Sâu nặng một tình yêu Hà Nội
Ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến rất gần. Là một công dân của thành phố ngàn năm tuổi, Phú Quang rất tự hào. Mang những bài hát của mình đến với khán giả châu Âu và tổ chức một chương trình tại Hà Nội, với những nhạc phẩm tiêu biểu nhất, bằng những giọng ca hay nhất, chính là những món quà của riêng người nhạc sĩ dành cho Hà Nội. Liệu rằng Phú Quang sẽ có bài hát nào viết riêng cho ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hay không? Dự định về việc viết một bản giao hưởng ngày vua Lý dời đô là ý tưởng Phú Quang đã ấp ủ bấy lâu và ông mong rằng nó sẽ trở thành hiện thực trong những ngày gần nhất, dù nghệ thuật thật khó để nói trước.
Có một kỷ niệm vô cùng xúc động với Phú Quang, là khi ông mang âm nhạc của mình đi biểu diễn cho cộng đồng người Việt ở châu Âu và được khán giả đón nhận nồng nhiệt, trong đó có người đã rưng rưng chia sẻ rằng, khi nghe âm nhạc của Phú Quang, anh ta muốn bỏ tất cả công việc để về lại quê nhà.
Âm nhạc Phú Quang đã đánh thức trong lòng những người Việt xa xứ tình yêu quê hương và niềm ước mong được trở về. Nó như một tiếng gọi, một lời thỉnh cầu, một sự vỗ về, an ủi. Trong âm nhạc Phú Quang có thể thấy chất romance rất rõ. Có lẽ chính vì thế mà nó dễ dàng khơi gợi những tình cảm thầm kín trong trái tim người nghe.
Giáo sư âm nhạc Dương Viết Á từng nói: "Hình như trong trái tim mỗi người Việt
Quay trở lại câu chuyện của nhạc sĩ Phú Quang. Mỗi khi lòng có chút u buồn vì một cảm giác nhớ thương, mất mát hay tiếc nuối nào đó, tôi thường nghe lại ca khúc của ông. Và tôi tự hỏi, nếu Phú Quang không xa Hà Nội, và cuộc đời ông trải nghiệm đầy đủ những cảm giác của sự cách xa ấy, thì liệu những ca khúc của ông thể gieo được nhiều hạt giống tình yêu quê nhà trong trái tim người nghe hay không? Thật khó để trả lời câu hỏi này. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: "Khi ta ở đất chỉ là nơi ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Cái sự ra đi cụ thể nào đấy trong đời sống của một con người, nhất là con người sáng tạo, chắc chắn sẽ đồng nghĩa với cuộc trở về nào đó trong tâm tưởng.
Với Phú Quang, hình như khi rời xa Hà Nội, chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp, ông mới thực sự nhận ra rằng, có một phần rất lớn cuộc đời mình vĩnh viễn thuộc về vùng đất linh thiêng này. Những cuộc trở về trong ký ức rất mạnh mẽ. Hà Nội đẹp hơn, huyền ảo hơn, lãng mạn và thiết tha hơn với một chiều đông mặt hồ sương trắng, với tháp cổ mặc trầm, với chiếc lá bàng đang mùa thay áo, với mùi hoàng lan phảng phất một đêm thu buồn đến liêu trai, với những "nóc phố mồ côi", những con đường yên tĩnh, nơi ghi dấu mối tình đầu đẹp như một bài thơ...
Cùng với năm tháng cuộc đời trôi qua, đâu chỉ Phú Quang, mà tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng, ký ức chính là nơi neo giữ sự bình yên của tâm hồn. Phú Quang chia sẻ: "Không hiểu sao càng có tuổi tôi càng nhớ nhung những ngày thơ ấu của mình. Hà Nội ngày tôi còn bé đẹp và yên bình biết bao. Tôi vẫn thường cùng bạn bè chơi thổi búp lá đa, bắt dế bỏ vào ống bơ và xem chọi dế. Tôi đã lớn lên bằng những kỷ niệm của thành phố một thời bom đạn. Thời trai trẻ của tôi thuộc về Hà Nội. Mối tình đầu của tôi cũng thuộc về Hà Nội. Ấy là người bạn gái trong trẻo thầm lặng dành bánh mỳ luộc cho tôi mỗi sáng. Rồi chúng tôi đi qua đời nhau… Rồi phút ngập ngừng đầu tiên ấy trở thành kỷ niệm. Và Hà Nội là nơi cất giữ quá khứ dịu dàng của cuộc đời".
Ca khúc đầu tiên về Hà Nội được Phú Quang viết năm 1986 với tên gọi "Trong miền ký ức" phổ thơ Hoàng Hưng. Tiếp sau đó là rất nhiều những ca khúc nổi tiếng như: "Em ơi Hà Nội phố", "Hà Nội ngày trở về", "Nỗi nhớ mùa đông", "Dạ khúc", "Đâu phải bởi mùa thu"... Những năm tháng sống ở Sài Gòn, gần như năm nào Phú Quang cũng mang âm nhạc của mình về Thủ đô, tri âm với khán giả Hà thành. Thừa nhận, chương trình nào của Phú Quang cũng đầy ắp khán giả, cho dù vé xem chương trình của ông chưa khi nào được xem là "hợp túi tiền" người Hà Nội. Nó đắt. Nhưng Phú Quang tự hào, ông đã mang đến cho khán giả những gì tinh túy nhất. Những bài hát dù mỗi năm được biểu diễn lại, vẫn có khán giả tìm đến, đó là phần thưởng lớn đối với Phú Quang.
Đến đây tôi lại chợt nhớ lời của GS Dương Viết Á, khi ông lý giải, vì tình yêu Hà Nội luôn "có sẵn" trong trái tim người Việt, nên đó sẽ là cơ sở tốt cho âm nhạc. Chỉ cần khi người nhạc sĩ viết nên một giai điệu quyến rũ nào đó, nghĩa là "ngòi nổ" ấy đã được "châm", sẽ bùng lên mạnh mẽ. Nếu đúng là như vậy thì Phú Quang chính là người nhạc sĩ có khả năng "châm ngòi" cho tình yêu Hà Nội trong lòng công chúng mạnh mẽ nhất. Ông biết cách để "chạm" vào những miền cảm xúc đẹp nhất của khán giả về Hà Nội...
Phú Quang bây giờ không còn là gã nghệ sĩ "lang thang hoài trên phố" nữa. Ông đã "về lại phố xưa", chấm dứt những ngày "vội vã trở về, vội vã ra đi". Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông nằm giữa làng trồng hoa đào, nơi đó ông có thể nhìn ra sông Hồng bốn mùa đỏ phù sa. Tình yêu Hà Nội trong ông giờ đây cũng giống như phù sa của con sông đã lắng xuống. Ông nói: "Tôi yêu Hà Nội như tình yêu dành cho một người con gái không phấn son, diêm dúa. Một điều gì tĩnh lặng, ẩn sâu bên trong, rất khó để rạch ròi".
Với Phú Quang, Hà Nội là thành phố đẹp nhất, đơn giản vì đây là thành phố mà ông yêu nhất. Bởi đó chính là "quê nhà" của ông. Viết nhiều bài hát hay về Hà Nội cũng chính là cách ông "trả nghĩa" quê hương đã sinh ra và nuôi nấng tâm hồn mình. Và rồi, chính là những giai điệu đẹp của nó đã lan tỏa, làm ấm áp tâm hồn những người yêu Hà Nội, dù họ ở bất cứ nơi đâu...
Chính vì những lẽ đó, dường như không ai ngạc nhiên khi danh hiệu người sáng tác nhiều ca khúc nhất về Hà Nội thuộc về nhạc sĩ Phú Quang. Riêng trong tuyển tập "1.000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội" do nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tuyển chọn thì đã có tới gần 20 bài hát về Hà Nội của người nhạc sĩ sinh ra và lớn lên trên phố Khâm Thiên này.
Phú Quang cho biết, gia tài sáng tác của ông có hơn 200 bài hát và tác phẩm khí nhạc. Và có một điều chắc chắn rằng, phần lớn các ca khúc đó của ông đều viết về Hà Nội. Với Phú Quang, Hà Nội là một đề tài vô tận, một niềm cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn, một tình yêu, một nỗi nhớ thương sâu sắc không chỉ khi đi xa, mà ngay cả lúc đang ở rất gần...