VFF & những quyết định nhiều dấu hỏi trong năm 2020

05:43 21/05/2020
Là cơ quan vận hành bóng đá Việt Nam, những quyết định của LĐBĐ Việt Nam (VFF) có tác động rất lớn đến hoạt động từ cấp độ Đội tuyển Quốc gia (ĐTQG) cho đến câu lạc bộ (CLB), đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra những thiệt hại không nhỏ. Tuy nhiên, nhiều quyết định được thông qua từ cơ quan này lại khiến người ta không thể không đặt ra những dấu hỏi vì mâu thuẫn.



Tiếng nói của CLB giải hạng Nhất bị xem nhẹ

Giữa tuần trước, hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Việt Nam lần thứ 6, khóa VIII (nhiệm kỳ 2018 - 2022) được diễn ra. Một trong những nội dung rất quan trọng đó là đưa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trở lại như thế nào. Phương án tổ chức V.League và giải hạng Nhất quốc gia theo thể thức chưa từng có được đem ra bàn thảo.

Với việc chỉ tổ chức giai đoạn lượt đi trước khi tiến hành phân 2 nhóm tranh vô địch và trụ hạng, hai giải đấu kể trên có thể đảm bảo đúng “quota” là kết thúc trước ngày 31-10, thay vì bị đội thời gian hoặc phải đá liên tục với mật độ chóng mặt chẳng khác gì giải Ngoại hạng Anh nếu như giữ nguyên thể thức cũ.

VFF quyết định phương án tổ chức chưa từng có cho V.League và hạng Nhất.

Cái gọi là mốc 31-10 kể trên nhằm phục vụ cho 2 mục tiêu. Thứ nhất, đó là thời hạn mà nhiều CLB sẽ kết thúc hợp đồng với ngoại binh. Thứ hai, đó là thời gian cần thiết để các tuyển thủ quốc gia được CLB chủ quản nhả quân, qua đó phục vụ cho ĐTQG chuẩn bị cho AFF Cup 2020.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao và LĐBĐ Việt Nam nhấn mạnh khái niệm quốc gia như một kim chỉ nam về việc các CLB có trách nhiệm hỗ trợ tối đa có thể cho nguồn lực đội tuyển Việt Nam, nhằm đảm bảo mục tiêu giành thêm một chức vô địch AFF Cup nữa vào cuối năm 2020.

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như các CLB hạng Nhất cũng có quyền được nêu lên ý kiến của mình. Nhưng không, 14/15 ủy viên Ban chấp hành VFF có mặt trong hội nghị ấy là đại diện cho các CLB tham dự V.League. Không hề có một tiếng nói nào được hiện diện đến từ một CLB hạng Nhất cả.

Và cũng từ thể thức thay đổi theo diện chưa từng có nhằm đảm bảo “quota” 31-10 kể trên, một số ý kiến đưa ra việc không nên có xuống hạng cho đến chỉ 0,5 suất xuống hạng. Và chí ít, một đóng góp được xem là công tâm, có suy nghĩ cho CLB hạng Nhất đến từ phía đại diện của SLNA cũng chỉ tán đồng với phương án V.League năm nay chỉ nên có 1 suất xuống hạng, thay vì 1,5 suất như thông lệ trước đó.

V.League được giảm đi “cửa tử”. Nhưng các CLB hạng Nhất cũng bị hẹp đi “cửa sinh”. Nhiều đội bóng máu mặt ở hạng Nhất bắt đầu mở ra làn sóng phản đối với những mức độ khác nhau. Họ không thể chấp nhận việc quyền lợi vốn được hưởng lại được quyết định bởi người khác. Sự giận dữ của đại diện các CLB hạng Nhất lại càng tăng lên khi VFF và VPF bắt đầu “chuyền bóng trách nhiệm” cho nhau vì vấn đề này và kết lại bởi một yếu tố khách quan: COVID-19!

Nguy cơ mâu thuẫn giữa 2 làn sóng Nhật - Hàn

Đúng là COVID-19 khiến cho quyết định từ phía VFF không thể công bằng cho tất cả. Cũng giống như LĐBĐ Hà Lan quyết định giải đấu không có đội lên/xuống hạng mùa này khiến CLB hạng Nhất là Cambuur phẫn nộ đến mức thóa mạ rằng đây là nỗi ô nhục lịch sử thể thao Hà Lan. Thôi thì các CLB hạng Nhất của Việt Nam nhìn từ Hà Lan mà tạm an ủi rằng ít nhất VFF vẫn cho họ 1 cánh cửa để có thể thăng hạng.

Nhưng đó không phải là quyết định duy nhất khiến người ta đặt câu hỏi từ phía VFF. Trước và sau Hội nghị BCH đó, VFF cũng có một quyết định khác liên quan đến nhân sự, xoay quanh chiếc ghế Giám đốc kỹ thuật của bóng đá Việt Nam. Ông Jurgen Gede sau 4 năm làm việc đã không còn giữ cương vị này. Và nó đến từ cuộc gọi chóng vánh chỉ 10 giây mang tính thông báo từ một đại diện lãnh đạo VFF.

Một lãnh đạo khác của VFF biện hộ rằng, đôi bên đã có sự bàn bạc trước khi đi đến thông báo, chứ không hẳn chỉ tồn tại một cuộc gọi vỏn vẹn 10 giây thiếu tính trách nhiệm kể trên. Nhưng ở một diễn biến khác, ông Gede còn thừa nhận một thực tế rằng, dù không xung đột với ông Park Hang-seo nhưng bản thân vị chuyên gia người Đức này cũng không có cơ hội nào để “chen chân” vào ekip của ông Park kể từ sau VCK U23 châu Á đầu năm 2018.

Tạm gác lại câu chuyện ông Gede, mới đây, báo chí đồng loạt đưa tin rằng VFF xác nhận sẽ xúc tiến với chuyên gia Nhật Bản Yusuke Adachi. Không phủ nhận ông Adachi là một giảng viên AFC đẳng cấp cao và được nhiều HLV kỳ cựu Việt Nam thừa nhận. Nhưng việc xuất phát từ Nhật Bản hẳn nhiên khiến người ta không thể không lăn tăn về khoảng cách với ekip Hàn Quốc của ông Park Hang-seo.

Bản thân HLV Park từng đề cập đến tính kình địch trong bóng đá, rằng mối quan hệ giữa Việt Nam - Thái Lan chẳng khác nào cuộc chiến tranh vị trí số 1 châu Á giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cả. Và hẳn nhiên, câu chuyện ông Gede không thể “chen chân” vào đội ngũ của ông Park sẽ lại là một nguy cơ đối với ứng viên người Nhật Bản mà VFF nhắm đến.

Còn nhiều điều lăn tăn ở ông Adachi

Chuyên gia Adachi được nhiều HLV Việt Nam đánh giá là cần mẫn, trách nhiệm. Ông cũng được kỳ vọng sẽ kết nối các HLV tại những CLB của V.League và hạng Nhất. Đó là điều mà GĐKT Jurgen Gede chưa thể làm được trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng vấn đề về kinh nghiệm và thực địa bóng đá là điều mà ông Adachi chưa thể bì được với chuyên gia Gede. Tất cả những gì mà ông Adachi có xét trên khía cạnh đánh giá cầu thủ, phát triển tài năng trẻ đơn thuần mới chỉ là những năm tháng khiêm tốn làm việc với vai trò Giám đốc kỹ thuật LĐBĐ Hong Kong - một nền bóng đá có trình độ thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam hiện tại.

 Áp lực cho HLV Park Hang-seo

Bất chấp ảnh hưởng từ dịch COVID-19, HLV Park Hang-seo vẫn phải đảm bảo 2 mục tiêu. Đó là giúp đội tuyển Việt Nam giành vé dự vòng loại cuối cùng World Cup 2022 dành cho 12 đội châu Á mạnh nhất trước khi bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup vào cuối năm. Bên cạnh áp lực từ mục tiêu, ông Park có thể phải đối diện với áp lực vô hình từ phía bản thân các CLB, đặc biệt là những đội phải tranh suất trụ hạng cũng như đại diện đến từ hạng Nhất. Bởi cần nhấn mạnh rằng, các CLB đã phải hy sinh không ít quyền lợi và cơ hội thi đấu ở mùa giải năm nay nhằm hỗ trợ cho ĐTQG. Vậy nên nếu không thể giành được ngôi vô địch, ông Park sẽ phải đối diện với làn sóng phẫn nộ ghê gớm.

Song Hàn

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文