Dứt điểm vẫn là "bài toán" của đội tuyển bóng đá Việt Nam
Trận thua đội tuyển Trung Quốc vừa qua cho thấy vấn đề lớn của đội tuyển Việt Nam ở "đầu ra" của lối chơi. Đội bóng của HLV Philippe Troussier đã kiểm soát bóng, nhưng chưa thể tạo ra các cơ hội rõ ràng và đương nhiên, không thể ghi bàn thắng vào lưới đối thủ.
Bài toán "đầu ra"
Không phải đến trận thua đội tuyển Trung Quốc, vấn đề tấn công của đội tuyển Việt Nam mới được lộ ra. Thực tế, vấn đề này xuất hiện và tồn tại xuyên suốt kể từ khi HLV Philippe Troussier nắm quyền dẫn dắt đội U23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Với quyết tâm thay đổi triết lý bóng đá Việt Nam, HLV người Pháp yêu cầu các học trò chuyền bóng liên tục, kiểm soát bóng chặt chẽ và từ đó triển khai tấn công bài bản. Ý tưởng và mong muốn của HLV Troussier rất tốt, nhưng lối chơi của các đội tuyển Việt Nam chưa thể tiến triển nhanh như mong đợi. Sau khi gây thất vọng tại SEA Games 32, U23 Việt Nam tiếp tục có màn trình diễn kém thuyết phục tại vòng loại U23 châu Á 2024 trên sân nhà. Cho dù giành vé vào vòng chung kết với thành tích bất bại, nhưng đội bóng của HLV Troussier vẫn tạo ra vết gợn về năng lực tấn công.
Điều tương tự xảy ra ở cấp độ đội tuyển. HLV Troussier khởi đầu hoàn hảo với 3 trận toàn thắng trước Hồng Kông (Trung Quốc), Syria và Palestine mà không thủng lưới bàn nào. Tuy nhiên, màn trình diễn trên sân cỏ của các cầu thủ áo đỏ vẫn thiếu điểm nhấn. Chiến thắng 2-0 trước Palestine mang đến khá nhiều hy vọng, nhưng hy vọng đó nhanh chóng bị nghi ngờ sau trận thua Trung Quốc. Tại Đại Liên, đội tuyển Việt Nam nhập cuộc tốt, cầm bóng tự tin và phần nào kiểm soát được thế trận trước một đối thủ mạnh hơn trên giấy tờ. Thế nhưng, các thông số chuyền bóng, kiểm soát bóng lại không đi cùng với việc tạo ra cơ hội, dứt điểm nguy hiểm. Trong hiệp 1, đội tuyển Việt Nam cầm bóng đến 65%, nhưng cơ hội tốt nhất mà đội bóng của HLV Troussier lại đến từ một tình huống phản công, khi Nguyễn Văn Toàn băng xuống khiến thủ môn Trung Quốc phải lao ra khỏi khung thành. Tương tự như vậy, đội tuyển Việt Nam vẫn cầm bóng 60% ở hiệp 2 nhưng thậm chí dứt điểm ít hơn và không tạo ra tình huống nào rõ nét. Bóng chủ yếu lăn ở giữa sân và gần như không thể xâm nhập vào vòng cấm của đối thủ. Đó là hình ảnh quen thuộc của các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier. Tất nhiên, 6 tháng là khoảng thời gian quá ngắn để thay đổi hoàn toàn triết lý của một nền bóng đá. Về mặt nào đó, HLV Troussier đang thành công khi giúp các cầu thủ Việt Nam cầm bóng tự tin hơn, dám chuyền bóng và tấn công ngay cả trước các đối thủ mạnh hơn. Thế nhưng, không đội tuyển nào có thể giành chiến thắng chỉ dựa vào việc cầm bóng nhiều hơn. Trên thế giới, có rất nhiều tấm gương ở cấp độ cao hơn mà đội tuyển Việt Nam cần nhìn lại, điển hình là đội tuyển Tây Ban Nha dưới thời HLV Luis Enrique.
Vừa đi, vừa dò đường
Triết lý bóng đá của HLV Troussier là điều cực kỳ mới mẻ với bóng đá Việt Nam. Trong phần lớn giai đoạn trước đây, tuyển Việt Nam không có lối đá nào thực sự rõ ràng. Đến thời HLV Park Hang-seo, chúng ta chuyển hẳn sang đá phòng ngự, phản công và gặt hái thành công lớn. Mặc dù vậy, đội tuyển Việt Nam cũng đi đến giới hạn cao nhất cùng HLV Park Hang-seo. Nếu tiếp tục triển khai lối chơi đó, đội bóng áo đỏ không có khả năng phá bỏ giới hạn để tiến lên đẳng cấp cao hơn. Bằng chứng là các thất bại liên tiếp ngay tại AFF Cup, đấu trường mà tưởng như thầy trò HLV Park Hang-seo đã thống trị.
Để theo đuổi triết lý của HLV Troussier, bóng đá Việt Nam cần rất nhiều thời gian. Cần nhớ rằng đây là cấp độ đội tuyển, HLV Troussier không thể chiêu mộ các cầu thủ phù hợp với triết lý của mình ngay lập tức như ở cấp độ CLB. Thay vào đó, ông buộc phải thử nghiệm liên tục và "đãi cát tìm vàng".
Chính vì vậy, người hâm mộ cần chấp nhận các màn trình diễn như vừa qua và tiếp tục chờ đợi. HLV Troussier cũng nhìn thấy vấn đề "đầu ra" của tuyển Việt Nam khá sớm và có rất nhiều điều chỉnh chiến thuật nhằm tìm kiếm giải pháp tốt nhất.
Trong trận thắng Palestine và trận thua Trung Quốc, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức đều được HLV Troussier đẩy lên cao nhất trên hàng công, thi đấu như tiền vệ cắm thực thụ. Trước Palestine, ngôi sao của Viettel "mất hút" ở vị trí này, nhưng lập tức tỏa sáng, kiến tạo cho Nguyễn Công Phượng ghi bàn khi được lùi sâu. Trước Trung Quốc, Hoàng Đức chơi tốt hơn và tạo ra liên kết rõ ràng hơn với 2 tiền đạo cánh là Phạm Tuấn Hải và Nguyễn Văn Toàn.
Màn ra mắt tệ hại của Nguyễn Tiến Linh là bằng chứng thuyết phục nhất lý giải tại sao HLV Troussier phải thử nghiệm Hoàng Đức ở vị trí tiền đạo. Đẳng cấp chơi bóng rất cao của Hoàng Đức giúp anh có thể thích nghi với vị trí này và mang đến nhiều giải pháp hơn cho hàng công khi thi đấu rộng. Sẽ không có gì bất ngờ nếu HLV Troussier giữ nguyên thử nghiệm này trước đội tuyển Hàn Quốc trước khi đưa ra một phương án khác.
Đừng quên, tất cả chỉ mới bắt đầu và mục tiêu lớn nhất của HLV Troussier trong giai đoạn này không phải SEA Games hay các trận giao hữu vừa qua. Hãy cùng chờ xem đội tuyển Việt Nam trình diễn bộ mặt nào khi vòng loại World Cup 2026 giai đoạn 2 khu vực châu Á bắt đầu vào tháng 11 tới. Khi đó, dấu ấn của HLV người Pháp sẽ được đánh giá chính xác hơn.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải khuyên HLV Troussier thay đổi chiến thuật
Chia sẻ với giới truyền thông, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải cho rằng tố chất của cầu thủ Việt Nam khó đáp ứng yêu cầu chơi kiểm soát và khuyên HLV Troussier nên thay đổi chiến thuật, quay về với lối đá phòng ngự - phản công thời Park Hang-seo.
Cựu danh thủ Thể Công nhấn mạnh: "Ở trận thua Trung Quốc vừa qua, đội tuyển Việt Nam cầm bóng nhiều hơn hẳn nhưng vẫn thua 0-2. Theo tôi, đó là kết quả bóc trần một số vấn đề. Tuyển Việt Nam chỉ kiểm soát bóng ở sân nhà, hoặc cùng lắm 2/3 sân và không thể áp sát vào khung thành của đối thủ".
"Tôi cho rằng HLV Troussier chưa tận dụng triệt để tài năng của các cầu thủ Việt Nam. Trong 2 trận đấu tới, tuyển Việt Nam cần thay đổi chiến thuật, đá phòng ngự - phản công như thời HLV Park Hang-seo nếu muốn có kết quả tốt. Nếu tiếp tục đá kiểm soát, tuyển Việt Nam sẽ thua và có thể thua đậm".