Đổi thay trên quê hương Ấp Bắc Anh hùng
Bên phải khu di tích là tượng đài ba chiến sĩ gang thép sừng sững cao vút giữa nền trời xanh, mây trắng một chiều cuối năm. Tượng đài này do nhà điêu khắc Nguyễn Hải thực hiện vào năm 1998, nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Ấp Bắc.
Ngay trước tượng đài, có một ngôi cổ mộ màu trắng còn in dấu chi chít những vết đạn, pháo là nơi ba chiến sĩ gang thép bám trụ chiến đấu trước lúc hy sinh.
Ông Sáu Huẩn (Thượng tá Lê Hùng Huẩn), nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 (Khu 8) là nhân chứng sống trong trận Ấp Bắc kể: Sáng sớm 2/1/1963, địch mở cuộc càn lấy tên là “Đức Thắng 1/1963” gồm Sư đoàn 7 và Chiến đoàn Bảo an thuộc Tiểu khu Định Tường với 2.000 quân, đoàn xe M.113, hàng chục máy bay trực thăng, máy bay vận tải, trực thăng vũ trang, máy bay ném bom... mở cuộc càn quét tại xã Tân Phú (Cai Lậy) để bao vây tiêu diệt bộ đội địa phương đang trú quân tại đây.
Đến khoảng 9h30 địch cho 15 chiếc trực thăng đổ bộ xuống cánh đồng Ấp Bắc. Khi chưa kịp hạ cánh thì đồng loạt trên khắp trận địa súng nổ vang khiến cho 2 chiếc H.21 lật nhào tại chỗ. Bộ đội ta còn hạ thêm 1 chiếc HU1A khiến địch tán loạn tháo chạy.
Khoảng 11h30, xe bọc thép M.113 của Mỹ cùng 2 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 ngụy bắt đầu tiến công vào trận địa. Chiến đấu ác liệt kéo dài đến 18h tối, đã có 3 xe M.113 bị phá hỏng bởi thủ pháo, phóng lựu. Sau đó, địch tiếp tục tăng quân tiến công nhiều đợt nữa nhưng quân ta vẫn giữ vững trận địa, đẩy lùi từng đợt tấn công.
Bia lịch sử còn ghi: “Chiến thắng Ấp Bắc đã đánh bại các chiến thuật: bủa lưới, phóng lao, trực thăng vận và thiết xa vận mà đế quốc Mỹ cho là tân kỳ, đã nói lên đầy đủ ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, đồng thời là tiếng chuông báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng với chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ”. Tiểu đoàn 261 được Chính phủ Cuba trao tặng Huy hiệu Tiểu đoàn Rigon. Cuba cũng lấy tên một làng để đặt tên là Ấp Bắc.
Trong đền thờ khu di tích là ba ngôi mộ của Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Đừng, đồng chí Đỗ Văn Trạch và đồng chí Hùng. Trong trận Ấp Bắc, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Bảy Đen, đại liên ta được lệnh nổ súng vào đội hình địch làm chết, bị thương khá đông, số còn lại chạy tán loạn. Địch tiếp tục tăng quân tấn công. Đến 13h30, tiểu đoàn BB và xe M113 của địch mở đợt tiến công mới, tình hình khá gay go.
Tượng đài tại khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc. |
Lúc này, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đừng, cùng hai chiến sĩ Đỗ Văn Trạch và Hùng đã nấp ở ngôi mộ cổ cầm cự, không cho địch tiến vào trận địa rồi bất ngờ nhảy lên xe M.113 ném thủ pháo tiêu diệt.
Khi 3 đồng chí quay về công sự thì bị địch chặn đánh và đã hy sinh anh dũng. Nhân dân và bộ đội đặt tên là Tổ gang thép Nguyễn Văn Đừng, Ba chiến sĩ gang thép. Anh hùng Nguyễn Văn Đừng sinh năm 1938, quê xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, khi hy sinh là Tiểu đội trưởng, Đại đội 1, Tiểu đoàn chủ lực 261 Khu Trung Nam Bộ.
Đồng chí Nguyễn Văn Xây - Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú tự hào cho biết: Phát huy truyền thống quê hương Ấp Bắc Anh hùng, trong chiến tranh, quân và dân Tân Phú không nề hà khó khăn, gian khổ, bám trụ kiên cường, chiến đấu dũng cảm, lập được nhiều chiến công nên năm 1994, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Phú đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Sau ngày giải phóng, Tân Phú bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước cải tạo và xây dựng cuộc sống mới, khai hoang, phục hóa, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, từng bước xây dựng, phát triển các công trình điện - đường - trường - trạm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân. Nổi bật là phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng khu dân cư tiên tiến”… Năm 2012, Tân Phú được công nhận là xã Văn hóa.
Về Tân Phú hôm nay, những đổi thay diệu kỳ đang diễn ra từng giờ, từng ngày. Hố bom xưa trên cánh đồng vẫn còn cùng với cánh đồng biểu tượng xe tăng, máy bay bị bắn cháy như những chứng nhân lịch sử luôn nhắc các thế hệ đời sau về chiến công anh dũng, khốc liệt của quân dân Ấp Bắc một thời không xa.
Những vượt lên trên tất cả là màu xanh của lúa, của dưa hấu và màu vàng bội thu của cuộc sống xây dựng nông thôn mới hôm nay. Không ai quên chiến tranh, lịch sử kể cả các em học sinh.
Chú Trần Văn Luân ở ấp Tân Thới phấn khởi: “Nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, đóng góp công sức, tiền của để xây cầu cống và các công trình phúc lợi công cộng. Cuộc sống của người dân khấm khá hơn nhiều”.
Tân Phú có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, ý chí tự lực, tự cường trong lao động sản xuất, học tập, ý thức chấp hành pháp luật tốt, tích cực tham gia các phong trào.
Do đó, 10 chỉ tiêu thi đua của tỉnh đề ra đều đạt và vượt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/người/năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được phát động, tệ nạn xã hội giảm, phạm pháp hình sự và trọng án không xảy ra.
Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc là một quần thể rộng lớn với hai phân khu chức năng, gồm tượng đài chiến sĩ gang thép, nhà mộ, 3 hồ sen lớn, nhà trưng bày xe tăng, máy bay, công viên, nhà trưng bày hiện vật, phía dưới nhà trưng bày là hồ sen, bên trái là quảng trường và công viên, phía sau là những mô hình được phục chế tái hiện lại như cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, trảng xê, hầm bí mật.
Xa xa ngoài cánh đồng rộng lớn là những biểu tượng máy bay, xe tăng địch bị bốc cháy. Hằng năm vào ngày 2/1 Dương lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ kỷ niệm tại khu di tích này.