Bất đồng ở môn Boxing trước SEA Games 32

06:13 05/03/2023

Mâu thuẫn giữa Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF) và Bộ môn Boxing (Tổng cục TDTT) lại phát sinh ngay trước SEA Games 32. Tranh cãi liên quan đến thời điểm tổ chức Giải Boxing Các đội mạnh toàn quốc chỉ là phần nổi của tảng băng chìm với những bất cập suốt nhiều năm qua.

Ưu tiên giải quốc gia, bỏ qua giải quốc tế?

Không còn là những tranh cãi ngầm, mâu thuẫn giữa VBF và bộ môn Boxing (Tổng cục TDTT) đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Có thể dễ dàng nhận thấy VBF đang đóng vai của nhân vật phản diện vì dời Giải Boxing Các đội mạnh toàn quốc 2023 sang tháng 11, đồng thời không tổ chức giải đấu nào trước thềm SEA Games 32.

Đội tuyển Boxing nữ Việt Nam chuẩn bị dự giải thế giới.

"VBF đã không xin ý kiến của Tổng cục TDTT, tự ý dời lịch thi đấu. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuẩn bị cho môn Boxing SEA Games 32", ông Vũ Đức Thịnh, phụ trách bộ môn Boxing (Tổng cục TDTT) phát biểu. Tuy nhiên, đằng sau nhận định trên tồn tại khá nhiều nút thắt cần làm rõ.

Ban đầu, VBF lên kế hoạch tổ chức Giải Boxing Các đội mạnh toàn quốc 2023 vào tháng 3. Việc này nằm trong thẩm quyền của VBF nhưng lại bị Tổng cục TDTT dời sang tháng 4. Nếu giải đấu diễn ra trong tháng 4, thành viên đội tuyển Boxing Việt Nam, nhất là những võ sĩ nữ phải đối mặt với một lịch thi đấu dày đặc.

Ít ngày tới, các thành viên đội tuyển Boxing nữ Việt Nam sẽ lên đường tham dự giải vô địch thế giới 2023. Giải đấu này diễn ra từ ngày 15 đến 31/3, quy tụ những võ sĩ hàng đầu và vé tham dự Olympic Paris cho những VĐV lọt vào chung kết. Đội tuyển Boxing Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thành tích tốt tại giải đấu này.

Trong trường hợp Giải Boxing Các đội mạnh toàn quốc 2023 diễn ra trong tháng 4, giải đấu này sẽ chen vào giữa giải vô địch thế giới 2023 và SEA Games 32. Nói cách khác, những tuyển thủ như Nguyễn Thị Tâm, Võ Thị Kim Ánh sẽ phải đấu tới 3 giải lớn trong vòng 3 tháng. Đây là lịch thi đấu phản khoa học, thiếu hợp lý với VĐV đỉnh cao.

Nếu Giải Boxing Các đội mạnh toàn quốc 2023 diễn ra trong tháng 3 như lịch ban đầu của VBF, các tuyển thủ có thể yên tâm lên đường thi đấu quốc tế. Đó là điều đã diễn ra 1 năm trước, khi Giải Boxing Các đội mạnh toàn quốc 2022 tổ chức mà không có tuyển thủ nào tham dự. Trong thời điểm giải diễn ra, các thành viên đội tuyển Boxing Việt Nam khi ấy lên đường sang Thái Lan thi đấu.

Nếu xét trên tiêu chí cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn cho các tuyển thủ, giải Boxing vô địch thế giới hay Thái Lan mở rộng đương nhiên tốt hơn rất nhiều so với Giải Boxing Các đội mạnh toàn quốc. Thay vì "bắt nạt" những đối thủ dưới cơ ở giải quốc gia, các tuyển thủ nên thi đấu nước ngoài nhiều hơn. Nhưng vì một vài lý do nào đó, việc này lại không được tạo điều kiện triệt để.

Việc xếp lịch thi đấu dày đặc, bao gồm cả giải quốc gia và giải quốc tế có thể khiến Nguyễn Thị Tâm rơi vào trường hợp như Ánh Viên trước đây. Từ một VĐV được đầu tư trọng điểm để giành huy chương Olympic, "Tiểu tiên cá" chưa bao giờ vươn tầm xa hơn khu vực Đông Nam Á. Đó sẽ là điều rất đáng tiếc cho Nguyễn Thị Tâm, võ sĩ "trăm năm có một" của Boxing Việt Nam.

Giải đấu "lạ", đội tuyển "lạ"

Trong bối cảnh VBF kiên quyết muốn dời Giải Boxing Các đội mạnh toàn quốc sang tháng 11, Bộ môn Boxing (Tổng cục TDTT) muốn tự tổ chức giải cùng các địa phương. Nếu điều này trở thành sự thật, câu chuyện về một giải đấu "lạ" như kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 hoàn toàn có thể tái diễn trong thời gian tới.

3 tháng trước, môn Boxing Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 được diễn ra mà không có các thành viên chủ chốt của VBF trong Ban tổ chức. Giải đấu được quảng bá "đảm bảo chất lượng chuyên môn" dù không phát sóng trực tiếp. Người hâm mộ chỉ có thể theo dõi nhờ vận động viên phát livestream tại nhà thi đấu, với chất lượng video hạn chế.

Sau vài ngày im ắng, môn Boxing Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 dần nóng lên với những trận tranh huy chương từ vòng tứ kết. Nhiều trận đấu sau khi kết thúc, HLV chạy ra gây gổ với ban tổ chức vì thắng rõ nhưng không hiểu sao VĐV của mình lại thua. Ngày thi đấu cuối cùng khép lại với 9/27 trận chung kết phải hủy do có võ sĩ bỏ cuộc.

Khép lại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, môn Boxing tiếp tục gây chú ý. Theo Luật Thể dục thể thao, thẩm quyền triệu tập đội tuyển Boxing quốc gia thuộc về VBF nhưng Tổng cục TDTT lại luôn "làm hộ" việc đó. Đây dường như là nguyên nhân khiến cho nhiều VĐV có thành tích không thực sự tốt nhưng vẫn được gọi lên đội tuyển.

Một số võ sĩ như Nguyễn Duy Anh, Đàm Ngọc Đức được gọi lên đội tuyển Boxing Việt Nam dù chỉ lọt vào vòng tứ kết Đại hội. Trong khi đó, nhà vô địch Trần Văn An chỉ được gọi trong danh sách bổ sung. Đồng đội của Văn An là Nguyễn Đức Ngọc (đương kim vô địch Đại hội) ban đầu được gọi lên tuyển nhưng bị loại.

Ngoài ra, một số hạng cân như 63,5kg nam lại gọi lên tới 3 võ sĩ cùng tranh suất dự SEA Games là Vũ Thành Đạt, Nguyễn Hà Minh, Huỳnh Tấn Vũ. Điều đó khiến cho những hạng cân khác thiếu võ sĩ lên tuyển. Còn với đội tuyển Boxing nữ, danh sách triệu tập xuất hiện khá muộn dù họ đem về 3 HCV ở SEA Games 31 vừa qua.

VBF có thể đưa ra quyết định thiếu hợp lý khi dời Giải Boxing Các đội mạnh toàn quốc nhưng đó chỉ là một phần câu chuyện. Sau tất cả, Boxing Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển giao, xã hội hóa thể thao, và VBF vẫn đang làm việc trên cơ sở dành những điều tốt đẹp nhất cho các VĐV, HLV.

Nguồn tiền xã hội hóa vào Boxing Việt Nam ngày một ít

Trước khi trở thành Chủ tịch VBF nhiệm kỳ 1, doanh nhân Trần Minh Tiến từng xã hội hóa chuỗi sự kiện thi đấu Boxing tại Việt Nam dưới tên giải vô địch Let's Viet. Đây là giải đấu tranh đai vô địch, được tổ chức sự kiện hàng tuần, với các trận đấu được truyền hình trực tiếp. Bên cạnh Boxing, ông Trần Minh Tiến cũng là người đưa Muay Thái chuyên nghiệp đến Việt Nam qua 2 sự kiện Thai Fight.

Nhưng kể từ ngày VBF được thành lập, những giải đấu do VBF tổ chức gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành giải đấu. Một số giải có hiện tượng trọng tài cố tình làm sai lệch kết quả khiến uy tín của VBF và cá nhân ông Trần Minh Tiến chịu ảnh hưởng. Kể từ đó, nguồn tiền xã hội hóa VBF dành cho Boxing Việt Nam không còn nhiều như trước.

Bất chấp việc nguồn thu ngày một hạn chế, VBF vẫn là một trong những liên đoàn thể thao hiếm hoi hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước. Toàn bộ kinh phí hoạt động đều đến từ những nguồn tài trợ của doanh nghiệp cũng như cá nhân ông Trần Minh Tiến đứng ra lo liệu.

An Khánh

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

Ngày 1/5, Công an TP Cần Thơ cho biết, cơ quan điều tra đã bắt giữ đối tượng Võ Chí Cường (SN 1995, ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) để làm rõ về hành vi giết người và cố ý gây thương tích. Cường bị bắt khi đang lẩn trốn ngoài cánh đồng tại ấp Thới Trung, xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).

Từ trưa 1/5, sau 5 ngày nghỉ lễ, người dân từ khắp các tỉnh thành đã quay trở lại Hà Nội. Theo đó, trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, hướng về trung tâm Hà Nội, lượng phương tiện cũng gia tăng nhanh chóng dẫn đến tình trạng ùn ứ, các phương tiện di chuyển chậm dần.

Ngót 70 năm trước, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực hiện trọn vẹn khát vọng hòa bình, độc lập, tự do bằng ý chí tự lực, tự cường, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương. Đằng sau kỳ tích xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,… đã có những sự hy sinh thầm lặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文