Chuyện chưa biết về PGS trẻ nhất Việt Nam
Sinh ra trong một gia đình có bố là kĩ sư thuỷ lợi, mẹ là giáo viên, con đường đưa Phạm Hoàng Hiệp đến với toán học cũng thật tình cờ.
Anh kể lại: “Mãi đến năm lớp 9, sau khi tình cờ đọc một cuốn sách về số học mà bố tôi đã mua cho trước đó từ rất lâu, tôi lần đầu phát hiện ra vẻ đẹp của toán học và có niềm đam mê mới về toán. Tôi say sưa tìm lời giải các đề toán trong Tạp chí "Toán học và tuổi trẻ". Hồi đó, tôi dành vài ngày để giải một bài toán, có đôi lần lời giải của tôi được tạp chí chọn đăng. Chính trong thời gian đó, tôi đã rèn cho mình cách tự học, tự đọc sách và suy nghĩ giải quyết vấn đề”.
PGS Phạm Hoàng Hiệp cùng các GS toán học hàng đầu thế giới. |
Sau đó, anh vào học lớp chất lượng cao tại Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với suy nghĩ “nếu sau này không làm nghiên cứu về toán thì cũng sẽ làm giáo viên dạy cấp 3”. Những năm tháng theo học ở đây là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời nghiên cứu của Phạm Hoàng Hiệp khi dành phần lớn thời gian để đọc và nghiên cứu các tài liệu về toán học, tạo cho mình một nền tảng kiến thức toán học vững chắc. Trong thời gian này, anh được Giáo sư Nguyễn Văn Khuê động viên, giúp đỡ làm nghiên cứu và ở lại trường làm giảng viên.
Phạm Hoàng Hiệp bảo rằng mình may mắn khi được học tập và làm việc với những Giáo sư (GS) hàng đầu như GS. Nguyễn Văn Khuê, GS Lê Tuấn Hoa, GS Ngô Việt Trung, GS. Urban Cegrell (ĐH Umea, Thuỵ Điển), GS. Jean-Pierre Demailly (ĐH Grenoble, Pháp). Chính GS Urban Cegrell là người đã hướng dẫn anh bảo vệ luận án Tiến sĩ vào tháng 3-2008. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, anh sang Toulouse (Pháp) làm việc. Kế đó, nhờ sự giúp đỡ của GS Jean-Pierre Demailly, anh sang làm việc và nghiên cứu tại Viện Fourier, ĐH Grenoble (Pháp).
Giữa lúc cơ hội rộng mở với rất nhiều lời mời làm việc từ những trường đại học hàng đầu thế giới, Phạm Hoàng Hiệp quyết định trở về Việt Nam làm việc, vì: “Tôi là người Việt Nam, được cống hiến cho Tổ quốc mình, sống bên cạnh người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng phong tục tập quán quen thuộc là tuyệt vời nhất”.
Về nước, anh công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cái nôi đã giúp anh thành công. Sau đó, anh chuyển công tác về Viện Toán học để có nhiều thời gian và môi trường nghiên cứu toán học thuần tuý hơn. Tuy nhiên, anh vẫn kết hợp với việc giảng dạy ở nhiều trường đại học khác.
Nói về bí quyết của sự thành công, anh bảo, muốn thành công thì phải có đam mê, ham học hỏi, có tinh thần khám phá cái mới và luôn cố gắng để vượt qua chính mình. Trong bối cảnh hội nhập thế giới, muốn thành công còn phải biết trau dồi ngoại ngữ để có thể trao đổi khoa học với cộng đồng toán quốc tế. Anh vẫn thường có những chuyến đi nước ngoài ngắn hạn theo lời mời của các trường đại học. Đó cũng là những dịp được giao lưu, trao đổi kết quả nghiên cứu và học hỏi lẫn nhau trong thế giới hội nhập hiện nay.
Là người trẻ có thành công khá sớm, anh đưa ra lời khuyên: “Tuổi trẻ là lúc chúng ta có sức khỏe, lòng nhiệt huyết và sự tiếp thu kiến thức nhanh nhạy nhất. Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, do đó mỗi người phải biết tranh thủ thời gian này để học tập kiến thức, nâng cao trí tuệ của bản thân. Tùy theo khả năng của mình, mỗi người sẽ chọn lĩnh vực, ngành nghề phù hợp. Làm giỏi một nghề nghiệp nào có ích cho xã hội cũng sẽ mang lại vinh quang và hạnh phúc cho chính mình”.
Phạm Hoàng Hiệp chia sẻ thêm, hiện nay, cơ chế chính sách đối với các nhà khoa học đã có nhiều thay đổi, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thu hút nhân tài về nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học làm việc thì cơ chế chính sách phải có sự ưu đãi tốt hơn nữa. Về mục tiêu tương lai, anh muốn cùng các đồng nghiệp phát triển Viện Toán học, đồng thời đào tạo Tiến sĩ, nguồn nhân lực cho các trường đại học.
Năm 2011, khi mới 29 tuổi, Phạm Hoàng Hiệp trở thành PGS trẻ nhất Việt Nam. Đến nay, PGS Phạm Hoàng Hiệp đã công bố 34 bài báo khoa học trên các tạp chí Toán học quốc tế, trong đó có 30 bài trong danh mục ISI. Về các giải thưởng khoa học, PGS Phạm Hoàng Hiệp được tặng giải thưởng khoa học Viện Toán học năm 2013; giải thưởng KHCN Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2013; giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa trẻ năm 2015. |