Cần đồng bộ và tối ưu cơ sở dữ liệu ngành văn hoá, du lịch
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, có sự tham gia trực tiếp của hơn 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp.
Đây là nhận định chung của nhiều đại biểu là các chuyên gia, nhà quản, lý, tại hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình”. Hội thảo do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức ngày 1/10 tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, có sự tham gia trực tiếp của hơn 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp.
Tích cực chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu ngành
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên. Ngành văn hoá, du thể thao, du lịch và gia đình không đứng ngoài xu thế đó. Tại Bộ VHTTDL, Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số tại Bộ, cũng như triển khai các nội dung của Đề án 06.
Năm 2024, Bộ VHTTDL đã triển khai rà soát, làm sạch và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dữ liệu đúng – đủ – sạch – sống. Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước; góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các vận động viên; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng nhận định, nếu nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả đạt được chưa đồng đều. Các cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ và chưa được khai thác một cách tối ưu. Vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận toàn diện, khoa học và thận trọng. Hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình” được Bộ VHTTDL tổ chức với mong muốn tiếp thu những chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn từ cơ quan điều phối chung hoạt động Mạng lưới chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông, từ cơ quan thường trực triển khai Đề án 06- Bộ Công an; Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, các sở thông tin, truyền thông, các sở VHTTDL trên cả nước.
Cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe những kinh nghiệm, những thông tin khoa học mới nhất về triển khai thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 hiện nay và chặng đường chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của ngành VHTTDL và gia đình trong những năm tới. Nhiều ý kiến chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi số, triển khai tạo lập dữ liệu số tại cơ quan, đơn vị mình để cùng các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Đại diện Viện Phim Việt Nam cho biết, hiện nay Viện đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa. Nhằm mục đích lưu trữ, bảo quản lâu dài các tư liệu trên đồng thời khai thác, phổ biến rộng rãi tới công chúng, Viện đã có kế hoạch, lộ trình nhằm số hóa các tư liệu quý giá đó. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các trang thiết bị đã lạc hậu nên việc số hoá phim gặp nhiều khó khăn. Công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu vẫn còn thủ công do chưa có hệ thống lưu trữ dữ liệu chuyên dụng cũng như phần mềm quản lý dữ liệu hiện đại, phù hợp với đặc thù công việc. Bên cạnh đó, tính bảo mật dữ liệu của tư liệu số hóa cũng là vấn đề cần được đặt ra, việc sao chép, chia sẻ dữ liệu, để lọt thông tin hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí có thể chỉ do vô ý của cá nhân trong đơn vị, nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Giám đốc Sở Thông tin truyền thông tỉnh Quảng Ninh Lê Ngọc Hân cũng nhận định, việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (thường là sản phẩm vô hình) là khó, phức tạp, có sự rủi ro cao, do đó đòi hỏi quyết tâm rất cao của lãnh đạo và người đứng đầu. Mặt khác, việc đưa các hoạt động chuyên môn, quản lý lên môi trường số sẽ làm tăng tính minh bạch hóa, công khai, tăng sự kiểm tra, giám sát, sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích cục bộ của một số cơ quan, đơn vị, nên ban đầu triển khai sẽ có rào cản. Đầu tư cho các các hệ thống thông tin và cở sở dữ liệu phải đồng bộ, có lộ trình thích hợp và phải huy động được mọi nguồn lực, việc bố trí nguồn vốn, ban hành các cơ chế, chính sách phải kịp thời, phù hợp, đảm bảo tiến độ triển khai.
Đại diện công ty Cổ phần Netnam cho rằng, hiện nay việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn thông tin của Bộ VHTTDL đã tuân theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng với nhu cầu phát triển mở rộng hệ thống, một số thành phần sẽ cần nâng cấp mở rộng. Việc đảm bảo an toàn thông tin không chỉ là công nghệ mà còn là cảnh báo sớm, quy trình và con người, việc này là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc cả về mặt kỹ thuật lẫn con người. Vì vậy, cần chú trọng vào đào tạo, nâng cao nhận thức và xây dựng chính sách an toàn thông tin cũng là những yếu tố quyết định đến sự thành công của một hệ thống công nghệ thông tin an toàn và hiệu quả…