Về Đà Nẵng để nhớ "Tết xưa"
Và tham gia những lễ hội truyền thống cầu may đầu năm mới, để mỗi người gặp gỡ, gần gũi nhau, cùng cầu mong mưa thuận gió hòa, mong ước người thân gặp nhiều may mắn....
Với chủ đề "Tết xưa - Tết nay" trải dài từ ngày 5/2 đến 12/2 (tức 29 đến mùng 6 tháng Chạp Âm lịch) hứa hẹn sẽ là một mùa lễ hội tưng bừng tại hội hoa Xuân Mậu Tý, TP Đà Nẵng.
Tại đây, dưới ánh sáng lung linh của những chiếc lồng đèn truyền thống, những hàng quán, lều tranh, bàn ghế đều theo cấu trúc xây dựng xưa bằng tre, tranh, gỗ và lá thì không gian "Tết xưa cổ truyền" sẽ được tái hiện một cách rõ nét... ở "chợ Tết xưa", thực khách được ngồi trên chõng tre trong những dãy lều tranh, ngồi ghế đòn hay ngồi xổm trên chiếc chiếu tre ngay vỉa hè để các má, các chị, các o trên vai là đôi quang gánh diện trang phục xưa như áo bà ba, áo dài khăn đóng, đầu chít khăn mỏ quạ.
Bày bán những món ẩm thực truyền thống đặc trưng xứ Quảng với quán nước chè xanh nấu bằng nồi đất, uống nước bằng tô sành, hoặc đất nung cùng những gánh hàng rong lưu động với thúng, gánh mì Quảng, bánh chưng bánh tổ, bánh đúc, bánh nậm, ít lá gai, bột lọc...
Đầu xuân, những ông đồ nho ngồi "cho chữ" hay cùng những nghệ nhân tài hoa của xứ Quảng sẽ viết thư pháp, câu đối tết và bán những bức tranh dân gian Đông Hồ như đám cưới chuột, hái dừa ngày xuân...
Trong không gian cổ xưa đó, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm Chăm với chủ đề "Mùa xuân với vũ điệu Chăm Pha" cùng thưởng thức không gian văn hóa "trà đạo Việt". Và tham dự những ngày lễ hội với một vùng rực rỡ màu sắc, và rộn ràng những khúc hát cầu an, nhịp điệu bài chòi tha thiết.
Tái hiện chợ quê ngày Tết cổ truyền. |
Xen lẫn các hoạt động này là các loại hình văn nghệ văn hoá dân gian như múa rối nước với 18 trò cổ rối nước do đội rối nước nhà hát tuồng Nguyễn Hiểu Dỉnh biểu diễn sẽ tái hiện các tiểu phẩm: Giật cờ, chú tiểu, múa rồng, múa vui làm nông, chọi trâu, Lê Lợi đại thắng quân Minh... hay Hội trống mừng Xuân, chương trình ca múa nhạc dân tộc: hát bội, ca Huế, hát dân ca Quảng Nam...
Bên cạnh đó còn tái hiện hoạt cảnh về sinh hoạt vui chơi trong ngày Tết cổ truyền như biểu diễn cờ người, đánh cờ tướng, biểu diễn võ thuật, đập om đất, đi cầu khỉ, đánh đu, múa sạp, đi cà kheo cùng các hoạt cảnh ông già cõng vợ đi xem hội...
Có lẽ rộn ràng, náo nhiệt nhất là tái hiện lễ rước Trạng về làng... Mang rất nhiều nét đặc trưng tạo nên vẻ đẹp rất riêng có lẽ là mùa lễ hội đầu năm ở Đà Nẵng như: Tái hiện mô hình đình làng cổ, giữa sân đình dựng cây nêu theo phong tục cổ truyền và lễ cúng đình đầu năm mới cùng mâm ngũ quả, hoa, hương đèn, các câu đối xưa trên cột...
Những lễ hội của Đà Nẵng có từ rất xưa, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, như Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Quan Thế Âm, Lễ hội đình làng Hòa Mỹ, Lễ hội đình làng An Hải nhân dịp năm mới thật sự là những ngày hội của non sông và là ngày hội của lòng người...