Nhà văn Trần Hữu Tòng:

Tác phẩm đầu tay viết về người anh hùng đầu tiên của lực lượng Công an

12:49 13/07/2014
Nhà văn Trần Hữu Tòng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1981, thuộc Chi hội Nhà văn Công an. Một đời viết văn, ông đã có gần 30 đầu sách. Những cảm xúc tươi mới của thuở đầu đến với văn chương dường như vẫn ám ảnh ông, để rồi, sau gần một nửa thế kỷ sáng tác, hầu hết tác phẩm của ông vẫn chung thủy với đề tài mà tác phẩm đầu tay ông đã chọn. Ông đã được nhận giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ GD-ĐT tổ chức với tác phẩm “Mùa chim cu làm tổ”; 2 lần giải Nhất cuộc thi do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức với tác phẩm “Rừng thông” và “Cây kim giao nơi đầu gió”… và nhiều giải thưởng khác.

+ Đa số các nhà văn đều có tác phẩm đầu tay rất sớm trong đời. Với ông thì sao?

- Tôi lên gác biên cương từ năm 1955, khi 17 tuổi. Năm 1959 lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CAVT) thành lập, tôi là lính Đồn CAVT Cầu Treo - Nước Sốt (Hà Tĩnh), Đồn CAVT Leng Xu Sìn (Lai Châu). Những năm tháng đó, tôi đã có mặt ở hầu khắp các bản làng miền biên giới, kể cả khi làm Báo Công an vũ trang-nơi tôi là một trong các thành viên sáng lập. Năm 1963, tôi có chuyến công tác lên Đồn biên phòng A Pa Chải, nằm ở biên giới 3 nước Việt-Lào-Trung, để viết về một điển hình của lực lượng CAVT khi đó là Thượng sĩ Trần Văn Thọ. Đó là người có bề dày thành tích rất đáng khâm phục: Anh lặn lộn với cuộc sống của bà con dân tộc, để không chỉ giữ gìn an ninh biên giới mà còn cải thiện đời sống nhân dân: kêu gọi đồng bào không du canh du cư, chuyển làm ruộng nương thành ruộng nước, thành lập chính quyền và các đoàn thể ở 5 bản dân tộc Hà Nhì: Leng Xu Sìn, Sen Thượng, Phú Bì, Lò Xan Chá, Tảo Giào Xa, thành vùng dân tộc Hà Nhì. Do công tác ở vùng rừng thiêng nước độc, Trần Văn Thọ bị sốt rét ác tính và hy sinh, khi chưa kịp có một tổ ấm cho riêng mình. Xúc động trước tấm gương ấy, tôi đã viết nhiều bài báo về anh. Đến năm 1965, cuốn truyện ký về anh ra đời, mang tên “Trung với Đảng, hiếu với dân”, đánh dấu tác phẩm đầu tiên của tôi sau 10 năm gắn bó với CAVT. Từ nền tảng của cuốn này, tôi đã viết thành tiểu thuyết “Bên dòng Păng Pơi”.

+ Không chỉ là những bài báo, mà còn là truyện ký, rồi tiểu thuyết. Có vẻ như ông rất tâm đắc với câu chuyện về nhân vật của mình?

- Để có những trang viết ấy, tôi suýt phải đánh đổi tính mạng ở miền viễn biên. Đi bộ 14 ngày đường mới đến A Pa Chải. Suốt 4 tháng liền ở đó, tôi gặp từng người dân mà anh Trần Văn Thọ đã gặp, trò chuyện với những thanh niên đã được anh vận động không theo phỉ trở về với làng bản… Ai cũng nhắc đến anh với niềm xúc động, trong ký ức đầy ắp tình cảm tốt đẹp. Thế rồi, tôi bị sốt rét ác tính nặng đến mức tưởng không qua khỏi. Mọi người thống nhất đưa tôi về xuôi để nếu có chết thì được ở gần nhà. Tôi được buộc vào lưng con ngựa, có quân y sĩ Tiến đi kèm, đưa về Hà Nội. Thấy bệnh tôi rất nặng, Bệnh xá 254 của Bộ Tư lệnh Biên phòng chuyển ngay đến Bệnh viện 10 của Quân đội ở Bắc Ninh. May mắn, tôi đã thoát khỏi bàn tay tử thần và sau 4 tháng thì ra viện. Khỏe trở lại là tôi bắt tay vào viết, bằng tất cả sự xúc động và cảm phục đồng đội. Bài “Trung với Đảng, hiếu với dân” đăng trên Báo QĐND đã tạo được hiệu ứng tốt. Sau đó, tôi được đi kể chuyện về anh Trần Văn Thọ cho Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn nghe. Tôi kể lại chuyện anh Thọ cho Bộ Tư lệnh CAVT nghe, rồi Chính ủy báo cáo với Hồ Chủ tịch.

Nhà văn Trần Hữu Tòng.

Năm 1966, anh Trần Văn Thọ được truy tặng Anh hùng LLVTND, là một trong những chiến sĩ CANDVT đầu tiên được nhận danh hiệu cao quý này. Cũng năm đó, như có sự phù trợ của anh, tôi gặp nhiều may mắn: lấy vợ, được kết nạp Đảng, thăng hàm Chuẩn úy, được cấp nhà và được đi học Trường viết văn. Tôi được mời đi nhiều nơi để nói chuyện về anh Trần Văn Thọ. Bởi thế, những dấu ấn về tác phẩm đầu tay của tôi mãi đi theo tôi trong hành trình sáng tác…

+ Trong suốt những tác phẩm sau này, ông vẫn chung thủy với hình tượng về người lính biên phòng, về cuộc sống miền núi, biến điều đó trở thành thế mạnh riêng của mình?

- Tôi là người miền biển Cửa Hội, lên biên giới lúc rất trẻ, nên những dấu ấn về rừng núi, cỏ cây, cuộc sống của biên cương tác động mạnh và trở thành ấn tượng sâu đậm trong tôi. Năm 1955, tôi là một trong những người bổ nhát cuốc đầu tiên xây dựng Đồn CAVT Cầu Treo - Nước Sốt. Khi đó, non xanh nước biếc, muông thú còn nhiều, không như bây giờ. Cuộc sống chiến đấu của những chiến sĩ CAVT vô cùng gian khổ và luôn đối mặt với hy sinh, nhưng ai cũng dũng cảm và tận tụy, là những ký ức lắng đọng mãi trong tôi… Bởi thế, hình tượng về người chiến sĩ nơi biên cương địa đầu Tổ quốc, những đồng đội thân thương đã luôn đi vào tác phẩm của tôi, như một lẽ tự nhiên, ở cả văn xuôi lẫn thơ: "Người đi ngàn dặm đường xa/ Mang theo phiên gác trăng tà trong mây...".

+ Nửa thế kỷ đến với văn chương, ông cảm thấy mình giàu thêm hay nghèo đi?

- Tôi đã có mặt ở hầu khắp các bản làng biên giới phía Bắc, biết được nhiều hơn về con người, về cuộc sống này, đất nước mình…, chắp nhặt những tinh hoa, những “bui” lung linh của cuộc sống khắp nơi, để nhào trộn thành tác phẩm. Đắm mình vào trong mỗi cuộc sống, của mỗi nhân vật, tôi thấy mình giàu lên, về cả tâm hồn, nhận thức, hiểu biết về con người và cuộc sống, cũng như giàu thêm về bè bạn.

+ Ông là một trong rất ít nhà văn có được chữ “phúc”, khi con cái đều giỏi giang, trong đó, trưởng nữ của ông còn lọt vào TOP doanh nhân thành công nhất cả nước. Một cuộc sống phong lưu như sự bù đắp cho bao hy sinh, vất vả, cũng như thiện tâm của ông luôn in dấu cả trong tác phẩm lẫn đời sống. Điều đó, có làm ông trở nên xa rời văn chương không, nhất là khi ông về hưu với cương vị một Cục trưởng, thưa ông?

- Tôi mừng và an lòng vì sự trưởng thành của con cái, nhưng văn chương vẫn là một niềm vui để tôi theo đuổi. Nghỉ hưu năm 2000, nhưng từ đó đến nay, tôi đã có thêm 6 cuốn truyện, tiểu thuyết và chuẩn bị xuất bản cuốn “Truyện thần kỳ nơi non xanh” - câu chuyện về những con thú quý hiếm của núi rừng, gần gụi với cuộc sống của người lính biên phòng, chúng đã nhiều lần giúp người lính giữ yên miền biên cương. Đó đề tài quen thuộc của tôi.

+ Những trải nghiệm mà ông có thể chia sẻ với bạn đọc, hoặc với những thế hệ cầm bút sau mình, là gì, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng muốn trở thành nhà văn có tác phẩm được bạn đọc yêu thích trước hết phải là người công dân, người chiến sĩ tốt. Tôi không được trời phú cho tài năng về văn chương và tự thấy mình không có tài hoa văn chương thiên bẩm. Sở dĩ, viết những tác phẩm về người chiến sĩ CAVT- người lính biên phòng sau này, chỉ là những trải nghiệm về cuộc sống của chính tôi, với những chi tiết, hình ảnh từ đời thực thấm vào. Bởi vậy, tôi không ảo tưởng lấy văn chương làm sự nghiệp, mà coi đó chỉ là những trang viết ghi lại bao kỷ niệm về đồng đội và bản thân trong chặng đường công tác của mình. Bởi thế, quan niệm của tôi về văn học rất giản dị, chỉ là ngợi ca cái thiện và để làm việc thiện. Tôi dùng tiền nhuận bút làm lư hương đặt ở nghĩa trang 10 TNXP ở ngã ba Đồng Lộc; tặng bà con ở quê nhà làm đường, sửa chùa chiền ...

+ Cảm ơn ông đã trò chuyện!

Thanh Hằng (thực hiện)

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文