Thể Công Viettel trở lại mái nhà xưa
Lại nhớ, trong mùa giải đầu tiên Thể Công chơi ở giải hạng Nhất, làng bóng xuất hiện một giai thoại kể rằng, có CĐV đội bóng vì quá thất vọng đã đem chiếc áo đỏ truyền thống đến trả lại lãnh đạo đội với câu nói: "Bố tôi là liệt sĩ. Tôi theo Thể Công đã 32 năm nay. Vậy giờ tôi xin gửi lại các anh chiếc áo Thể Công. Bao giờ Thể Công trở lại, tôi sẽ đến lấy lại áo...".
Thực hư giai thoại đó người ta không rõ, nhưng có một sự thật: 3 năm qua là thời gian các CĐV Thể Công sống trong sự khắc khoải mong chờ cuộc hội ngộ đội bóng con cưng tại V.League. 3 năm đau đáu với một câu hỏi trong tim: Bao giờ Thể Công trở lại? 3 năm, họ chờ đợi một tình yêu phục sinh.
3 năm đó không hề là ngắn!
Thậm chí, nó dài đến độ có người Thể Công đã không thể chờ được cái ngày thấy lại đội bóng nơi đấu trường đỉnh cao hôm nay, đành chấp nhận ôm nỗi đau và sự ngậm ngùi về bên kia bờ sự sống... Nhưng, vẫn luôn là như vậy, bất kỳ một sự thay đổi nào cũng cần phải có thời gian. Cuộc sống vốn không có nhiều phép mầu để có thể trao vào tay ta cây đũa thần biến tro tàn thành phượng hoàng lửa chỉ trong một đêm!
Trường hợp của Thể Công cũng vậy. Hồi sinh một đoàn binh thất trận, bạc nhược và rệu rã là một quá trình thách thức sự kiên nhẫn, bền gan. Trên con đường Thể Công đã đi 3 năm qua, người ta đã thấy rất nhiều dấu chân của sự nỗ lực đến kiệt cùng để khắc phục những tồn tại, giải phóng bản thân khỏi những chiếc "vòng kim cô" về mặt cơ chế, xây dựng lại cái nền móng nhân sự từ việc đào tạo cầu thủ trẻ, tạo ra những bước đột phá khẩu trong việc sử dụng lực lượng...
Nhưng công việc để đưa một đội bóng áo lính hòa mình với dòng chảy chung của bóng đá chuyên nghiệp đó, nếu nói và viết thì rất ngắn, nhưng trên thực tế thì không thể làm xong trong một sớm một chiều. Chưa kể, trên đoạn đường đã qua của Thể Công, không phải là không có những thời điểm họ phải đối diện và vượt qua những định kiến, cũng như sự hoài nghi, thậm chí là cả sự chọn lựa: Tồn tại hay không tồn tại.
Giờ thì Thể Công đã trở lại. Giờ thì người Thể Công đã có thể hít thở ở môi trường đỉnh cao của làng bóng Việt. Cố nhân đã có thể đến nhận lại chiếc áo đỏ thân thương thuở nào.
Khi yêu thương mong mỏi đã trở về, liệu có niềm vui và hạnh phúc nào hơn thế? Ấy vậy mà bất chợt nghe đâu đó trong sâu thẳm, nỗi đau xuống hạng của 3 năm về trước lại cọ cựa thức tỉnh.
Tỉnh thức để khẳng định nó đã từng tồn tại và có một thời gian dài làm đau trái tim người Thể Công. Và giờ để nỗi đau đó thực sự chìm vào quá vãng mãi mãi, còn niềm vui hôm nay mới chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới tươi đẹp nơi đội bóng giàu truyền thống nhất làng bóng Việt, người ta phải chờ đợi ở Thể Công thêm một sự trở lại khác: Trở lại vẹn nguyên hình ảnh của một Thể Công - tập thể lập công, Thể Công - phấn đấu lập công trong những ngày tháng tới
1 điểm và... 1 tỷ Trận thắng Tây Ninh 5-3 ở vòng 23 đã sớm vào tay Thể Công suất thăng hạng đầu tiên của giải hạng Nhất trước 3 vòng đấu. Tuy nhiên, đội bóng áo lính vẫn còn nguyên một mục tiêu để phấn đấu trong khúc đuôi còn lại của mùa giải: Ngôi vô địch. Hiện tại với 48 điểm trong tay, thầy trò HLV Galhidi đang độc chiếm ngôi đấu bảng bằng khoảng cách 8 điểm so với đội xếp liền sau Hải Phòng. Bên cạnh đó, trong 2 trận đấu với đối thủ này ở mùa giải năm nay, Thể Công đã hòa 1-1 ở lượt đi và thắng 3-1 ở lượt về nên hơn cả chỉ số đối đầu. Điều này đồng nghĩa với việc họ chỉ cần thêm 1 điểm trong 3 lượt trận còn lại để đạt 49 điểm, là có thể bước lên bục đăng quang. Nhiều khả năng, Thể Công sẽ chọn lượt trận 24 (diễn ra vào ngày 4/9) để dứt điểm ngôi vô địch. Bởi ở trận đấu này, họ tiếp đội cuối bảng Đá Mỹ Nghệ. Sài Gòn trên sân Mỹ Đình nên chẳng gì bằng một cuộc lên ngôi trên sân nhà. Theo một số nguồn tin, nếu đoạt ngôi vô địch giải hạng Nhất mùa này, các cầu thủ Thể Công có thể nhận được khoản tiền thưởng ước chừng lên tới 1 tỷ đồng, chưa kể phần thưởng 200 triệu đồng cho chức vô địch từ BTC giải. |