Vua Hàm Nghi còn là họa sĩ tài hoa

09:09 07/03/2015
Nhắc đến vua Hàm Nghi (1871 – 1944), người ta nhớ đến chân dung một vị vua yêu nước, thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp. Ít ai biết rằng, trong những năm tháng bị chính quyền thực dân Pháp lưu đày tại Alger (thủ đô Algerie), ông còn là một họa sĩ, một nhà điêu khắc tài hoa với bút danh Tử Xuân.

Người dựng lại chân dung nghệ sĩ của vua Hàm Nghi là cô Amandine Dabat (1987) – nghiên cứu sinh tiến sĩ lịch sử mỹ thuật Việt Nam của trường ĐH Sorbonne – Paris IV. Đặc biệt, cô là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi tại Pháp. “Tháng 9 - 2009, tôi đang học về lịch sử dịch thuật và khảo cổ học.  Bà nội tặng tôi  bài thơ “Tử Xuân” của nữ sĩ Judith Gautier tặng vua Hàm Nghi. Tôi thấy hay quá, không ngờ trong gia đình chúng tôi lại có một di sản mà chưa ai tìm hiểu, nghiên cứu.

Tôi hỏi giáo sư hướng dẫn, rằng tôi  có thể nghiên cứu đề tài “Vua Hàm Nghi – một cuộc đời nghệ sĩ” cho luận án tiến sĩ của mình hay không? Giáo sư khuyên trước tiên tôi phải kiểm tra tư liệu. Nếu chỉ có mỗi bài thơ  mà nghiên cứu về một tác giả thì không thỏa đáng. Vậy là tôi bắt đầu lục tìm tư liệu và càng lúc càng ngạc nhiên với tổ tiên của mình”, cô tâm sự.

Nguồn tư liệu mà Amandine Dabat tìm được chủ yếu từ kho lưu trữ của gia đình. Theo Amandine Dabat, vua Hàm Nghi bắt đầu vẽ tranh từ năm 1889. Ông được một người sĩ quan Pháp giới thiệu và học vẽ với Marius Reynaud – một họa sĩ Pháp sống ở Algerie. Sau này, vua Hàm Nghi còn học thêm điêu khắc với điêu khắc gia vĩ đại nhất nước Pháp Auguste Rodin (1840 – 1917). Trong buổi tọa đàm tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Amandine Dabat đã giới thiệu đến công chúng 15 tác phẩm tiêu biểu của vua Hàm Nghi.

Bức “Cây ô liu già” vẽ năm 1905 của vua Hàm Nghi.

Ông thích vẽ tĩnh vật, chân dung và đặc biệt, vẽ phong cảnh Algerie và Pháp. Tranh của ông thường pha lẫn giữa phong cách phương Tây (trường phái ấn tượng) và tinh thần văn hóa Việt Nam. Bối cảnh ông thể hiện trong tranh thường là cây cổ thụ cô độc giữa cánh đồng, xa xa là cánh chim cuối trời gợi nhớ đến hình ảnh làng quê Việt Nam với cánh cò bay lả trên đồng. Màu sắc trong tranh thường trầm buồn, u uẩn và dáng người trong tranh luôn nhỏ bé trước thiên nhiên bao la, rộng lớn.

Với vua Hàm Nghi, nghệ thuật đã trở thành phương tiện để ông hoài nhớ quê hương, gửi gắm nỗi đau khổ, cô độc của người con mất nước, bị lưu đày. “Lúc đầu, tôi nghĩ rằng ông vẽ như một cách để tìm vui, để giải bày. Nhưng khi đã đam mê thì ông vẽ, điêu khắc cả ngày như một nghệ sĩ thực sự. Ông thường điêu khắc tượng phụ nữ bán thân hoặc toàn thân. Theo tôi, ông đã trở thành họa sĩ theo cách tự nhiên”, cô Amandine Dabat nhận xét.

Nổi bật nhất trong di sản tranh của ông chính là bức “Chiều tà”, sáng tác năm 1915. Nhờ sự kiện bán đấu giá bức tranh này tại  Paris ngày 24/11/2010, công chúng Việt Nam mới biết tới vua Hàm Nghi với tư cách là họa sĩ. Trước đó, tranh của ông chưa từng được công bố và giới thiệu với công chúng bởi sinh thời, vua Hàm Nghi xem nghệ thuật là lĩnh vực để ông bày tỏ tâm tình, chia sẻ với bạn bè, người thân. Các bức tranh của ông không bán mà được dành tặng những người thân hữu. 

Năm 1962, căn nhà ông sống ở Algerie bị cháy và  cướp. Do đó, mặc dù ông sáng tác rất nhiều tranh và tượng nhưng đến nay, chỉ còn giữ lại khoảng 100 bức tranh trong gia đình và bạn bè ông. Riêng tượng điêu khắc thì không còn bức nào.

Quỳnh Nga

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文