Chợ Mây – lưu dấu nét đẹp văn hoá
Thiên Cấm Sơn - bức tranh sơn thủy hữu tình với sắc xanh ngọc của hồ nước, sắc xanh ngút ngàn của rừng và chắc chắn không thể thiếu sắc xanh thiên thanh của mây trời. Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên nên thơ hay những dãy núi non hùng vĩ thì miền sơn cước này còn lưu dấu nét đẹp văn hóa “độc nhất vô nhị” trong “Phiên Chợ Mây” ở tọa độ cao nhất miền Tây.
Hãy thử một lần đặt chân đến Núi Cấm khám phá và cảm nhận xem chợ mây này có gì mà lại nổi tiếng khắp nơi đến thế!
Thoáng nghe cái tên “Chợ Mây” thôi đã thấy được đặc điểm của phiên chợ này. Sáng sớm, tiếng gà gáy đánh thức không gian yên tĩnh của núi rừng vẫn còn đang say giấc. Đây là lúc phiên chợ đặc biệt này họp. Nhiệt độ lúc này khoảng 20 độ C.
Lưu trú trong căn homestay, trên con dốc nhỏ sau lưng Phật Di Lặc đi tới chợ mây cũng chỉ tầm 10 phút đi bộ. Vừa mở cửa phòng, tôi cũng hình dung ra phần nào cảnh tượng Chợ Mây.
Ngôi chợ nằm cạnh bờ Hồ Thủy Liêm, đối diện là Chùa Phật Lớn, một bên là Chùa Vạn Linh được bao quanh bởi núi rừng cùng tiết trời dịu mát, trong lành. Hỏi những người có tuổi ở xung quanh không ai biết ngôi chợ này có từ khi nào và bao nhiêu năm tuổi, chỉ biết rằng khi họ lớn lên thì đã có sự tồn tại của Chợ Mây trên đỉnh núi thiêng.
Từng bước thong dong, cứ thế rẽ qua làn sương mù phủ kín, xa xa toàn cảnh Cấm Sơn hoa gấm chìm vào biển mây lững lờ, phiêu dạt, che lấp những hàng thông già trong mờ ảo. Những cơn mưa đầu mùa bất chợt kéo vội vã tưới mát vạn vật cỏ cây, hoa lá sau bao ngày nắng cháy.
Buổi sáng thường xuất hiện những cơn mưa phùn vội đến cũng vội đi, dịu dàng mang theo cái lạnh sắt se phủ khắp núi rừng. Cảnh tượng thoát tục hóa cõi tiên ai nấy đều say sưa trong không gian huyền diệu.
Khi xưa, chợ này họp nhanh 2 tiếng đồng hồ, nên mới có cái tên thân thương khác là “chợ chạy”. Họp chợ xong tiểu thương sẽ tiếp tục gánh hàng đến nhiều nơi khác để bán đến khi hết thì về. Nay, chợ này được bày bán các sạp, quầy hàng cố định hầu như đầy đủ các loại thực phẩm.
Ở đây bày bán nhiều nhất là trái mây, trái dâu núi, măng cụt, me ngọt, xoài và những sản phẩm từ Thốt Nốt…Đi chợ mây xong, du khách có thể dùng điểm tâm và thưởng thức tách cà phê hay trà ấm nóng bên bờ hồ với “view” cực kỳ “chill” chẳng khác gì ở Đà Lạt.
Đến với Núi Cấm An Giang chỉ mất khoảng 15 phút trên cáp treo, hơi nóng biến mất, chỉ còn lại sự mát mẻ, nghe gió thổi rì rào. Ngồi trên không trung ngắm đại ngàn mênh mông bát ngát, điểm xuyết những vạt hoa rừng tím hồng bên sườn núi thật là kỳ diệu.
Tuyến cáp treo còn băng qua chiếc “Hồ Thanh Long”, nước trong xanh, yên ả đây là nguồn cung cấp nước ngọt cho người dân xứ Núi. Bay trên tầng không chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên trác tuyệt nào là đồng bằng ruộng lúa vàng ươm, đường xá, nhà cửa sinh động, hấp dẫn trên phông nền Thiên Cấm Sơn.
Khí hậu ôn hòa cùng những nét duyên mộc mạc đặc trưng của núi rừng, “Nóc nhà miền Tây” thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.“Phiên Chợ Mây” mở ra không gian phô bày hết nét đẹp văn hóa, từ đời sống, sinh hoạt, tập tục buôn bán của người dân vùng sơn cước. Du khách đến đây không chỉ để ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, còn là dịp hành hương đến các ngôi chùa cổ kính hàng trăm năm tuổi.
Ngoài ra, Thiên Cấm Sơn còn chứa đựng bao huyền tích tâm linh mầu nhiệm, du khách hãy tự mình trải nghiệm, chiêm ngưỡng cảnh sắc nơi này bằng lăng kính riêng, lắng nghe những cung bậc cảm xúc khẽ rung động từ trái tim của mình. Đây chắc chắn là một “chuyến phiêu lưu” mang lại dấu ấn khó phai trong lòng khách thập phương.