Tranh giả lãi thật, tranh thật lãi giả

09:18 05/02/2005

Một hoạ sĩ phát hiện tác phẩm của mình bị sao chép và bày bán ở một gallery. Ông hỏi chủ gallery: “Tranh này có bán được không?”. “Bán chạy lắm. Hiện giờ đang có rất nhiều khách đặt” - người chủ trả lời. Ông cười: “Tranh gốc của tôi chưa bán được mà tranh giả của các anh lại đắt khách thì thật mừng cho các anh. Dù sao tôi cũng vui vì tranh của tôi cũng có người thích!”. Từ chuyện ấy, có người nói vui rằng: tranh giả lãi thật, tranh thật lãi giả!

Với một số tiền không đáng là bao, thậm chí ít tới mức ngạc nhiên, bạn có thể mua được một bức tranh không chỉ của những họa sĩ nổi tiếng trong nước như Thành Chương, Lê Thiết Cương hay cả những danh họa đã làm rạng rỡ nền Mỹ thuật Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Đỗ Khắc Cung... mà còn cả của các danh họa lừng danh thế giới: Van Gogh, Picasso... Cả một "rừng" tranh cho bạn lựa chọn và muốn bao nhiêu,  kiểu gì cũng được. Tiền ấy, tranh ấy, thật hay giả mỗi người mua tự hiểu lấy...

Theo ông Vi Kiến Thành, Vụ phó Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh Bộ Văn hóa - Thông tin, toàn quốc có khoảng 300 gallery, cửa hàng bán tranh, ảnh, tượng nghệ thuật. Ai dám chắc rằng trong tất cả các cửa hàng ấy, nơi nào không có những tác phẩm nghệ thuật ăn theo?

Tất cả đều miệt mài... chép tranh.

Theo phân định của ngành Văn hóa thông tin thì những tranh “copy” theo đúng quy định do ngành đặt ra như phải to hoặc nhỏ hơn kích cỡ tranh gốc; phải được tác giả hay chủ sở hữu cho phép, trừ khi tác giả qua đời trên 50 năm; phải ghi rõ số lượng sao chép, tên tác giả ở phía sau và phải tuân thủ nhiều yêu cầu khác thì mới được công nhận là tranh chép. Còn những tranh không thực hiện theo những quy định nói trên thì gọi là tranh giả. Nguyên tắc ngặt nghèo đó được đặt ra để bảo vệ quyền tác giả, quyền chủ sở hữu, quyền được có những tác phẩm nghệ thuật yêu thích nhưng chỉ ở mức độ loại “sao chép”...

Xưởng "copy" di động và...

Ở Hà Nội hiện nay, nhất là khu vực phố cổ hoặc những nơi du khách nước ngoài thường xuyên đặt chân mỗi khi đến Việt Nam, có rất nhiều gallery hay các cửa hàng bán phiên bản tranh, tượng nghệ thuật. Chỉ cần một diện tích không lớn, chưa đầy 15m2 mặt phố, thế là đủ để trở thành một nơi trưng bày và bán tranh, vừa là xưởng vẽ di động của những ông chủ gallery, những người có thể chỉ là “ngoại đạo” không nhất thiết phải am hiểu hội họa sành sỏi, nhưng nhất định phải có đầu óc kinh doanh.

Ở đó, từ mờ sáng tới chiều tối, một nhóm người gồm cả nam lẫn nữ, cả trẻ lẫn già ngồi miệt mài vẽ. “Nguyên mẫu” của họ là những tấm bưu thiếp hay những ấn phẩm in phiên bản các tác phẩm hội họa nổi tiếng kim cổ đông tây. Vẽ càng chuẩn, ông chủ càng hài lòng, công xá càng cao. Đôi khi phiên bản còn “sáng sủa” hơn cả bản gốc!

Trình độ của người vẽ lại không phải ở chỗ thẩm mỹ, sáng tạo, nghệ thuật mà ở kỹ xảo, kỹ thuật sao chép, người sao chép tranh không bắt buộc phải là một họa sĩ mà trước hết là một thợ “bắt chước” giỏi. Như ông Vi Kiến Thành, Vụ phó Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh Bộ VH-TT và chủ một gallery trên đường Hàng Trống cho biết, để sao chép tranh tốt chưa chắc một họa sĩ tài năng đã bằng một anh thợ lành nghề. Vì họa sĩ, do bản năng sáng tạo thay vì “sao y bản chính” lại đưa vào đó những ý tưởng riêng, những sáng tạo riêng. Mà như vậy thì không còn là danh họa đã được thế giới công nhận nữa. Cũng theo ông Vi Kiến Thành, hiện những người thợ chép tranh ở Hà Nội phần nhiều đều xuất xứ từ Nam Định, nơi có hẳn mấy làng nghề chép tranh. Cũng là một kiểu nghề gia truyền với những bí quyết riêng được giữ gìn rất cẩn trọng.

Thù lao không phụ thuộc vào mức độ khó, dễ của tranh mà vào số ngày công để hoàn thành sản phẩm. Với mỗi “tác phẩm” như vậy, thợ được trả chừng 200 - 300 nghìn đồng, còn chủ bán nó với giá ít thì 500 nghìn, nhiều thì cả mấy triệu đồng, tùy theo chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ của khách mua.

Ông chủ của một xưởng tranh chép ở ngõ Bảo Khánh cho biết, giá của  tranh chép không phải là yếu tố cạnh tranh chính giữa các cửa hàng tranh mà nó phụ thuộc vào nguồn sao chép - sự phong phú, đa dạng của các bưu thiếp và các sách tranh nghệ thuật mà ông chủ sưu tầm được. Gallery nào càng có nhiều bưu thiếp (làm mẫu để vẽ) của các họa sĩ danh tiếng thì nó càng phong phú về sản phẩm. Càng phong phú về sản phẩm thì càng đông khách. Nhưng để có được một bưu thiếp đó, khó khăn không phải là ở giá tiền từ một trăm đến vài trăm nghìn đồng mà là ở chỗ mua poster ở đâu. Nguồn sao chép không chỉ là bí mật nhà nghề mà còn là bảo vật gia truyền của mỗi gallery. Vẽ xong một phiên bản là chủ nhân của poster ấy giấu biến ngay.

Khóc hay cười?

Trước một thị trường tranh chép nhộn nhịp như vậy, nếu thực hiện đúng nguyên tắc của ngành văn hóa đặt ra thì quyền lợi của người sáng tác không bị ảnh hưởng. Nhưng hiếm một cửa hàng nào thực hiện đúng theo quy định đó. Tất cả những gallery ở Hàng Trống, Hàng Hành, Nguyễn Thái Học... nơi chúng tôi đến tìm hiểu thì thấy tất cả những tranh chép của họ không ghi đầy đủ các thông tin như một bản tranh chép phải thực hiện. Vì vậy đã có nhiều chuyện dở khóc, dở cười xảy ra.

Chẳng hiểu họa sĩ Thành Chương thế nào chứ tôi xót xa thay cho những tác phẩm và tên tuổi của anh lắm. Bởi ở những gallery nằm ở khu phố chép tranh chuyên nghiệp như đã kể, những tác phẩm sao chép từ các bức họa được hình thành và ra đời trong “gan ruột” của anh bị người ta làm giả tới mức cẩu thả. Như bức Chào năm trâu của anh, người ta vừa nói chuyện vừa chấm, quét màu... không theo một quy tắc nào, cứ tiện chỗ nào làm chỗ nấy. Đã vậy, làm xong, họ còn ngang nhiên ký tên anh vào một góc tranh cứ như bức đó là do chính anh tạo nên thật. --PageBreak--

Không chỉ có họa sĩ Thành Chương mà còn nhiều tên tuổi khác được biết đến trong giới hội họa như Hà Trí Hiếu, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Lê Thanh Sơn... cũng bị như vậy. Theo ông Nguyễn Đỗ Bảo, Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, những chuyện như vừa kể giờ không còn là lạ, thậm chí còn “xưa” lắm rồi... Ông Bảo còn dẫn ra nhiều ví dụ khác để chứng minh.

Nguyễn Tư Nghiêm là một danh họa nổi tiếng ở nước ta. Tranh của ông, những “đứa con tinh thần” của ông cũng bị sao chép, làm giả công khai ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Chuyện thế này. Hôm đó, sau khi nghe một người quen kể người ta bày tranh của ông trang trọng trong một chiếc tủ kính ở phố Tràng Tiền để bán. Ông vội vàng ra chỗ bán tranh này để xem thực hư thế nào bởi thực tế, hoàn toàn ông không có bức tranh nào bày bán. Ra đến nơi, thấy đúng vậy. Khi ông hỏi về xuất xứ bức tranh thì được cô bán hàng giới thiệu không ngớt: “Đây là tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Tư Nghiêm. Tranh gốc “xịn”. Có cả chữ ký của danh họa đây này...”.

Để cho cô bán hàng nói xong, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vừa cười vừa rút trong túi ra chứng minh thư cho cô xem. Xong xuôi, ông đề nghị cô mở tủ kính, lấy bức tranh để ông có thể nhìn kỹ hơn “đứa con tinh thần giả” của mình thì cô bán hàng nói không có chìa khóa mở tủ. Cô hẹn ông hôm sau đến sẽ mở tủ lấy tranh cho ông xem. Đến ngày hôm sau, khi ông đến nơi thì ôi thôi bức tranh của ông, bức tranh người ta hẹn cho ông xem, đã không còn ở đó mà thay vào là một bức tranh hoàn toàn khác.

Cũng như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân... cũng bị người ta làm giả tranh. Và trớ trêu, không phải ai xa lạ mà có khi chính là người thân của các ông. Theo ông Nguyễn Đỗ Bảo, tác phẩm Từ Hải của cha ông, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật không phải là bản gốc. Nhưng những thông tin về phiên bản đó không được thực hiện theo quy định của ngành văn hóa đặt ra.

Bức Gội đầu của cụ Trần Văn Cẩn cũng vậy. Ông Nguyễn Đỗ Bảo còn kể: Tranh của một trong tứ danh “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” cũng bị chính một người con trai sao chép rồi mang bán như một bản gốc. Hay như 22 trong tổng số 27 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật thường xuyên bị sao chép để bán như nguyên bản.

Tác phẩm của các danh họa bị sao chép đã đành. Một số họa sĩ khác, chưa đủ danh tiếng, đã tự “copy” chính tranh của mình để kiếm tiền và “nhân thể” kiếm danh. Một họa sĩ chuyên vẽ về động vật, tranh khuyển của ông bán rất chạy. Trong một lần triển lãm, một bức tranh của ông được nhiều khách hỏi mua. Sau khi bán đứt cho một người, ông nảy ra sáng kiến “sao y bản chính” tranh của chính mình để bán cho nhiều người kiếm lời. Và cứ hôm nay có người “rước” một bức đi thì hôm sau lại có một bức hệt như thế thay vào.

"Lực bất tòng tâm"

Không thể phủ nhận một thực trạng là, lực lượng thanh tra của ngành văn hóa quá mỏng nhưng lại phải thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ thuộc rất nhiều lĩnh vực trong ngành. Vì vậy, họ không thể bao quát hết “sân”. Đã vậy, các tác giả thay vì phải báo cáo chính thức lên các cấp quản lý về hiện tượng chép tranh sai quy định thì ngược lại chỉ nói đâu để đấy, phàn nàn một mình.

Trước hoàn cảnh như vậy, như nhiều ý kiến của những người trong giới, ngành văn hóa trước mắt nên thắt chặt hơn nữa công việc thanh tra trên thị trường sao chép tranh, đồng thời nên chăng đưa ra nhiều giải pháp cũng như tăng mức phạt tiền đối với những người thực hiện sai quy định để có thể bảo vệ nền hội họa Việt Nam cũng như quyền tác giả nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Công ước Bern.

Theo ông Vi Kiến Thành, những đối tượng làm tranh giả hầu như chỉ bị xử phạt hành chính và mức phạt cao nhất chỉ khoảng 30 triệu đồng sẽ không đủ sức “nặng” để răn đe họ. Vì mỗi bức tranh giả bán ra, họ đã lời được mấy trăm nghìn, thậm chí mấy triệu đồng. Mà mỗi ngày họ xuất xưởng bao nhiêu “tác phẩm” như vậy? Và hậu quả của những chuyện chép tranh như vậy, đương nhiên, đầu tiên do chính tác giả và nền mỹ thuật Việt Nam gánh chịu

Tú Anh

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文