Cử tạ và bài toán thích nghi

07:53 12/12/2024

Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) vừa công bố nhóm nội dung mới tại các giải đấu quốc tế chính thức, áp dụng từ tháng 6-2025. Đó lại là bài toán mới cho các nhà quản lý cử tạ Việt Nam nếu vẫn muốn duy trì vị thế môn trọng điểm của thể thao Việt Nam.

Dấu ấn từ hạng 56kg

Để có thể trở thành môn trọng điểm của thể thao Việt Nam và là một trong số ít môn luôn nhận được sự đầu tư tốt nhất cho hành trình chinh phục các tấm huy chương Olympic, chắc chắn người trong làng cử tạ Việt Nam sẽ nhắc đến những thành công tại hạng 56kg nam.

Các đô cử Đội tuyển quốc gia sẽ phải thích nghi với những thay đổi về hạng cân mà Liên đoàn cử tạ thế giới mới đặt ra.

Ở đó, đương nhiên cái tên Hoàng Anh Tuấn được xem là điểm nhấn sáng nhất. Lực sĩ người Bắc Ninh nổi lên từ năm 2005 với những tấm HCV, HCB tại giải trẻ thế giới rồi giải vô địch châu Á, giải vô địch thế giới. Rồi đến khi giành HCB ở ASIAD năm 2006, Hoàng Anh Tuấn đã được coi là ứng cử viên cho tấm huy chương hạng 56kg tại Olympic 2008. Quả thực, ở kỳ Olympic đó, Hoàng Anh Tuấn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi giành tấm HCB lịch sử cho cử tạ Việt Nam ở đấu trường Olympic. Đó cũng là lần đầu Việt Nam ghi tên ở bảng huy chương môn cử tạ tại một kỳ Olympic. Và từ trường hợp của Hoàng Anh Tuấn, giới chuyên môn càng có lý do để củng cố nhận định, hạng cân nhẹ là nội dung phù hợp nhất với cử tạ Việt Nam tại đấu trường ASIAD hay Olympic.

Đặc biệt, trong bối cảnh quá ít môn thể thao Việt Nam có thể tranh chấp huy chương Olympic thì những VĐV hạng cân nhẹ ở môn cử tạ (đặc biệt là hạng 56kg nam) càng được chú ý đầu tư. Nhận định này càng trở nên đúng đắn khi ngay ở kỳ Olympic tiếp theo vào năm 2012, lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn xếp hạng tư hạng 56kg. Sau đó, do lực sĩ xếp trên dương tính với chất cấm nên Trần Lê Quốc Toàn được đôn lên giành HCĐ. Và cho đến nay, chưa môn thể thao nào tại Việt Nam có thể mang về huy chương ở 2 kỳ Olympic như cử tạ. Với riêng cử tạ, việc lực sĩ hạng 56kg giành huy chương ở 2 kỳ Olympic cũng đáng để tự hào.

Tất nhiên, ngoài hạng 56kg, cử tạ Việt Nam cũng từng kỳ vọng vào các đô cử nữ hạng cân nhẹ, nhất là hạng 49kg. Tuy vậy, tố chất của VĐV nữ Việt Nam lại chưa thể đáp ứng được kỳ vọng, trong khi điều này lại ngược hẳn ở hạng 56kg nam.

Thế nhưng, sau khi Liên đoàn cử tạ thế giới không đưa hạng 56kg vào chương trình thi đấu Olympic kể từ kỳ Olympic năm 2020, cử tạ Việt Nam đã mất đi hẳn một thế mạnh. Lúc đó, hạng cân nhỏ nhất của các đô cử nam tại Olympic là 61kg. Đây không phải là thế mạnh của cử tạ Việt Nam kể cả khi đã sở hữu một Trịnh Văn Vinh có thể tranh chấp huy chương thế giới ở hạng này. Vấn đề còn nằm ở việc Trịnh Văn Vinh dương tính với chất cấm và bị cấm thi đấu từ trước Olympic 2020 đã khiến cử tạ Việt Nam hầu như không còn cơ hội tranh chấp huy chương tại Olympic. Những Thạch Kim Tuấn và một số đô cử trẻ khác đều chưa thể chứng tỏ được có thể mang về huy chương Olympic cho cử tạ Việt Nam.

Cho nên, ở hai kỳ Olympic gần đây, cử tạ Việt Nam cũng chỉ có thể hài lòng với việc có vé dự Olympic và đành trông vào sự hên xui trong thi đấu thay vì vào cuộc với tâm thế của kẻ chinh phục tấm huy chương như các kỳ Olympic 2008 và 2012. Gần đây nhất, khi Trịnh Văn Vinh rớt tạ trong cả 3 lần nâng tại nội dung cử giật ở Olympic 2024 hạng 61kg, người ta đều không quá bất ngờ. Bởi đơn giản, đó không phải là sân chơi của các đô cử Việt Nam, khi nhiều nước đã đầu tư mạnh vào nội dung này.

Liệu có cơ hội?

Theo thông báo của Liên đoàn cử tạ thế giới, hạng cân được tổ chức đối với nam gồm 60kg, 65kg, 71kg, 79kg, 88kg, 98kg, 110kg và trên 110kg; nhóm hạng cân dành cho nữ sẽ là 48kg, 53kg, 58kg, 63kg, 69kg, 77kg, 86kg, và trên 86kg. Các nhóm hạng cân mới được áp dụng trong tất cả giải chính thức từ tháng 6-2025 và đương nhiên, tại các kỳ Olympic từ năm 2028 sẽ áp dụng những hạng cân trên.

Như thế, chỉ riêng hạng cân nhỏ nhất của nam, nữ đều giảm 1kg so với trước. Với người làm chuyên môn, điều đó mang đến cơ hội cho không chỉ cử tạ Việt Nam mà còn nhiều nước khác. Bởi trong thi đấu cử tạ, việc vênh nhau 1kg cũng tác động đáng kể đến trọng lượng tạ mà VĐV có thể nâng được. Dù gì, tố chất cơ thể của người Việt Nam vẫn hợp các hạng cân nhỏ của môn cử tạ. Câu chuyện ở đây nằm ở việc tìm ra con người phù hợp và đầu tư thế nào. Phụ trách bộ môn cử tạ (Cục TDTT) Nguyễn Huy Hùng cho hay đã nắm được thông tin về thay đổi hạng cân của cử tạ thế giới. Không riêng Việt Nam, việc thay đổi trên sẽ khiến nhiều nền cử tạ trên thế giới phải thay đổi kế hoạch chuẩn bị chuyên môn. Chắc chắn là lực lượng của Việt Nam sẽ phải chuyển đổi dần dù khó khăn là rất nhiều.

Trong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, cử tạ vẫn được xem là môn trọng điểm để tranh chấp huy chương Olympic. Và trước mắt, để chuẩn bị cho Olympic 2028, đội tuyển cử tạ vẫn sẽ phải trông vào những gương mặt cũ từng thi đấu ở hạng 61kg nam hay 49kg nữ để có thể thi đấu tốt ở những hạng cân nhỏ nhất (60kg nam, 48kg nữ) theo quy định mới của Liên đoàn cử tạ thế giới. Nhưng về lâu dài, chắc chắn những nhà quản lý sẽ phải có kế hoạch dài hơi để có nguồn VĐV dày dặn thay vì chỉ có 1-2 đô cử ở mỗi hạng cân nhỏ có thể tranh chấp tấm vé dự Olympic, chứ chưa kể tới việc giành huy chương Olympic.

Lúc đó sẽ rõ khả năng thích nghi của cử tạ Việt Nam trước những thay đổi của cử tạ thế giới đến đâu.

Dấu chấm hết của hạng 55kg nam

Ở giải vô địch cử tạ thế giới 2024 đang diễn ra ở Bahrain, hạng 55kg nam vẫn được đưa vào thi đấu dù trước đó không được đưa vào chương trình thi đâu của Olympic. Cử tạ Việt Nam cử cả hai đô cử mạnh nhất hạng cân này là Ngô Sơn Đỉnh, Lại Gia Thành tham dự nhưng đáng tiếc, cả hai đều không thể giành huy chương. Đó cũng có thể xem là dấu lặng cho cử tạ Việt Nam khi hạng 55kg trong ít năm gần đây ít được các nước đầu tư và luôn mở ra cơ hội tranh chấp huy chương thế giới, châu lục cho các đô cử Việt Nam. (Minh Khuê)

Minh Hà

Một trong những tổ chức thường xuyên đưa ra các trò lố dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới để thực hiện các hành động chống phá Việt Nam là Việt Tân. Những hoạt động của tổ chức này dưới vỏ bọc bảo vệ nhân quyền, dân chủ song thực chất là nhằm mục tiêu gây rối an ninh trật tự, phá hoại sự ổn định đất nước, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Tình hình tại Syria có dấu hiệu dần ổn định trở lại sau khi lực lượng nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu khởi động quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua một chính phủ chuyển tiếp, mang đến kì vọng cho nhiều người dân Syria về khả năng chấm dứt chuỗi ngày xung đột triền miên.

Trong những năm gần đây, thuốc lá điện tử đã trở thành trend mới phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở giới trẻ. Dù được quảng bá như một giải pháp thay thế ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống, thực tế cho thấy thuốc lá điện tử đang đặt ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của thanh thiếu niên. Do đó, việc cấm thuốc lá điện tử là một biện pháp cấp thiết để bảo vệ sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ.

Ngày 11/12, HĐND TP Hà Nội đã dành nửa ngày để tiến hành phiên tái chất vấn và chất vấn những nội dung đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Đáng chú ý, liên quan đến quản lý tài sản chung, hiện nay vẫn còn hơn 800 tỷ đồng tiền nợ từ quỹ nhà cho thuê chưa thu hồi được gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Nằm ở phía Bắc của TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), những năm qua, cụm công nghiệp (CCN) An Hòa thu hút nhiều doanh nghiệp vào đây đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng, nhà xưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra ở CCN này nhất là sau những trận mưa lớn kéo dài; điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và người lao động.

Bụi đã lắng xuống ở Dnipro sau đòn tập kích gây sửng sốt của Nga bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik. Thiệt hại hữu hình mà nó gây ra có thể không lớn, nhưng việc một loại vũ khí khác biệt như Oreshnik tham gia chiến đấu thực tế ngay trên lục địa châu Âu là lời cảnh báo của Moscow về những "lằn ranh đỏ" và có thể sẽ tác động đến cấu trúc an ninh khu vực trong nhiều thập niên tới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文