Đền thờ Vua Hùng – điểm nhấn văn hóa trên đất Tây Đô
Ngày 1/4, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết ngày 6/4 tới đây, Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ sẽ được khánh thành cùng với sự việc diễn ra các sự kiện văn hóa đặc sắc.
Sau 30 tháng thi công, công trình Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt. TP Cần Thơ sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình này vào lúc 19h30 ngày 6/4. Kể từ ngày 7/4, Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ sẽ được mở cửa để nhân dân và du khách đến tham quan.
Nằm trong sự kiện khánh thành Đền thờ Vua Hùng sẽ diễn ra liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX - Cần Thơ năm 2022 do Bộ VH-TT&DL và UBND TP Cần Thơ chủ trì, diễn ra từ ngày 6 đến ngày 11/4 tại Quảng trường quận Bình Thủy.
Được biết, liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III có sự tham gia của 21 tỉnh, thành Nam Bộ, với các hoạt động như Hội thi Đờn ca tài tử; không gian Đờn ca tài tử; triển lãm nhạc cụ dân tộc… Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX có quy mô khoảng 200 gian hàng, gồm bánh dân gian, đặc sản vùng miền, ẩm thực hiện đại…
Đền thờ Vua Hùng có diện tích khu đất gần 40.000m2, với tổng mức đầu tư khoảng 129,5 tỉ đồng, do Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest tài trợ. Các hạng mục chính của dự án gồm đền thờ chính; nhà điều hành, nghi môn; nhà bia; cây xanh, thảm cỏ…
Điểm nhấn là công trình kiến trúc Đền thờ được xây dựng theo hình tượng trống đồng cách điệu, là hình ảnh trống đồng Ngọc Lũ, 18 cánh cung xung quanh tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.
Đền có kiến trúc hình khối tròn trên nền vuông, tượng trưng cho trời và đất, được xây dựng bao bọc bởi hồ nước cảnh quan hình tròn. Bao quanh đền thờ chính còn có 54 khối cột hình trụ, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Gian chính của đền thờ là nơi để thờ Quốc tổ Hùng Vương, Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Lạc Hầu, Lạc Tướng.
Các họa tiết hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ, thời kỳ văn hóa Đông Sơn được sử dụng trang trí trên các vách tường, trên tầng 2 thì được khắc họa hoa văn phù điêu sử dụng nội dung nhiều hoạt cảnh dựa trên các di tích lịch sử vào thời vua Hùng. Khuôn viên đền thờ được trồng nhiều cây xanh trang trí vừa tạo cảnh quan sinh động vừa thoáng mát.
Công trình Đền thờ Vua Hùng đưa vào sử dụng nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo tâm nguyện của đông đảo nhân dân các tỉnh thành phía Nam. Khu vực này còn là nơi thu hút khách du lịch đến thăm, viếng, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và những bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước; thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.