nghĩa tâm linh, những cái nho nhỏ như thế góp sức xây dựng một xã hội tử tế, nhưng có vẻ bây giờ những điều tương tự có vơi đi đôi phần. Thế giới văn minh, thông tin nhiều, nhưng có cái mới không có nghĩa phải gạt cái cũ… Thế nên Quách Đông Phương làm triển lãm ảnh "Thẩm mỹ tồi" để nói về những chuyện không tồi là vậy