Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên - như tôi biết
>> Nhạc sĩ An Thuyên –Người nghệ sĩ của tình yêu
Nhạc sĩ An Thuyên. |
Nhạc sĩ An Thuyên mặc dù vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ rất sớm, nhưng lại viết đơn xin vào Hội Âm nhạc Hà Nội khá muộn – năm 2011. Tôi và nhạc sĩ Văn Dung là 2 người ký tên giới thiệu anh.
Nhân dịp gặp mặt đầu năm bao giờ Hội chúng tôi cũng có mục mừng thọ các nhạc sĩ ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90… với số tiền 200.000đ. Biết kinh phí của Hội hạn hẹp, nhạc sĩ An Thuyên nói với tôi:
- Từ nay về sau, anh Cường để chuyện đó tôi lo. Anh cứ thống kê danh sách để tôi sẽ tặng mỗi cụ 500.000đ với điều kiện duy nhất: không nêu tên tôi, chỉ nói là quà của một hội viên.
Tôi báo cáo với nhạc sĩ Văn Dung – lúc đó là Phó Chủ tịch thường trực Hội. Thế là ý nguyện của anh đã được thực hiện và nay anh ra đi, tôi mới công bố chuyện này. Nhiều lần anh đoạt giải thưởng về âm nhạc nhưng không thấy anh xuất hiện. Hỏi anh, anh chỉ cười hồn nhiên và nói với tôi:
- Tác phẩm âm nhạc của ai đó có đi vào lòng người hay không là điều quan trọng, đâu phải chỉ là chuyện lên truyền hình nhận giải để người ta biết mặt!
Chuyện nhỏ thôi nhưng để nói về cái tâm của người nhạc sĩ như anh – một nhạc sĩ bình dị, khiêm tốn và bản thân rất ít khi nói về mình.
Tôi là người đầu tiên được anh tâm sự để đưa ra đề án xây dựng “Tổng tập nhạc thiếu nhi – Giai điệu tuổi thần tiên” – Đây sẽ là tổng tập âm nhạc đồ sộ nhất từ trước đến nay cho trẻ thơ. Anh nói: “Các thành viên trong Hội đồng biên tập phải là các nhạc sĩ có tâm huyết với trẻ em, mình nghĩ chắc phải dựa vào Hội Âm nhạc Hà Nội thôi”. Và chính anh đã đưa ra danh sách đầu tiên.
Thế là Ban biên tập được hình thành, gồm các nhạc sĩ: An Thuyên (Chủ biên), Văn Dung, Hoàng Long, Hoàng Lân, Lân Cường, Cao Minh Khanh và nhà báo Phan Phương.
Đang dở dang tập 1 (gồm 4 cuốn), với các nhạc sĩ sinh từ năm 1910 đến 1929 thì nhạc sĩ Cao Minh Khanh đột ngột ra đi. Còn lại mấy anh em vẫn tiếp tục làm việc một cách say mê. Tập 1 gồm 4 cuốn đã ra đời, do Nhà Xuất bản Giáo dục phát hành. Tập 2 gồm các nhạc sĩ sinh năm 1930 đến 1934, đã in gần xong. Tập 3 gồm các nhạc sĩ sinh năm 1935 đến 1939, đã xong bản thảo.
Chúng tôi đang hoàn thiện tập 4. Hầu như tháng nào anh Thuyên cũng nhắc tôi là tập trung Ban biên tập để làm việc. Nhiều lúc kinh phí khó khăn, nhạc sĩ An Thuyên đã từng nói với Ban biên tập: “Có phải bán nhà tôi cũng làm bằng được dự án này!”.
Anh tâm sự với tôi:
- Bây giờ cơ chế thị trường, họ in ấn, xuất bản nhạc người lớn mới có được nhiều tiền, còn trẻ em thì họ bỏ quên mất. Thử hỏi những nhạc sĩ có đóng góp nhiều về âm nhạc thiếu nhi như Văn Dung, Hoàng Long, Hoàng Lân, Cao Minh Khanh… mà không còn nữa thì làm sao chúng ta có được một tổng tập đầy đủ về âm nhạc thiếu nhi? Các em ấy chính là thế hệ tương lai! Chúng ta sẽ có tội với hậu thế, nếu không làm.
Cũng chính trong thời gian làm bản thảo tổng tập trên mà nhạc sĩ An Thuyên đặt cho mình một quyết tâm mới viết cho trẻ em – một lĩnh vực mà anh chưa có 1 ca khúc nào. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn anh đã hoàn thành và cho thu thanh đầy đủ 9 ca khúc với lời thơ của Phạm Hổ, như: “Thuyền giấy”, “Thả diều”, “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”, “Na”, “Khế”, “Mít”, “Thị”, “Sầu riêng”, “Củ cà rốt”.
Chỉ mới cách đây ít hôm, anh gọi điện giục tôi cho họp lại Ban biên tập, tôi hứa để cuối tháng 7 vì các nhạc sĩ trong Ban biên tập đang có nhiều việc bận quá. Ai ngờ… giờ đây không thể còn ngồi cùng họp để trao đổi với anh từng bài hát, từng tác giả… Anh đi rồi nhưng chắc chắn, chúng tôi, những người ở lại sẽ bằng mọi giá hoàn thành ý nguyện lúc đương thời của anh.
Hằng năm, Hội Âm nhạc Hà Nội với sự giúp đỡ của thành phố, chúng tôi thường tổ chức đêm ca nhạc với tiêu đề Tình yêu Hà Nội để tôn vinh các tác phẩm của các nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Đêm 14 tháng 1 năm 2015 – Hội chúng tôi đã tổ chức thành công đêm Tình yêu Hà Nội lần thứ 8 tại Nhà hát Lớn để giới thiệu ba nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trương Ngọc Ninh, Phó Đức Phương. Chỉ mới gần đây thôi, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội – nhạc sĩ Văn Dung đã giao cho tôi tới gặp nhạc sĩ An Thuyên để đề nghị đưa anh vào danh sách 3 nhạc sĩ của Hội Âm nhạc Hà Nội trong chương trình Tình yêu Hà Nội lần thứ 9 tổ chức vào năm 2016. Tôi gặp anh ở Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nhân Việt Nam trên đường Trích Sài – nơi anh đang làm Chủ tịch, còn tôi là Ủy viên BCH. Anh nói:
- Cảm ơn các anh đã có nhã ý này, nhưng để dành cho các nhạc sĩ khác vì cuối năm nay tôi sẽ cho ra mắt vở nhạc kịch KIỀU, bận lắm, đang tranh thủ viết phần cuối, mà chắc Hội Âm nhạc Hà Nội cũng phải giúp đỡ trong việc tổ chức.
Tôi rất mê các tác phẩm nhạc kịch của anh như: “Trương Chi”, “Đôi đũa Kim Giao”, “Biển tình cay đắng”, “Đất nước đứng lên”. Đang hy vọng cuối năm được xem vở nhạc kịch Kiều, nhưng giờ đây thì…
Hơn tháng trước, đến gặp anh để đưa tập bản thảo âm nhạc “Vị tướng của lòng dân” – do tôi biên tập (gồm các ca khúc và hợp xướng viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của giới âm nhạc cả nước). Tôi đề nghị Hội đồng thẩm định có anh và các nhạc sĩ khác: Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Hoàng Lân. Anh xem tập bản thảo và vui vẻ nhận lời rồi cười ha hả nói đùa với tôi:
- Anh Cường ơi! Mình vần T nên bao giờ cũng bị xếp xuống cuối sách.
Tôi trả lời ngay:
- Không đâu, bài “Tiếng đàn” của anh tôi đánh giá là một trong những bài hay nhất của tổng tập này.
Anh cười đôn hậu và mở điện thoại cho tôi xem những tin nhắn của bè bạn khen ngợi ca khúc “Tiếng đàn” của anh khi lần đầu phát sóng.
*
Vĩnh biệt anh – Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên – người có công đầu trong việc đưa Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Quân đội trở thành Trường Đại học. Thế là từ nay, trên căn gác nhỏ tầng 3 ở phố Vạn Bảo mãi mãi không còn tiếng gọi âu yếm ÔNG ƠI của cháu nội “Bi”, cháu ngoại “Bống” và “Sushi” mỗi lần đến thăm anh. Bà Ngô Huyền Lâm cùng các con: ca sĩ Bông Mai và nhạc sĩ An Hiếu không được cùng anh ăn cơm chung vào mỗi chiều chủ nhật mà căn phòng nhỏ đầy ắp tiếng cười…
Chúng tôi - những nhạc sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc của cả nước và những người yêu nhạc của anh, gia đình, bè bạn còn lắng đọng mãi trong tâm hồn, hình ảnh của Thiếu tướng nhạc sĩ An Thuyên – một người nhạc sĩ đầy tài năng và trung hậu. Tác phẩm âm nhạc của ông sẽ là những bông hoa bất tử để lại cho đời…
An Thuyên - Người neo giữ hồn quê
1. Ngay từ ca khúc trình làng “Em chọn lối này”, An Thuyên đã đặt dấu ấn riêng cho mình với cách khai thác dân ca tươi tắn và duyên dáng. Những năm tháng làm công việc sưu tầm dân ca ở Ty Văn hóa Nghệ An đã giúp anh rất vững vàng trong cách xử lý âm nhạc, ca từ. Rồi lần lượt “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Chín bậc tình yêu”, “Khi xe tăng qua miền Quan họ”, “Hành quân lên Tây Bắc”… An Thuyên khẳng định một gương mặt âm nhạc có nhiều tìm tòi, anh thử sức với nhiều dòng nhạc dân ca, từ dân gian miền núi, miền xuôi, ca Huế… mỗi ca khúc ra đời đều được viết trên chất liệu dân gian với cách xử lý riêng không thể lẫn. Những ca khúc sau này, anh viết chắc tay và nhanh chóng được yêu thích. “Ca dao em và tôi”, “Huế thương”, “Neo đậu bến quê” là những ca khúc được nhiều người nhắc đến, nhưng “Em chọn lối này” và “Chín bậc tình yêu” lại là tác phẩm được đồng nghiệp đánh giá cao hơn về bút pháp. Âm nhạc An Thuyên là thứ âm nhạc rút ra từ Trái tim nên mỗi ca khúc đều thấm đẫm tình yêu, mộc mạc, chân thực như chính con người anh. Và đó có lẽ là điều làm nên sức hấp dẫn với công chúng của tác phẩm. 2. Nhớ ngày An Thuyên về Trường Nghệ thuật Quân đội làm Hiệu trưởng với tài sản là dãy nhà cấp 4 xập xệ, lối vào khấp khểnh. Từ một ngôi trường trung cấp tưởng chừng như sắp giải tán, vậy mà chỉ mấy năm sau, anh đã xoay xở làm nên một ngôi trường khang trang, nâng cấp thành cao đẳng rồi đại học. Anh lặn lội đi từng cuộc thi hát, tìm những giọng hát trẻ có triển vọng đặc cách tuyển vào trường. Với tư duy của một nhạc sĩ, anh biết rằng Âm nhạc Việt Nam cần những nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, thuyết phục khán giả ở cả giọng hát lẫn phong cách biểu diễn. Và Trường Nghệ thuật Quân đội là nơi xuất phát của nhiều nghệ sĩ nhạc nhẹ nổi tiếng hiện nay. 3. An Thuyên ngoài đời là một người đàn ông chân chất từ ngoại hình cho đến tính cách. Với bạn bè, anh là người bạn chân tình hiếm có. Với học trò, anh là người thầy nhân hậu, tận tâm. Trên báo mấy ngày nay, những chia sẻ của học trò về ân tình của anh với họ hiếm người thầy nào có được. Năm 2005, khi chúng tôi làm đêm nhạc “Lênh Đênh Biển”, An Thuyên cho mượn hội trường làm phòng tập dàn nhạc cả tháng trời. Không trực tiếp ra sân khấu như Bảo Chấn, Bảo Phúc, Nguyễn Quang Dũng, Đỗ Bảo, Trần Mạnh Tuấn, nhưng An Thuyên và Đức Trịnh, Xuân Thủy là những người bạn đóng góp không nhỏ cho thành công của chúng tôi. Chúng tôi gọi đêm nhạc đó là đêm nhạc tình nghĩa – tình nghĩa của những người đồng nghiệp hết lòng sẻ chia. Khi được VTV mời làm chương trình “Con đường Âm nhạc”, ngay sau đêm phát sóng trực tiếp, sáng hôm sau An Thuyên đã thu được chương trình gửi tặng chúng tôi. Sự “vi phạm bản quyền” đáng yêu này chắc anh Trịnh Lê Văn và chị Huyền Thanh cũng sẽ vui vẻ... cho qua. An Thuyên viết nhạc không dễ dãi và anh hiểu lao động nghệ thuật là hết sức nhọc nhằn. Điều đó giải thích cho việc anh yêu quý học trò, trân trọng từng tác phẩm của đồng nghiệp. Cơn đau tim đột ngột đã cướp đi người nghệ sĩ đa tài tưởng như lúc nào cũng tràn đầy sinh lực. Mất mát lớn với gia đình, học trò và đồng nghiệp. Nhưng với cuộc đời nghệ sĩ, đã sống và làm việc hết mình, đã có những tác phẩm để đời và ra đi đã để lại những thương tiếc chân thành như anh cũng là điều hạnh phúc. Vĩnh biệt anh. Nhạc sĩ Hồng Đăng – Lê Anh Thúy |