Làng cổ xứ Huế 500 năm và bí quyết sống ‘bách niên giai lão’

22:14 11/02/2015
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người ở làng cổ Phước Tích sống “bách niên, giai lão” là do khí hậu lành, thịt cá sạch, rau củ trồng trong vườn tinh tươm. "Mỗi ngày ngủ 7 tiếng, ăn hai bát cơm", bí quyết trường thọ của người Phước Tích là vậy. Và đặc biệt, các cụ sống thọ đều là những người làm gốm nhiều năm.


Được hình thành cách đây hơn 500 năm, làng Phước Tích của xã Phong Hòa, huyện Phong Điền là vùng quê duy nhất ở tỉnh Thừa Thiên - Huế còn bảo tồn nhiều ngôi nhà rường cổ được xây dựng từ thời nhà Nguyễn.

Điều đặc biệt, chủ nhân của những căn nhà cổ “độc nhất vô nhị” này là những cụ già bách niên, nặng lòng bảo tồn di sản do cha ông để lại.

Làng... trường thọ  

Một ngày đầu năm, khi ánh nắng ban mai xuyên qua những rặng lá từ tán cây thị cổ thụ nằm bên dòng sông Ô Lâu, cũng là lúc chúng tôi vượt gần 80 cây số đặt chân đến ngôi làng cổ Phước Tích.

Bên trong ngôi nhà rường lợp mái ngói liệt men, nền gạch vồ với những trụ gỗ cổ kính, cụ Nguyễn Thị Tư rót trà và kể cho những vị khách vừa ghé thăm nghe sự tích của ngôi làng cổ đã bước sang tuổi 544 này.

Theo lịch sử ghi lại, làng cổ Phước Tích hình thành vào năm 1470, dưới triều vua Lê Thánh Tông. Nơi đây, những ngày đầu vào trấn giữ vùng đất Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng đã nhìn thấy “linh khí” ở vùng đất đắc địa được bao quanh bởi dòng Ô Lâu xanh thẳm nên đã cử quan quân về tiếp quản và lập làng.

 Đặc biệt, với vị trí giao thương buôn bán thuận lợi, nhà Nguyễn đã cho xây dựng nhiều lò gốm lớn nhỏ ở đây. Từ đó, thương hiệu gốm Phước Tích trở nên thịnh hành ở nhiều vùng miền lúc bấy giờ.

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Tư đúng vào dịp con cháu của cụ tổ chức lễ mừng thọ thứ 94 cho cụ. Dù đã ở cái tuổi gần đất, xa trời, nhưng cụ Tư vẫn còn rất minh mẫn, cười nói hào sảng và đặc biệt là những chuyện “ngày xửa, ngày xưa” cụ đều nhớ rất rõ. Cụ Tư nói rằng, hồi cuối năm 2014, có một đoàn du học sinh đến từ Pháp có buổi tham quan ở làng cổ Phước Tích.

Dù đã có hướng dẫn viên, nhưng khi vào tham quan nhà rường cổ của cụ, vị hướng dẫn viên này lại “bó tay” khi được du khách đề nghị giới thiệu về nhà rường bằng tiếng Pháp. Thế rồi, cụ Tư vừa chống gậy bước đến, vừa chỉ vào các bức vách, bức đố, liên ba... để mô tả bằng tiếng Pháp trước sự trầm trồ kinh ngạc của những vị khách nước ngoài. Té ra, cụ Tư thông thạo tiếng Pháp từ thời còn cắp sách tới trường và đến nay vẫn còn làu làu thứ tiếng này…

Theo chỉ dẫn của tấm bảng “home stay” (du lịch nghỉ lại tại nhà - PV), chúng tôi tiếp tục tìm đến ngôi nhà rường do cụ Lương Thanh Thị Hén làm chủ. Thật bất ngờ khi dù đã 98 tuổi nhưng cụ vẫn có thể quét dọn vườn tược.

Cụ Hén “bật mí” về bí quyết sống trường thọ rằng, mỗi ngày chỉ nên ngủ độ 7 giờ đồng hồ, mỗi bữa ăn 2 bát cơm và... phải lao động đều đặn. “Năm tui 95 tuổi, con cháu trong gia đình đã mua cỗ quan tài cho tui để phòng khi tui mất đột ngột. Thế mà không ngờ... tui vẫn sống khỏe đến tận hôm nay đấy!”, cụ Hén nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng đen bóng.     

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người ở làng cổ Phước Tích sống “bách niên, giai lão” là do người dân được sống trong môi trường có khí hậu trong lành; thức ăn, thịt, cá đều được đảm bảo vệ sinh; nhất là rau, củ được gieo trồng, chăm bón trong vườn nhà, không bị lạm dụng thuốc trừ sâu hay thuốc tăng trưởng… Và đặc biệt, các cụ sống thọ đều là những người từng tham gia làm nghề gốm suốt nhiều năm trời.

“Hiện ở làng Phước Tích có trên 100 hộ dân, với 320 khẩu thì trong đó có trên 150 cụ già từ 70 tuổi đến 102 tuổi. Trong đó, những cụ vẫn còn khỏe như các cụ: Nguyễn Thị Diệp (102 tuổi); Nguyễn Thanh Thị Hén (98 tuổi); Nguyễn Bá Tự (90 tuổi); Nguyễn Thị Tư (94 tuổi); Lê Thị Thú (87 tuổi)... Dù tuổi đã cao nhưng nhiều cụ vẫn tích cực tham gia hoạt động văn hóa du lịch, giới thiệu về làng cổ và nhà rường cổ cho du khách”, ông Nguyên khẳng định.

Những ngôi nhà rường cổ hàng trăm năm tuổi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử và văn hóa thời Nguyễn ở làng Phước Tích.

Nỗ lực hồi sinh nhà rường cổ

Theo lãnh đạo Sở VH, TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, để làng cổ Phước Tích giữ đúng nguyên trạng nhà rường cổ đến tận hôm nay, ngoài các phương pháp bảo tồn, còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi hộ dân, vốn là chủ nhân của các căn nhà cổ.

Như chứng minh điều này, cụ Tư chỉ cho chúng tôi những chi tiết hoa văn được chạm khắc tinh xảo ở các kèo cột trong ngôi nhà rường rộng lớn rồi chậm rãi bảo:

 “Nhờ nghề làm gốm mà cách đây gần 300 năm, dòng họ nhà tui mới có thể làm được ngôi nhà rường ba gian hai chái này đấy chú à. Tuy thời gian và bom đạn chiến tranh đã hủy hoại khá nhiều ngôi nhà rường cổ của làng. Đặc biệt, nhà tui và nhiều ngôi nhà khác từng bị bom Mỹ dội sập, chỉ còn trơ 4 trụ cột chỏng chơ nhưng dân làng vẫn quyết tâm dựng lại ngôi nhà rường. Trên hết là để bảo tồn di sản do bậc tiền nhân để lại”.

Tự hào công lao của người dân trong công tác phục dựng, bảo vệ nhà rường cổ, ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng thôn Phước Tích còn cho hay: Tính đến thời điểm hiện tại, làng Phước Tích lưu giữ đến 34 ngôi nhà rường cổ từ 200-300 năm tuổi.

Điều đặc biệt là trong số này có đến 23 nhà rường do chính các hộ dân bỏ tiền túi của gia đình (từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng - PV) để tu sửa, bảo tồn nhà cổ. Nhờ thế mà hệ thống nhà rường cổ ở Phước Tích vẫn còn giữ đúng nguyên trạng như xưa, ngoại trừ một số nhà bị xuống cấp, hư hỏng nặng đang chờ kinh phí tu sửa.

Điển hình như, gia đình bà Hồ Thị Nga (50 tuổi) đã bỏ tiền túi 1,1 tỷ đồng để tu sửa lại các hạng mục của ngôi nhà rường cổ trên 250 tuổi, gồm: bờ tường, lợp lại mói ngói liệt, làm cửa “thượng song hạ bản” bên ngoài và cửa “bản khoa” bên trong, chạm trổ hoa văn kèo cột...

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban quản lý di tích làng cổ Phước Tích nhận định: “Trong khi nhiều ngôi nhà rường cổ ở Phước Tích phải chờ kinh phí từ các dự án mới có thể tu sửa thì nhiều hộ dân đã tự bỏ hàng trăm triệu đồng để tu bổ, phục hồi lại căn nhà rường cổ đúng nguyên trạng kiến trúc của kiểu nhà rường truyền thống”.


Đặc biệt, với mong muốn gìn giữ nghề xưa của cha ông để lại và phục vụ các đoàn khách du lịch, nhất là vào các kỳ festival nên nhiều cụ cao niên ở làng cổ Phước Tích còn đứng ra mở lớp dạy nghề làm gốm cho lớp trẻ ở địa phương.

Cứ mỗi sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, cụ Nguyễn Thị Thúy (80 tuổi) và Lương Thị Bê (76 tuổi) lại chống gậy đến cơ sở sản xuất gốm của làng để dạy nghề cho các em học sinh và những người trung niên đam mê nghề gốm.

Dù đã 98 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thanh Thị Hén ở làng cổ Phước Tích vẫn rất minh mẫn.

Và nói như lời các cụ cao niên ở ngôi làng cổ này: “Nghề gốm đã nuôi sống con cháu làng Phước Tích, cũng nhờ có gốm mới “sản sinh” ra những ngôi nhà rường cổ... Vì thế cần phải giữ lấy nghề gốm cho bằng được dù nó đang đứng trước nguy cơ thất truyền”.

Lê Anh

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文