Yêu Hà Nội như Băng Sơn
Yêu Hà Nội như Băng Sơn?
Ai yêu Hà Nội bằng Băng Sơn? Đó là câu nói của một người bạn của nhà văn Băng Sơn - ông Thanh Hào, một nhà văn ở làng khế Bắc Biên bên sông Hồng, thuộc quận Long Biên ngày nay. Lúc ông Băng Sơn còn khỏe, thường Nguyên tiêu năm nào cũng vậy, mấy nhà văn toàn chỗ bạn bè anh em rủ nhau qua sông Hồng sang thăm nhà Thanh Hào. Nhóm ấy có các nhà thơ Trần Lê Văn, Vân Long, Nguyễn Quang Huy và tất nhiên có Băng Sơn...
Có lần, sau bữa rượu rằm tháng Giêng ở nhà Thanh Hào, mọi người quay ra bàn chuyện văn chương và rồi thế nào cũng xoay về chuyện văn vật Thăng Long - Hà Nội. Lại hỏi han nhau chuyện viết lách thơ phú, chuyện sở trường, sở đoản mỗi người. Lúc nói đến Băng Sơn, nhà văn Thanh Hào quả quyết bảo: "Tôi dám chắc rằng không ai yêu Hà Nội bằng ông Băng Sơn". Lúc này tôi thấy hình như Băng Sơn hơi đỏ mặt. Ông bảo: Có mấy nhà Hà Nội học, rồi thì còn bao nhiêu nhà văn khác nữa viết nhiều về Hà Nội. Họ và tôi, mỗi người đều yêu Hà Nội theo cách của mình đấy chứ!
Tôi lại nghĩ trời đất xui khiến thế nào có hai người yêu Hà Nội bậc nhất được gọi là "nhà Hà Nội học" lại ở gần nhau, cách có mỗi con phố Ngô Quyền. Thực ra nhà Băng Sơn lấy về phố Lê Văn Hưu, dù ngõ nhà ông đổ ra đoạn cuối phố Ngô Quyền, gần ngã tư Lê Văn Hưu, trong khi nhà ông Nguyễn Vinh Phúc thì ở giữa phố đoạn đối diện cơ quan Bộ Văn hóa. Lạ nữa là hai ông đều là người gốc gác tỉnh Đông tức Hải Dương bây giờ…
Khó có thể so sánh. Ông Nguyễn Vinh Phúc thì chuyên khảo cứu về văn hoá, về phong tục tập quán người Hà Nội. Còn Băng Sơn, ông chỉ là nhà văn chuyên viết về đời sống phố phường Hà Nội. Băng Sơn chọn một lối đi riêng, không tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài mà là tuỳ bút và tản văn. Lối riêng ấy bé nhỏ nhưng không mấy người chen chân vào. Có lẽ vì thế mà ông có thương hiệu riêng như món phở Hà Nội giữa bao nhiêu cao lương mỹ vị khác mà người Hà Nội vốn sành ăn sành chơi sẵn có mấy mươi đời...
Có một lần đã lâu tôi tình cờ đọc thơ Băng Sơn trong tập “Nắng bên sông” in chung với nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm, Lữ Giang. Rồi lại đọc Thơ hai người của ông in chung với Nguyễn Hà... Đấy là chuyện cũ. Từ những năm 90 thế kỷ trước không thấy Băng Sơn làm thơ mấy. Ông chuyển qua tản văn tuỳ bút như đi tìm một sân chơi riêng, một địa hạt văn chương ngỡ mỏng manh đấy, mà để thành danh, đâu có dễ dàng?
Ngày ấy đã mười mấy năm. Bây giờ nhóm ấy dần hao khuyết gầy mòn. Nhà thơ Trần Lê Văn đã mất mấy năm. Thanh Hào vẫn đi về vườn khế Bắc Biên bạn với điền viên dân dã. Băng Sơn như lão hơn, tóc trắng và bệnh tật đánh gục ông, một con người được xem là lang thang nhiều nhất Hà thành. Thuở ông đương khỏe, còn ngày ngày đạp xe, tôi vẫn thưòng gặp ông trên những nẻo đường Hà Nội. Ông đi hầu khắp phố phường ngắm từng gốc cây, dãy phố. Có lúc tôi bắt gặp ông đương ngẩn ngơ bên một ngôi chùa cổ bên hồ Thiền Quang…
Người Hà Nội kể cho nhau nghe giai thoại về ông rằng, ông đã đi đếm hết các cây xanh trên từng con phố. Không chỉ đếm, ông còn phân loại cây cổ thụ với cây nhỏ, phân loại cây giống gỗ tốt với cây tạm… Nào là phố Nguyễn Du chỉ có hơn trăm cây hoa sữa, còn thì là nhiều loại cây khác nữa. Hay như có phố toàn cây sao đen như "phố Cò" Lò Đúc, lại có phố toàn xà cừ, phố Trần Hưng Đạo nhiều nhất là cây sấu, phố Điện Biên đoạn cuối phần lớn cây trên phố là cây đa…
Bây giờ thì công ty công viên cây xanh bắt đầu đánh số cây. Họ, có lẽ có tư duy như ông, sợ mất mát cổ thụ nên đã đem sơn ghi số lên từng gốc cây. Họ đương làm thay ông đấy. Có con phố trên 300 gốc cổ thụ. Lại có phố chỉ mươi cây… Cây trên phố Hà Nội cũng thật phong phú về chủng loại, về tuổi cây. Rất nhiều cây có tạo hình đẹp như một… đại bonsai. Ấy là những cây đa, cây sanh cây si bên đường phố. Không có loại bon sai nào đẹp đến thế, khi cây đa mang dáng một cây thế vĩ đại lại kèm thêm hàng rễ tua rua như một loại rèm tự nhiên buông xuống gốc của thứ cây mà bản thân nó chứa đựng yếu tố tâm linh làm cho gốc cây ấy thêm huyền bí…
Ông mê cái phố Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa, cũng như mê hàng cây ngọc lan trên phố Phan Đình Phùng. Nghe nói mùa hè năm 2008 và rồi mùa thu năm 2009 lâm tặc tấn công những gốc sưa Hà Nội, ông ăn ngủ không yên.
Hà Nội trong ông là ký ức là thân thuộc đến nao lòng. Với ông mỗi góc phố hàng cây, mỗi một góc sống Hà Nội đều như là máu thịt đời ông. Rồi thì ông lọ mọ đến từng con phố quan sát vẻ sinh hoạt hàng ngày rồi đêm đêm chong đèn viết lại. Ông đi tìm những vẻ đẹp của Hà Nội nghìn năm mà mỗi ngày nó khuất lấp giữa xô bồ nhộn nhịp huyên náo nhịp đời. Một màn mưa trên phố, một món ăn, một đám tang ngày trước, một Hà Nội mù sương…
Mấy chục tập sách về đời sống phố phường phần nhiều tuỳ bút, tạp bút như một bảo tàng chữ về Hà Nội. Ấy vậy mà có khi người đọc ông nhiều hơn ta tưởng. Mỗi năm đều đều viết trên dưới ba trăm bài báo gửi in trong
Băng Sơn kể: Tôi vào nghề viết từ rất sớm. Tác phẩm đầu tay của tôi là những bài thơ. Thời gian sau do tham gia diễn kịch ở Hà Nội tôi chuyển sang viết kịch. Có hàng chục vở được công diễn có tiếng vang, có mấy vở nhận được Huy chương vàng… Thế rồi chất thơ chất kịch bỗng lặn vào tản văn tạp bút như một lẽ tự nhiên, tôi chuyển sang viết đoản văn về một vùng đất thiêng liêng đó là Hà Nội. Viết bao nhiêu cũng không nói hết nỗi lòng mình với Hà Nội hào hoa và cổ kính…
Hãy nghe ông kể chuyện người Hà Nội sống nhẹ nhàng sâu sắc mà sang trọng hào hoa: "Ai gỗ đá để có thể dửng dưng được trước nét thanh tân đầy ma lực của tà áo dài cứ lả lướt như sóng cạn mà bắt mất hồn người ấy, bởi nó vừa ngập ngừng, lại vừa thách thức…".
Hãy nghe ông nói chuyện ăn, chuyện chơi của người Hà Nội. Tinh tế và duyên dáng lắm. Mới hay cái sự ăn sự chơi Hà thành cầu kỳ biết nhường nào. Nội chuyện ông tả quà Hà Nội thôi đã thấy ông "đầu tư" cái phần suy nghĩ và day dứt trước sự nhạt phai của văn hoá, tập quán: "Quà Hà Nội thường không phải ăn cho no. Nó tựa như lời yêu chỉ cần nói nửa chừng, để ngỏ một khoảng trời cho sự mơ màng…". Người Hà Nội ăn cho thơm thảo, ăn cho ngon miệng, ăn cho đỡ nhớ, ăn cho thời tiết được mình hưởng ứng, ăn để mình hoà vào thời tiết, hoà vào thiên nhiên, ăn như để đáp ứng một nhu cầu nội tâm hơn là vị giác… Ăn để mà nhớ nó, ăn để thay đổi cảm giác…
Món ngon Hà Nội với Băng Sơn toàn những món những quà dân dã: Bún ốc, bún riêu ông tả cách ăn cách làm hết cả mươi trang sách. Lại còn bánh đúc bánh đa, bánh giầy bánh giò, bánh cuốn… Ông tả, ông viết nghệ thuật ẩm thực không phải để mà viết. Tôi hiểu ông đương góp sức bảo tồn di sản văn hóa đấy. Vâng! Ông cứ viết cứ in trên báo rồi ra ông cắt báo đem in sách. Mấy chục cuốn về phong tục tập quán, về phong cách sống, về ăn vận, giao tiếp… nhưng ông không làm khoa học. Sách ông dứt khoát không phải sách khảo cứu, mà là sách văn chương. Tản văn, tuỳ bút vốn sở trường của ông…
Hãy nghe ông tả phố phường tinh tế, rõ nét Hà thành trong từng con ngõ, từng gốc cây, mái chùa, hè phố… "Sớm nay lại mùa Thu. Lại là kỳ diệu. Lại là chiếc bùa mê mà Hà Nội bỏ cho ta. Ta mê mệt cùng màu trời xanh cốm Vòng, màu cây đầy sương của hàng sao đen phố Lò Đúc…".
Vâng! Người đã viết với tất cả rung động, với tất cả sự trân trọng cái cách ăn cách chơi, cách giao tiếp của người Hà Nội mà thời gian còn giữ được đến bây giờ… Bao nhiêu nhan sắc phố phường đều vào văn ông hết. Tình yêu ấy ông gửi lại cho đời…
Phố phường còn đó người đâu tá?
Ông giản dị đến dễ thương. Bộ đồ mặc trên người giản dị, mái tóc dài phơ phất trắng và dáng vẻ chầm chậm thư nhàn. Cốt cách ấy in vào văn ông. Như tạp văn, tuỳ bút của ông nhẹ nhàng êm ái đi vào lòng người đọc. Ông gợi tả vẻ đẹp đời thường qua những điều bình dị hàng ngày: Một nét duyên cô gái, một món ngon Hà Nội hay góc phố thanh bình.
Đọc Băng Sơn thấy lòng nhẹ nhõm và hình như thấy cuộc sống đáng yêu hơn… Ông tỉ tê nhè nhẹ, và cũng rất đỗi chi tiết, cụ thể về phong cách lối sống, về văn hoá và sinh hoạt Hà Nội. Vâng người tỉ tê với Hà Nội lâu nhất và duy nhất là Băng Sơn. Người bảo ông toàn viết lắt nhắt, chuyện phiếm. Nhưng với ông, sự nghiệp văn chương là cả sự tích cóp từng ngày, từng ngày, cần mẫn như con ong lấy mật, ông góp cho đời không biết bao nhiêu là bài viết thấm đẫm hơi thở cuộc sống xưa và nay. Những trang viết của ông mang sắc màu hoài niệm. Điều ấy giúp níu giữ hồn Việt, bản sắc văn hóa Thăng Long giữa biến động đời sống phố phường.
Di sản văn hoá trong sách Băng Sơn là một phần lớn di sản phi vật thể. Nó luôn trong tình trạng đe dọa biến mất và đứng trước nguy cơ cao. Mấy chục đầu sách đầy đặn ra đời để lại dấu ấn đậm nét trong văn chương và đời sống. Ấy cũng là đóng góp không nhỏ cho cuộc đời. Có thể gọi Băng Sơn là nhà văn chuyên tuỳ bút tản mạn. Ông làm nên chân dung bằng chính những mảnh vụn phố phường góp nhặt bấy nhiêu năm…
Bây giờ thì ông đành bỏ tất cả những cuộc đi. Cơn bạo bệnh hồi đầu năm đã đánh gục ông. Băng Sơn nằm đó trên cái đi văng cũ, bất chợt tôi ngắm nhìn cái hình người hao gầy mà thương cho người ham lang thang phố phường. Hình như ông vẫn tiếc những chuyến đi dọc những nẻo đường Hà Nội. Nhưng ông trời đã không chiều lòng người. Gốc bàng đầu ngõ nhà ông còn đó trơ cái vẻ sần sùi hiếm có tựa tác phẩm điêu khắc ai bỏ quên bên phố.
Hẳn ông nhớ lắm những con đường, những hàng cây thân thuộc. Nhớ ngày thơ năm Mậu Tý, bên một gốc cổ thụ trong sân Văn Miếu ông ngồi giữa những người bạn văn, bạn viết. Thanh thản, hồn nhiên cười đáp lại những ai đi qua chào hỏi ông. Mái tóc dài bồng bềnh xoã trắng vầng trán rộng. Vậy mà bây giờ đây ông nằm đó gầy guộc tấm thân trên cái đi văng trên đầu dưới chân đầy sách là sách. Người vợ ông, cô gái Mai Phương xinh đẹp thuở nào nay vẫn còn phảng phất nét duyên ngày cũ, đọng thêm nét phúc hậu khi bà ngày đêm ở bên ông chăm từng thìa cơm bát cháo cho nhà văn.
Đời người ta chỉ bấy nhiêu mà nếm đủ sướng khổ buồn vui. Băng Sơn cũng từng hạnh phúc khổ đau trong cái thời nghiệt ngã nhất của thành phố, của đất nước mình. Nhưng ông luôn đem trải tấm lòng với cuộc sống, làm cho nó lung linh hơn, bền lâu hơn… Âu đó là hoài vọng của bao người. Ông đã làm được một chút gì đấy, giúp đời biết yêu cả những điều khó yêu nhất. Ai cũng gọi ông là nhà văn. Mấy chục năm ai cũng nghĩ thế, nhưng bây giờ tôi biết ông vẫn chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt
Ông là một phần ký ức Hà Nội vậy. Ông Băng Sơn ạ!!!
Phố phường Hà Nội Thu về vẫn man mác một điều gì thân thuộc. Quán cà phê bây giờ nhan nhản khắp nơi cũng như phở Hà Nội nhiều vô kể. Nhưng hình như người ta đã đánh mất nhiều phần cái chất hào hoa lịch thiệp người Hà Nội xưa... Phố phường còn đó người đâu tá? Đó là câu hỏi của những người Hà Nội lâu nay bỗng thấy thiếu một điều gì. Hình như là nhiều người bỗng thấy vắng ông thong thả trên những hè phố lúc vào Thu…