Thú chơi thơ

07:50 18/02/2006

Chơi thơ rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam từ xưa đến nay. “Chơi thơ (trong sáng tác) là trò chơi trí tuệ và là thú vui tao nhã lúc trà dư tửu hậu. Muốn chơi thơ người chơi phải rành luật thơ, lại phải thâm thúy, nhạy cảm mới ứng đối được.

Chơi thơ là chơi chữ với lối hồi văn liên hoàn, họa vần, họa chữ, nói lái, độc vận, điệp từ, hay chơi cấu trúc thơ. Sách “Chơi chữ Hán Nôm” (NXB Thuận Hóa, 2002) của Hải Trung giới thiệu hàng chục cách chơi cấu trúc thơ của Trung Quốc, Việt Nam xưa như dạng “thuận nghịch độc”, hay “Thuận Hán, nghịch Nôm”, cấu trúc vòng tròn, xoắn ốc, hình Hà Đồ, thơ hình núi, v.v...

Ví dụ bài thơ “Vũ Trung Sơn Thủy” của vua Thiệu Trị chỉ 56 chữ Hán, mà có thể đọc đến 64 bài thất ngôn bát cú, 64 bài thất ngôn tứ tuyệt.  Nhưng chơi thơ như vua Thiệu Trị là cực khó, đa số các cụ đồ hay chữ thường chơi thơ thuận nghịch độc.

Hàn Mặc Tử từ nhỏ đã có bài thơ  “Cửa sổ đêm khuya”, có thể đọc ngược xuôi theo 6 cách: Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương/ Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương/ Tha thiết liễu in hồ gợn sóng/ Hững hờ mai thoảng gió đưa hương/ Xa người nhớ cảnh tình lai láng/ Vắng bạn thơ ngâm rượu bẽ bàng/ Qua lại yến ngàn dâu ủ lá/ Hòa đàn sẵn có dế bên tường”. Đọc ngược:” Tường bên dế có sẵn đàn hòa/ Lá ủ dâu ngàn yến lại qua... Bỏ hai chữ đầu mỗi câu sẽ có bài thơ ngũ ngôn, rồi lại đọc xuôi, đọc ngược (Nguyệt rọi cửa lòng gương/ Buồn thêm nỗi vấn vương...). Rồi bỏ hai chữ cuối mỗi câu lại có bài thơ mới, đọc xuôi đọc ngược...

Bài thơ “Trách bạn phụ tình” của Thảo Am lại chơi chữ theo lối nói lái: 

Mau sai lời nguyện ước mai sau
Niết bỏ nhau thà nỏ biết nhau
Nắng đổi mưa thay nhiều nỗi đắng
Chán chưa tình lệ chứa chan sầu   

(Nói lái miền Trung: Mau sai - mai sau, Nắng đổi - nỗi đắng, chán chưa - chứa chan...). Chơi nói lái rất điệu nghệ, nhưng thơ vẫn tỏ được cái xót xa, tâm cảm. Cụ Nguyễn Khoa Vy còn có bài thơ “Si tình mà trách mình” độc vận, điệp phụ âm Đ chữ đầu rất độc đáo: Độc địa đừng đưa đỗi đớn đau/ Đây đà đoán đặng đủ đuôi đầu/ Đa đoan đã đắng đời điên đảo/ Đeo đuổi đành đi đến đến đâu”.

Bé Bê Lim, tức Hoàng Dạ Thi, con gái út của hai thi sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ, làm thơ từ lúc chưa biết chữ. Sau mấy chùm thơ của em được in trên báo, các nhà báo, nhà thơ liên tục đến nhà hỏi chuyện để viết bài khen. Em sợ quá, làu bàu với mẹ: “Con làm thơ để chơi, có chi mà cứ phỏng vấn, phỏng vấn!”. Đúng là có thứ thơ để chơi thật. Các nhà thơ Việt Nam sau này đa số nghiêm túc, là “nhà thơ nhà nước”, làm thơ để giáo dục, nên ít chơi thơ. Nhưng cũng có không ít người chơi thơ rất thâm hậu. 

Có lần nhà văn Trần Dần kể với tôi về người bạn thơ ở Hà Nội,  ông gọi là “thi sĩ Chúc Bờ sông” vì ông ấy ở bên bờ Sông Hồng. Thi sĩ Chúc có nhiều bài thơ cực ngắn, viết xong rồi cất vào hòm, bạn bè tới vui chén rượu thì lấy ra “ngắm”. Ví dụ có bài có cái nhan đề là “Vợ chồng”. Còn cả bài thơ chỉ có một chữ: Xong! Trần Dần bình: Vợ chồng - Cái mớ bòng bong ấy gọi là xong! Nhưng Phùng Quán lại chê là lời bình quá dài dòng! Đó là một cách chơi thơ rất tài tử.

Thơ Bút Tre (của tác thật và tác giả) cũng là một thứ thơ chơi  thâm hậu. Với  cách ngắt vần lục bát trái khoáy, nhà thơ đã biến mọi thứ nghiêm túc thành trò cười: “Con ruồi là giống hiểm nguy/ Một chân của nó rất vi trùng nhiều”...

Đa số thơ chơi là thơ xướng họa. Nhà thơ Lý Hoài Xuân kể, hồi chung tỉnh Bình Trị Thiên, một hôm trong một cuộc họp có cả vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ cùng dự. Nhà thơ Văn Lợi liền  ứng tác viết vào mảnh giấy bài thơ bốn câu, rồi chuyền cho Mỹ Dạ: “Lâm vào cảnh sắc ngàn xưa/ Thị vàng rơi xuống ngẩn ngơ lòng người/ Mỹ nhân sắc nước hương trời/ Dạ nào chẳng muốn trao lời tri âm”. Bốn câu thơ những chữ đầu mỗi câu kết thành tên Lâm Thị Mỹ Dạ. Mỹ Dạ chưa kịp đọc xong, Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi cạnh, liếc đọc rồi làm ngay bài thơ họa chuyển cho Văn Lợi, cũng bốn chữ đầu thành tên Lâm Thị Mỹ Dạ: “Lâm ly kẻ mặt chau mày/ Thị thành son phấn làm bay hương đồng/ Mỹ miều má thắm môi hồng/ Dạ còn trong sáng như dòng sông quê”. Văn Lợi liền ứng tác tiếp bài thơ khác. Lần này  bốn chữ đầu  bốn câu thành tên Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Hoàng hôn về lối xóm/ Phủ bóng người gái quê/ Ngọc ngà nơi thôn dã/ Tường tận càng đam mê”. Hoàng Phủ đọc xong, nhẹ nhàng đưa cho Lâm Thị Mỹ Dạ.  Mỹ Dạ đỏ mặt, rồi ứng tác ngay bài họa:

Hoàng cung xưa vẫn còn đây
Phủ rêu năm tháng xanh dày thời gian
Ngọc kia lũ đã cuốn tràn
Tường giăng kín mít bóng hoàng hôn buông.

Cũng có lối “chơi thơ chơi chữ” không phải để trêu đùa mà để gửi gắm, tỏ tình. Nguyễn Bính có bài thơ “Không hẹn ngày về”. Người ta bảo rằng, bài thơ này viết tặng một người có tên là Anh Thơ. Không biết có đúng không, nhưng trong bài thơ 14 câu, nếu ghép chữ đầu của mỗi câu lại ta sẽ đọc được một bức thư tình rất ngắn: “Anh chỉ muốn hôn môi Anh Thơ. Đàn ông ai chẳng có tính ấy”: “Anh đi không hẹn ngày về/ Chỉ  đào ai buộc, tóc thề ai chôn/ Muốn  gì, em muốn gì hơn/ Hôn hoàng nay lại hoàng hôn mai ngày/ Môi  khô vóc liễu thêm gầy/ Anh xa, ai kẻ đôi mày cho ai/ Thơ không làm trọn một bài/ Đàn  không gẩy trọn một vài khúc ngâm/ Ông tơ lầm lẫn nên nhầm/ Ai cho sum họp, ai làm chia phôi/ Chẳng thà đứng hết duyên đôi/ Có yêu nhau lắm để rồi xa nhau/ Tính  năm tính tháng thêm rầu/ Ấëy  hai con én ngang lầu bay bay. Tỏ tình như thế thật táo bạo. May là bài thơ tình, nếu không thì gay lắm! Theo “Giai thoại Việt Nam” của Vũ Ngọc Khánh thì “Cô gái được tặng thơ hiểu ra và bất giác ôm hôn lại. Dấu son in trên má Nguyễn Bính. Nguyễn Bính mấy ngày không rửa mặt, từ Bắc Giang về Hà Nội, để giữ dấu son trên má “

Vừa rồi, mở  e-mail, tôi nhận được một bài thơ rất lạ nửa tiếng Việt pha nửa tiếng Pháp. Tôi và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đang ngồi uống rượu tết, ai cũng mù tiếng Pháp, bèn  phôn cho người gửi e-mail là thầy Gạc, một người rất giỏi tử vi ở Huế đến giải nghĩa. Bài thơ kể tâm sự một thiếu phụ chợ Đông Ba xưa có chồng là quân đội Pháp. Khi quân Pháp thua về nước, hai người hai phương trời cách biệt. Bài thơ song thất lục bát dài tới 28 câu, có những câu rất tình cảm: De puis (từ khi) thiếp bén duyên chàng/ Plaisir (thỏa thuê) tính lại nồng nàn mấy khi/ Mission (nhiệm vụ) chàng đã fini (chấm dứt)/ Trách Le Ciel (ông trời) khéo bày chi lo lắng... / Bonheur (hạnh phúc ) ai nỡ bẽ bàng thế ni/ Lạnh lùng với chiếc chemise (áo sơ mi)/ L’autome (mùa thu ) trằn trọc au lit (giường khuya ) một mình... Tôi thấy cách chơi thơ theo kiểu “giao lưu Việt- pháp”  như thế là ngộ lắm!

Thời hiện đại, nhiều nhà thơ cũng dùng lối “chơi chữ” để gửi gắm tên tuổi mình, tên tuổi  “đối tác” trong các câu thơ. Bí ẩn này ít có người biết, nhưng “người trong cuộc” thì bồi hồi lắm. Ví dụ: Lá cọ vô tình quệt vào tay tôi (thơ Hoàng Vũ Thuật, chữ tình là chữ gửi); hay “Mười sáu bậc âm thanh kỳ diệu/ Đưa ta bay lên đến tận cung Hằng” (chữ Hằng là tên vợ nhà thơ đã chia tay); hay câu thơ “Phượng ơi em đến như không... ” hay “Mây ùn lên nỗi niềm/ Vương từ câu lý ấy...”  của Hải Kỳ (chữ Phượng, chữ Lý là những chữ gửi), v.v... Lối chơi thơ này không khó và chưa tài tử lắm, nhưng cũng giúp ta  nhận ra được sự  tài hoa và “trích ngang tình yêu ” của mỗi nhà thơ.      

Chơi thơ là sinh hoạt lý thú của làng thơ, làm cho người nghe sảng khoái và yêu thêm sự bí ẩn và kỳ diệu của thơ

Ngô Minh

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文