Đưa công chúa An Tư trở lại sân khấu Cải lương

17:39 18/07/2023

Sau đêm tổng duyệt 17/7, vở cải lương về công chúa An Tư của đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai – “Vì nghĩa nước non” chính thức ra mắt khán giả vào tối 18/7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Được NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng theo kịch bản của tác giả Trần Hồng Vân, NSƯT Ngọc Chi chuyển thể cải lương, vở “Vì nghĩa nước non” là dự án quan trọng thứ hai của Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt khán giả trong năm 2023, sau tác phẩm kịch kinh điển thế giới Mê Đê do NSƯT Lê Chức dàn dựng.

Nội dung vở diễn tập trung khai thác giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời công chúa An Tư - em của Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông. Khi quân Nguyên Mông do tướng giặc Thoát Hoan xâm lược Đại Việt lần thứ hai, đánh vào kinh thành Thăng Long.  Chiến sự buổi đầu bất lợi, một số tôn thất nhà Trần đầu hàng giặc. Để kìm hãm quân giặc, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông quyết định dùng mỹ nhân kế. Công chúa An Tư chấp nhận gạt tình riêng, hy sinh bản thân để trở thành “cống vật”, làm thiếp của tướng giặc Thoát Hoan. Nàng làm nội gián, hóa thành ngọn lửa sống dẫn đường cho quân nhà Trần, khiến Thoát Hoan phải chạy tháo thân…

Cảnh trong vở "Vì nghĩa nước non".

Được biết, trước khi dàn dựng vở cải lương “Vì nghĩa nước non”, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai từng thành công khi khai thác cuộc đời của công chúa An Tư trên sân khấu Chèo, qua vở diễn “Trung trinh liệt nữ” – tác phẩm đạt giải Vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022.

Chia sẻ về vở diễn cũng như việc đưa công chúa An Tư trở lại trên sân khấu Cải lương, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, qua tìm hiểu nhiều tư liệu, chị được biết, trong lịch sử nhà Trần có 2 công chúa đã hy sinh thân mình vì đất nước. Đó là công chúa An Tư và công chúa Trần Huyền Trân. Hoàng Quỳnh Mai từng dựng vở diễn về cả 2 công chúa đặc biệt này. Tuy nhiên, so với công chúa An Tư, cái kết của công chúa Trần Huyền Trân có hậu hơn, vì sau này bà còn được vua đưa về sống ở quê hương, ngày nay còn có đền thờ ở Huế. Tuy nhiên, câu chuyện công chúa An Tư lại gây nhiều thương cảm hơn vì tư liệu về bà sau khi gánh vác trọng trách với non sông lại khá mịt mờ. Sau chiến thắng quân Nguyên Mông, gần như bà cũng “biến mất” trong tư liệu lịch sử. Có giai thoại nói bà mất trên một dòng sông, trên đường bị Thoát Hoan lôi về nước…

Nghệ sĩ trẻ tài sắc Thùy Dung trong vai công chúa An Tư.

Có lẽ vì Hoàng Quỳnh Mai là đạo diễn nữ, tác giả kịch bản cũng là nữ nên vở “Vì nghĩa nước non” có sự đồng cảm đặc biệt với nhân vật chính - công chúa An Tư. Đó là sự đồng cảm của những trái tim phụ nữ dành cho nhau, bằng sự thấu hiểu và sẻ chia. Vở diễn cũng nghiêng về cái tình của phụ nữ, kể cả với nhân vật Cốt Đãi Tam – vợ của Thoát Hoan. Những điểm mờ trong lịch sử về cuộc đời của công chúa An Tư cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho nghệ sĩ sáng tạo. Một trong số đó là việc đạo diễn chọn lựa để người công chúa tài sắc ấy biến mình thành ngọn đuốc sống, làm ám hiệu dẫn đường cho quân nhà Trần truy bắt Thoát Hoan.

Trong vở diễn “Vì nghĩa nước non”, Hoàng Quỳnh Mai tiếp tục trung thành với những mảng miếng truyền thống, thế mạnh âm nhạc của Cải lương nhưng cũng đồng thời có những cách tân, thử nghiệm mới mẻ. Thiết kế sân khấu lung linh, như một tà Phượng bào, luôn được biến hóa, có lúc như con thuyền, có lúc như ngọn lửa, có lúc tả tơi như tâm trạng của người con gái trắng trong sau đêm hợp cẩn cùng tướng giặc…

Nghệ sĩ Hồng Hạnh trong vai Cốt Đãi Tam, vợ của Thoát Hoan - nhân vật hoàn toàn hư cấu trong "Vì nghĩa nước non".

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cũng cho biết, chị và ê kíp sáng tạo đã dành hơn hai tháng tập luyện nghiêm túc cùng sự hỗ trợ đặc biệt của NSƯT Dạ Ngọc Hương trong vai trò trợ lý đạo diễn và sáng tạo mới có thể công diễn tác phẩm “Vì nghĩa nước non” vào tối 18/7.

Vở diễn quy tụ dàn nghệ sĩ trẻ, tài năng của nhà hát. Trong đó, thủ vai công chúa An Tư là Thuỳ Dung – nữ diễn viên trẻ với chiều cao lý tưởng 1,76m, gương mặt khả ái và giọng hát mượt mà, ngọt ngào. Cô đã từng đoạt 7 Huy chương Vàng và Bạc trong các kỳ hội diễn và đang chờ trao tặng danh hiệu NSƯT. Trước đó, Thuỳ Dung đã có nhiều vai diễn ấn tượng, đặc biệt là vai Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi) trong vở “Bên ánh sao khuê”. Ngoài ra, vở diễn còn có sự góp mặt của các diễn viên: NSƯT Mạnh Hùng vai Thoát Hoan, nghệ sĩ Hồng Hạnh vai Cốt Đãi Tam, nghệ sĩ Lê Tuấn vai Trần Thông, nghệ sĩ Văn Thuân vai vua Trần Thánh Tông, nghệ sĩ Vũ Long vai vua Trần Nhân Tông …

N.Hoa

Chiều 20/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Chung (SN 1978, Trưởng phòng Quản lý nhân sự Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hoàng Kim Giáp) để điều tra về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Ngày 20/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tống đạt các Quyết định và bắt tạm giam đối với Đặng Tùng Lâm (SN 1989, HKTT tại Tổ 10, phường Quyết Thắng, TP Sơn La; nơi ở: đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tối 20/5, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP Tam Kỳ vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Huỳnh Hồng Danh (SN 1993, trú xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) để điều tra về hành vi “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; Nguyễn Tiện (SN 1996, trú xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và Tô Văn Thanh (SN 1987, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn) về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei phê chuẩn Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber làm quyền Tổng thống Iran, sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi qua đời vì tai nạn trực thăng.

Khi Thanh tra vào cuộc xác minh kiến nghị của người dân mới phát hiện một khu đất công bị biến thành đất tư, quá trình lập thủ tục đăng ký, xét duyệt, thẩm định và đề nghị cấp "sổ đỏ" có dấu hiệu tội phạm. Sau đó cơ quan điều tra đã đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội nên hai cán bộ lãnh đạo phường cùng hai đồng phạm vào vòng tố tụng hình sự.

Sau năm ngày xét xử sơ thẩm nhóm tội phạm trong đường dây “rửa tiền” xuyên quốc gia cho các app đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giao dịch rút tiền mặt mỗi ngày từ 20 đến 150 tỷ đồng, chiều 20/5, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với nhóm tội phạm này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文