Uớc mơ bên bờ sông Hồng
Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, biến Thăng Long từ một vùng đất bùn lầy, hoang vắng trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của cả nước.
Từ đó đến nay đã gần 1.000 năm, vùng đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều đổi thay. Những cây đa, ngôi nhà mái lá, mái ngói, bến đò, đường đất xe tay, cửa ô, những con thuyền bến nước… đã được thay bằng những khách sạn, công sở, nhà ở cao tầng với kiến trúc hiện đại, đường phố mở rộng, ôtô, xe máy tấp nập qua lại...
Tốc độ phát triển đô thị diễn ra một cách chóng mặt, bộ mặt Thủ đô thay đổi theo từng giờ, từng ngày.
Là vùng đất cổ, Thủ đô Hà Nội được sông Hồng và các phụ lưu bồi đắp tạo nên. Xưa kia người ta gọi sông Hồng là sông Cái - sông Mẹ. Tên gọi Hà Nội có nghĩa là vùng đất bên trong sông. Đoạn sông Hồng ôm lấy Hà Nội hàng chục km, chiếm 1/5 chiều dài của sông Hồng trên nước ta.
Hà Nội gắn bó với sông Hồng mật thiết nhưng thật buồn khi phải nhìn vào hai bên bờ sông. Ở đó chỉ có những ngôi nhà xây dựng chẳng theo một kiểu kiến trúc nào, cái thì cao, cái thì thấp, cái thò ra cái thụt vào, cái méo, cái mỏng...
Đường vào khu dân cư thì ngoằn nghèo, lắt léo, lúc to, lúc nhỏ. Ngẩng mặt lên trời, dây điện chằng chịt như ổ mạng nhện nên nhiều người nghĩ đây chỉ là xóm trọ tạm trú của người lao động ngoại tỉnh. Lẽ ra nơi đây phải là thành phố đôi bờ đầy thơ mộng, một thành phố du lịch đem về cho Hà Nội, đất nước nhiều tiền bạc, là nơi tạo nên hàng vạn việc làm...
Để phục vụ cho việc xây dựng của người dân, hàng giờ từng đoàn xe chở vật liệu xây dựng xi măng, sắt thép, gạch ngói đổ về hai bên bờ sông. Nhưng với những kiểu "mạnh ai nấy làm" thì chắc chắn sau này thế hệ con cháu sẽ không khỏi oán trách chúng ta.
Chúng ta đang đổ của xuống dòng sông và làm ô nhiễm môi trường mà không hề hay biết. Nói là đổ của xuống sông thì cũng không hẳn bởi vì cuộc đời của con người có quá ít quỹ thời gian mà cứ chờ đợi mãi không được thì cứ phải xây lấy nhà mà ở. Thật là lãng phí của cải xã hội quá. Rồi đến lúc con cháu chúng ta lại phải mất tiền "dọn dẹp" đi.
Tốc độ phát triển của Hà Nội diễn ra một cách chóng mặt nhưng Hà Nội lại đang thiếu những nơi vui chơi, những công trình hiện đại để ở đó chỉ cần nhìn vào là người ta có thể nhận ra ngay là Thủ đô văn hóa, văn minh.
Nhiều khách nước ngoài đã nhận xét: "Hà Nội chưa thật hấp dẫn". Đúng là Hà Nội chưa thật hấp dẫn bởi quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có một vài cảnh tham quan như đi chưa hết nửa ngày, khách chẳng còn gì để ngắm, để xem nữa. Chẳng thế mà những ngày lễ, ngày nghỉ, người dân lại đổ xô đi du lịch ở các tỉnh khác, hay ra nước ngoài mà chẳng ai "thèm" ở lại Thủ đô thư giãn.
Thủ đô nghèo nàn chỗ ăn, chơi, nghỉ ngơi quá. Thật đáng buồn. Và còn buồn hơn nữa khi có rất nhiều người vẫn cứ đang tự hài lòng với các món ăn dân dã, những câu ca tiếng hát, rồi mường tượng, huyễn hoặc ra một Thủ đô giàu đẹp, lãng mạn thì cho đến bao giờ... Hà Nội mới theo kịp được sự phát triển của thế giới.
Để thay đổi tình hình trên, đã đến lúc chúng ta không thể để sông Hồng như thế mãi được. Chúng ta phải tạo nên một dòng sông, một thành phố đôi bờ, một kỳ tích vào thập niên đầu của thế kỷ XXI. Một thành phố vừa hiện đại lại bảo tồn được những di tích xưa. Thành phố có cả xưa và nay.
Không chỉ vậy mà đôi bờ còn có thêm những di tích lịch sử cần được tôn tạo. Khi khách du lịch đến mang theo những nét văn hóa, bản sắc dân tộc từ nhiều châu lục trên thế giới sẽ góp phần tô đậm cho dòng sông thơ mộng hơn.
Xây dựng thành phố hai bên sông Hồng sẽ giúp Hà Nội phát huy được những tiềm năng của hai dải đất ven sông. Có điều, khi đi vào quy hoạch chi tiết, cần làm sao để có thể giải quyết thỏa đáng nhất những vấn đề dân sinh.
Đây mới chính là điều cần phải suy nghĩ hơn cả trong điều kiện xã hội hiện nay