“Tôi hướng đến con người, chứ không phải khái niệm”

09:26 29/03/2010
Hàng trăm vở diễn của NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng suốt mấy mươi năm, đã đọng lại một bộ sưu tập nhân vật người chiến sỹ Công an đủ sức ám ảnh lâu dài. Khoáng đạt "khoe" ra và rất "máu lửa" khi bộc bạch, NSND Doãn Hoàng Giang hào hứng: Với tôi, Công an luôn là những số phận chân thực, sống động, chứ không phải một khái niệm đơn thuần.

Tả xung hữu đột trên sân khấu gần nửa thế kỷ qua, ông định vị tên tuổi mình như một đạo diễn cá tính, ngang tàng, tràn đầy sinh lực. Lôi cuốn và ma mị, dẫu trên sàn tập hay ngoài đời thường, ở đâu Doãn Hoàng Giang cũng một phong cách nghệ thuật độc đáo, không trộn lẫn.

- PV: Bây giờ mà đề nghị NSND Doãn Hoàng Giang tổng kết hành trình nghệ thuật của mình thì e quá sớm. Nhưng những trải nghiệm tích lũy được chỉ với riêng đề tài: hình tượng Công an trên sân khấu, chắc không khó để ông có thể sẻ chia ngay lúc này?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Đúng vậy. Ngồi và nhắm mắt lại, ký ức đã rần rật hiển hiện phía trước. Mọi người hay nhầm, nghĩ rằng "Nhân danh công lý" là vở kịch đầu tiên tôi chọn một sỹ quan Cảnh sát làm nhân vật trung tâm. Trước đó rất lâu, trong các vở diễn dàn dựng cùng đoàn kịch Công an Hà Nội một thời, tôi đã tạo được ấn tượng với những anh Công an rất đời, rất người. "Hương gai", "Cô gái lái xe và chiếc bình cổ" chính là dấu ấn mà tận lúc này, tôi còn giữ được vẹn nguyên cảm xúc…

- PV: Ông luôn nhấn mạnh yếu tố dễ gần và giản gị, chân thực trong quá trình khắc họa nhân vật Công an. Điều này có thể dẫn giải, với nhiều người, hẳn đây là một đề tài khô và khó?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Không hề khô như số đông lầm tưởng. Và chỉ khó với những người nhận lãnh trách nhiệm duyệt vở nhưng lại đem tư duy máy móc, giáo điều áp vào nghệ thuật. Họ coi Công an là một công việc chứ không phải một con người. Trong tiềm thức của khán giả, trên sân khấu, anh cán bộ từng đồng nghĩa với "áo dài kín cổ, đi đứng đàng hoàng, chân nào tay nấy, ít cười ít cáu"… Tôi khác, tôi xây dựng nhân vật Công an như những con người cụ thể, chứ không nhắm đến một khái niệm.

Ở "Hương gai", nữ phạm nhân của tôi đã thầm yêu quản giáo. Cô ấy mắc tội, phải đi cải tạo, nhưng cô ấy cũng là một thiếu nữ nhạy cảm, biết thương biết ghét, biết cảm nhận sự tử tế của một người đàn ông nhân hậu, thấu hiểu lẽ đời. Khi đó, cấu tứ của vở kịch này đã gặp phải nhiều sự phản đối.

- PV: Và ông vượt qua những trở ngại xơ cứng, khuôn mẫu ấy như thế nào?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Không, tôi không phải làm gì cả. Các nhân vật của tôi đã tự bảo vệ mình. Sự hợp lý trong diễn tiến câu chuyện chinh phục người xem, và dĩ nhiên, cả những người khó tính, hay suy diễn cũng buộc phải đồng tình, chấp nhận. Nữ phạm nhân "Hương gai" trốn trại. Anh quản giáo bắt được cô ấy trong rừng. Đêm, trời mưa rét, đại ngàn âm u, tịch mịch, hai người chia nhau một tấm áo nhựa. Không kìm lòng được, cô ấy ôm choàng lấy anh quản giáo và tỏ tình: "Em yêu thầy, em không thể không yêu một người tốt như thầy". Sự bao dung, cái tình và bản lĩnh của anh quản giáo đã cảm hóa được nữ phạm nhân "cộm cán", gai góc, giúp cô ấy tìm lại phần tốt đẹp trong con người mình.

- PV: Điều đó hoàn toàn hợp lý, logic, vả lại, cũng dễ nhận được sự đồng cảm, khiến người xem xúc động. Thế nhưng, Công an vẫn phải đảm trách một nhiệm vụ đặc biệt, và trở thành biểu tượng để nhân dân tin cậy, trông đợi khi tranh đấu hay đối mặt với cái ác. Là đạo diễn, "ông chủ" của sàn diễn, ông làm cách nào thuyết phục người xem tin và yêu vào nhân vật? 

- NSND Doãn Hoàng Giang: Tôi chưa bao giờ mượn nhân vật minh họa cho tư tưởng vở diễn hay ý đồ của tác giả. Bản thân nhân vật của tôi luôn là một thực thể sống, từ sân khấu hoàn toàn có thể bước ra cuộc đời. Hơn 20 năm trước, công chúng đã nhiệt tình ủng hộ "Nhân danh công lý" (kịch bản Võ Khắc Nghiêm). Trung úy Cường, một trinh sát trẻ cùng đồng đội vượt bao áp lực, buộc Hoàng Tú - kẻ thủ ác có nhân thân đặc biệt, như ngôn ngữ bây giờ gọi là "thiếu gia", phải chịu tội trước vành móng ngựa. Trung úy Cường và Quận trưởng Tùng, được sự ủng hộ của Giám đốc Công an, quyết tâm giải quyết vụ án đến cùng, bất chấp sức ép từ các tầng cấp ở trên dội xuống.

- PV: Nếu chỉ như thế thôi thì vở kịch có thể tóm gọn trong một bài phóng sự điều tra và độc giả sẽ quên ngay ít lâu sau khi đọc?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Tôi đã nói rồi. Tôi không mô phỏng khái niệm. Tôi hướng đến những con người. Xây dựng Công an như những nhân vật gắn với súng lục bên hông, võ thuật đầy mình, mặt lạnh như tiền… là rất cũ và rất sáo. Trung úy Cường là một con người đích thực. Anh ấy còn trẻ, và vì thế, cũng dễ cáu giận, dễ phản ứng bột phát như bao người trẻ khác. Khi bị Hoàng Tú chọc giận bằng những lời lẽ giễu cợt, xúc phạm: "Thế nào, mình hiểu nhau quá rồi mà, cần bao nhiêu tiền thì cứ nói, rồi thả tôi ra", Cường đã "bạt tai" hắn ta. Lúc đó, nhiều vị ngồi duyệt vở thốt lên rất "công thức", hoảng hốt: "Không được, Công an không thể như thế được".

- PV: Nhưng cuối cùng "Nhân danh công lý" vẫn là một điểm son rực rỡ, và người thủ vai Trung úy Cường, nghệ sỹ Trần Thạch đã giành Huy chương vàng ngay hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Quyết liệt trong công việc, nhưng Trung úy Cường cũng là một thanh niên đa cảm, dễ mềm lòng. Anh ấy hiếu thảo với mẹ mình đã đành, cũng rất cảm thông, nghĩa tình với mẹ của đối tượng. Mẹ Hoàng Tú, vợ một ông Ủy viên Trung ương lồng lộn tìm mọi cách cứu con, đứa con ruột thịt duy nhất của bà ta. Thương bà mẹ ấy đến quắt ruột, nhưng Cường vẫn phải thực thi bổn phận của một sỹ quan Công an. Nghệ sỹ Trần Thạch đã thể hiện rất thành công vai diễn này. Và Trung úy Cường cũng mang lại thành công lớn cho Trần Thạch. Tiếc là, NSƯT Trần Thạch đã qua đời vì bạo bệnh cách đây mấy năm.

- PV: Kinh nghiệm gì của Doãn Hoàng Giang có thể truyền lại cho các đạo diễn đương thời khi tiếp tục khai thác hình tượng người chiến sỹ Công an trên sân khấu?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Một kịch bản tốt, tất nhiên, có bột mới gột nên hồ. Nhân vật mang số phận và tính cách rõ ràng. Tôi dựng "Vòng xoáy" (kịch bản của nhà văn Hữu Ước) cho đoàn kịch Công an Nhân dân và rất tâm đắc với vị tướng trong tác phẩm ấy. Một ông tướng xuất thân nông dân, bao năm xa quê, vẫn những cử chỉ và tâm tính của một người nông dân thuần phác. Bởi thế, ông ấy còn đau đớn và đắng lòng hơn gấp bội phần khi tận mắt chứng kiến đồng đội mình sa ngã. Tôi luôn thích những nhân vật đầy bản sắc và có chiều sâu nội tâm như thế. Hãy để nhân vật được sống cuộc sống của mình, không nên dính vào miệng nhân vật những câu khẩu hiệu choang choang, khiên cưỡng.

- PV: Có duyên với hình tượng chiến sỹ Công an trong quá khứ, vậy còn hiện tại, ông vẫn nặng lòng với đề tài này chứ?

- NSND Doãn Hoàng Giang: Tôi đang sửa soạn bắt tay thực hiện vở diễn "Người tự xé xác mình" cho Đoàn kịch Quảng Ninh. Kịch bản của một nhà văn Công an, cũng lại một cuộc chiến nội tâm, sự giằng xé khốc liệt của một người lính Công an giữa thường nhật. Anh ấy phải đấu tranh với chính bản thân, với những người gần gũi yêu thương nhất trong gia đình, gạt bỏ nhiều vướng bận, lấn cấn, để giữ trọn sự trong sáng với nghề, với công việc, với lý tưởng mà anh ấy đã chọn lựa, đeo đuổi.

- PV: Trân trọng cảm ơn NSND Doãn Hoàng Giang và mong sớm được đón xem tác phẩm mới của ông

Khánh Bằng (thực hiện)

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文