HLV Park Hang-seo và bài học của… Toshiya Miura

07:59 31/10/2021

Chứng kiến U23 Việt Nam chật vật đánh bại Đài Bắc Trung Hoa ở vòng loại U23 châu Á 2022, NHM  có lẽ đang thấy hình ảnh của ông Toshiya Miura ngày nào nơi người kế nhiệm Park Hang-seo. Họ là những nhà cầm quân có tên tuổi nhưng lại không thể hiện được năng lực khi thiếu đi các gương mặt có thể gây đột biến.

Hồi ức Miura

Quãng thời gian 2 năm làm việc cùng bóng đá Việt Nam của HLV Toshiya Miura có thể được ví như sóng thủy triều: Lúc lên đỉnh bất ngờ rồi lại rút xuống giữa niềm hy vọng đã cạn kệt nơi người hâm mộ.

Ngày mới đến nhậm chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, Miura cũng bị nhiều người ngó lơ giống HLV Park Hang-seo. Không ai để ý đến chuyển động của đội tuyển quốc gia, cho đến khi Miura cùng U23 Việt Nam tạo ra cơn địa chấn ở ASIAD 2014.

HLV Park Hang-seo cũng “hết phép” như người tiền nhiệm khi không có cầu thủ tốt trong tay.

"Không có hy vọng nào" là suy nghĩ chung của người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi biết đội U23 được xếp vào một bảng đấu có Kyrgyzstan và Iran ở ASIAD 2014. Nhưng dưới sự dẫn dắt của Miura, U23 Việt Nam không chỉ thắng mà còn thắng đậm đối thủ Iran với tỷ số 4-1. Trận thua đó sau này khiến nhà cầm quân kỳ cựu người Bồ Đào Nha Nelo Vingada bị Liên đoàn Bóng đá Iran sa thải không thương tiếc, còn Miura bỗng chốc trở thành hiện tượng của bóng đá châu Á.

Đáng tiếc là sau kỳ tích ASIAD ấy, HLV Miura không thể hiện được nhiều trên cương vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Chúng ta bị loại ở vòng bán kết AFF Cup, nơi hàng thủ liên tiếp mắc những sai lầm khó hiểu ngay trên sân Mỹ Đình và để thua Malaysia với tỷ số 1-4. Đến SEA Games 2015, lứa cầu thủ gồm có Hồng Quân, Công Phượng cũng bị loại ở bán kết. Việc bị loại sớm ở U23 châu Á 2016 trở thành giọt nước tràn ly khiến ông mất việc.

Dấu ấn xuyên suốt thời gian đó là Miura dường như không có "bài tủ" khi phải gặp những đội bóng dưới cơ. Là một HLV thiên về lối đá phòng ngự phản công, Miura thích sử dụng những cầu thủ cơ bắp nơi tuyến giữa, tốc độ nơi 2 bên cánh. Chiến thuật đó vận hành rất tốt ở ASIAD, nhưng không còn hiệu nghiệm ở AFF Cup và SEA Games. Nguyên nhân hồi đó quy về trách nhiệm nơi Miura, nói ông bị bắt bài, nhưng sự thực có phải như vậy không?

Miura dường như chịu tiếng oan và khá nhiều chuyện hiểu nhầm trong thời gian ông làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Bài phỏng vấn được ông thực hiện trong thời gian đưa đội sang Nhật Bản tập huấn, nói cầu thủ Việt Nam "không có ý thức phòng ngự" và "V.League là giải đấu kinh khủng" trở thành đề tài bị chỉ trích ngay sau AFF Cup. Đến những giải đấu quan trọng, ông lại phải tiếp quản một đội hình đang trong giai đoạn chuyển giao chứ chưa thực sự chín.

Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh chỉ là những cậu bé tuổi mười chín đôi mươi dưới thời Miura. Tài năng của họ là điều không thể phủ nhận, nhưng những cầu thủ này còn thiếu kinh nghiệm thực chiến trong mắt chiến lược gia Nhật Bản. Thực tế là những HLV trước và sau thời Miura nắm quyền cũng không thể làm khá hơn thành tích của ông. Phải đến khi lứa cầu thủ từng tham dự U20 World Cup thực sự cứng cáp, bóng đá Việt Nam mới cất cánh.

Nỗi khổ của HLV Park Hang-seo

"Xin đừng so sánh lứa cầu thủ hiện tại với những người từng thi đấu ở vòng chung kết U23 châu Á 2018", HLV Park Hang-seo đã nói như thế khi được hỏi về khác biệt giữa 2 thế hệ. Trên thực tế, lứa cầu thủ gồm có Văn Toản, Thanh Bình, Hai Long... mới là những người được quy hoạch cho kế hoạch vươn ra World Cup của bóng đá Việt Nam, nhưng những gì họ thể hiện dường như chưa xứng tầm với tham vọng ấy.

Chính thầy Park sau trận thắng Đài Bắc Trung Hoa cũng nói ông rất thất vọng với màn trình diễn của U23 Việt Nam. Trong hiệp 1, chúng ta cầm bóng vượt trội so với đối phương nhưng gần như không tung ra được cú dứt điểm nào. Bước sang hiệp 2, phải đến khi Việt Nam vào sân, thế trận của U23 Việt Nam mới thực sự khởi sắc, nhưng bàn thắng duy nhất của Văn Xuân không đủ làm hài lòng những ai vốn nghĩ U23 Việt Nam sẽ thắng đậm đối phương.

Sẽ không lạ nếu như HLV Park Hang-seo phải đón nhận chỉ trích sau vòng loại U23 châu Á, giống như những gì ông từng nhận ở vòng loại World Cup vừa qua. Tương tự Miura trong quá khứ, thầy Park đang phải nhận lỗi từ một hệ thống mà ông chỉ là người tiếp nhận thành quả, và phải lãnh nhiệm vụ tay không bột gột nên hồ. Thật khó trách cứ HLV Park Hang-seo khi U23 Việt Nam lần này chỉ là những cầu thủ lạ lẫm với cả người hâm mộ.

Đội trưởng Nguyễn Văn Tới là ai, đang đá cho CLB nào? Văn Xuân, Văn Đô thi đấu ở vị trí nào, thuận chân nào? Rất khó trả lời những câu hỏi này, bởi họ còn chưa được thi đấu thường xuyên ở V.League. Ngoài một số cá nhân như Văn Toản, Hai Long, Thanh Bình, U23 Việt Nam giờ không có gương mặt nào thực sự nổi trội như lứa đàn anh Quang Hải, Công Phượng trước kia. Nói cách khác, HLV Park Hang-seo không có át chủ bài nào gây đột biến cho U23 Việt Nam lúc này cả.

Thay vì bàn luận về thành công và thất bại trong chiến thuật của HLV Park Hang-seo, sẽ công bằng hơn khi chúng ta nhìn vào những con người ông đang có trong tay. Bóng đá Việt Nam, suy cho cùng, vẫn chỉ là một mảnh đất cằn cỗi thiếu vắng tài năng. Rất khó để tìm thấy một Quang Hải, Công Phượng thứ hai với một nền bóng đá chưa có hệ thống đào tạo trẻ bài bản, nơi những giải đấu vẫn còn tổ chức rất hạn chế cho các tài năng thể hiện mình.

Không đá chính ở V.League, sao lên được tuyển quốc gia?

Lứa cầu thủ U23 Việt Nam từng làm nên kỳ tích Thường Châu 2018 có thể còn ít tuổi ở thời điểm đó, nhưng sự thực là họ đã cày ải rất nhiều ở cấp độ V.League cũng như đội tuyển quốc gia trong thời gian dài. Văn Thanh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn đã lên tuyển Việt Nam từ giai đoạn 2015/16 và có suất thi đấu chính thức. Quang Hải, Đình Trọng, Tiến Dũng cũng là trụ cột ở CLB họ khoác áo, còn Duy Mạnh thậm chí đã đá chính ở đội tuyển Việt Nam từ thời HLV Miura.

Việc sớm có cơ hội trải nghiệm ở môi trường bóng đá đỉnh cao là nguyên nhân giúp U23 Việt Nam hồi năm 2018 có thành tích thi đấu rất ấn tượng. Sau này, 16/23 cầu thủ góp mặt ở đội hình năm ấy tiếp tục lên tuyển và mở ra giai đoạn thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Điều đó không còn đúng với U23 Việt Nam thời điểm hiện tại nữa. Văn Toản, Việt Anh, Thanh Bình, Hai Long, Xuân Quyết là những cầu thủ hiếm hoi đá chính thường xuyên tại V.League, và họ cũng chưa phải trụ cột ở đội tuyển quốc gia.

Đơn Ca

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文