Không Ánh Viên, bơi Việt Nam có gì?
Cho đến hết ngày 18/5, dù các nội dung bơi lội tại SEA Games 31 chưa khép lại, đội tuyển bơi Việt Nam vẫn sớm vượt mục tiêu đặt ra. Không còn một Ánh Viên “gánh” từ 6-7 huy chương Vàng trở lên như mỗi kỳ Đại hội trước đó nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm, Huy Hoàng, Kim Sơn, Thanh Bảo… cùng các đồng đội đã và đang giúp bơi Việt Nam lần đầu tiên đứng nhất toàn đoàn tại SEA Games, sau 3 kỳ liên tiếp trước đó chỉ về nhì.
Tạm nguôi ngoai nỗi nhớ Ánh Viên
“Sau Ánh Viên, bơi Việt Nam không còn một vận động viên nào đủ khả năng cày ải 4-6 HCV ở một kỳ SEA Games cả”, ông Đinh Việt Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước đã thẳng thắn chia sẻ như vậy, khi Ánh Viên xin phép rút lui không tham dự SEA Games 31 được tổ chức ngay ở Việt Nam. Nhận xét đó là sự thật không phải bàn cãi. Bởi 10 năm qua, Ánh Viên luôn là niềm hy vọng lớn nhất có thể liên tục giành Vàng trong mỗi kỳ Đại hội.
Cụ thể, trong 4 kỳ SEA Game tham dự, Ánh Viên đã giành tổng cộng 25 huy chương Vàng, đóng góp 3/4 tổng số huy chương Vàng mà đội tuyển bơi Việt Nam có được ở 4 kỳ Đại hội đó (bao gồm các năm: 2013, 2015, 2017, 2019). Ngay cả khi không có phong độ cao nhất ở SEA Games 30 diễn ra cách đây 3 năm tại Philippines, Ánh Viên vẫn đoạt 6 huy chương Vàng, qua đó trở thành Vận động viên xuất sắc nhất Việt Nam tại Đại hội khi đó.
Thực tế, cho đến thời điểm này tại SEA Games 31, vẫn chưa có một vận động viên bơi lội Việt Nam nào có thể thay trọng trách Ánh Viên để “gánh” Vàng như thế. Tính đến hết ngày thi đấu 18/5, Trần Hưng Nguyên - vận động viên bơi lội Việt Nam thành công nhất mới chỉ có 3 huy chương Vàng. Dẫu sao, sự đồng đều về mặt cá nhân đến đoàn kết trong tính tập thể vẫn đang giúp bơi Việt Nam tạm nguôi ngoai nỗi nhớ, hay chính xác hơn là sự phụ thuộc vào tài năng của Ánh Viên.
Điển hình có thể kể đến là ngoài Hưng Nguyên có 3 huy chương Vàng thì Huy Hoàng và Thanh Bảo cũng ẵm cho riêng mình 2 huy chương Vàng nữa. Đấy là chưa kể ở các nội dung đồng đội 4x100m tiếp sức tự do và 4x200m tiếp sức tự do, bơi Việt Nam cũng xuất sắc đánh bại Malaysia và Singapore để giành thêm 2 huy chương Vàng. Cho đến hiện tại, bơi Việt Nam đã có tổng cộng 9 huy chương Vàng, qua đó vượt mốc chỉ tiêu 6-8 huy chương Vàng đặt ra trước SEA Games 31.
Hy vọng lần đầu tiên đứng nhất toàn đoàn!
Một lần nữa, xin được nhấn mạnh đội tuyển bơi Việt Nam đã đoạt 9 huy chương Vàng tại SEA Games 31. Con số ấy càng trở nên ý nghĩa hơn khi bơi Việt Nam đang hơn Singapore tới 2 huy chương Vàng, khi ngày thi đấu bơi lội chỉ còn diễn ra đúng 1 ngày nữa (19/5)! Căn cứ vào lịch thi đấu, 3 nội dung tranh tài cuối cùng của bơi lội bao gồm 50m tự do, 800m tự do và 200m bơi bướm. Trong các nội dung này, Huy Hoàng với sở trường bơi đường dài hoàn toàn có thể đoạt huy chương Vàng ở nội dung 800m tự do nam. Trong khi đó, 2 nội dung bơi quãng ngắn còn lại được xem là thế mạnh của Singapore. Dựa theo lý thuyết, đội tuyển bơi Việt Nam có thể khép lại SEA Games 31 với 10 huy chương Vàng, hơn Singapore 1 huy chương Vàng chung cuộc.
Nếu điều đó diễn ra theo đúng tính toán, đội tuyển bơi Việt Nam sẽ kết thúc với vị trí nhất toàn đoàn. Nên nhớ, ở 3 kỳ SEA Games gần nhất, đội tuyển bơi Việt Nam luôn chỉ về nhì, ngay cả khi trong đội hình khi đó có sự hiện diện của Ánh Viên, nữ hoàng bơi lội thống trị nhiều nội dung nữ. Tại giai đoạn đó, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Singapore được xem là quá mạnh, thậm chí là mạnh một cách toàn diện so với Việt Nam.
Tuy nhiên ở SEA Games 31, trong bối cảnh đội tuyển bơi Việt Nam có một sự dàn trải đồng đều, không còn bị phụ thuộc đến từ một cá nhân như Ánh Viên, cộng thêm sự sa sút đến từ Malaysia và Singapore, những Huy Hoàng, Kim Sơn, Thanh Bảo, Quý Phước, Hưng Nguyên đã và đang giúp bơi Việt Nam rạng danh ngay tại SEA Games được tổ chức trên sân nhà.
Song song với những huy chương Vàng, đội tuyển bơi Việt Nam cũng đã tạo nên 2 cột mốc giá trị về thành tích SEA Games. Cụ thể, ở nội dung 4x200m tự do nam, Việt Nam đã về đích với với thành tích 7 phút 16 giây 31. Kết quả này giúp cho Nguyễn Hữu Kim Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước và Trần Hưng Nguyên đã xô đổ kỷ lục cũ 7 phút 17 giây 88 để lập kỷ lục SEA Games 31.
Ngoài ra, liên quan đến nội dung cá nhân, Phạm Thanh Bảo cũng đã phá kỷ lục 100 mét bơi ếch. Đáng chú ý nhất, kình ngư 19 tuổi Trần Hưng Nguyên thành VĐV Việt Nam đầu tiên phá kỷ lục 400m hỗn hợp cá nhân nam hai kỳ SEA Games liên tiếp. Cụ thể, Hưng Nguyên đã cán đích đầu tiên sau 4 phút 18 giây 10. Đây là lần thứ hai liên tiếp kình ngư Quảng Bình phá kỷ lục Đại hội ở nội dung này. Tháng 12/2019 tại Philippines, Hưng Nguyên về nhất với thời gian 4 phút 20 giây 65 và lập kỷ lục mới ở Đại hội ở tuổi 16. Anh là kình ngư nam thứ hai của Việt Nam lập kỷ lục trong hai kỳ liên tiếp tính ở mọi nội dung, sau đồng hương Nguyễn Huy Hoàng. Huy Hoàng từng hai lần liền lập kỷ lục 1.500m tự do tại SEA Games 2017 và 2019.
Vì sao Huy Hoàng về nhất 1.500m tự do?
Huy Hoàng lần thứ ba liên tiếp về nhất chung kết 1.500m tự do nam ở SEA Games, với thời gian 15 phút 0 giây 75. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Huy Hoàng thường xuyên tăng tốc ở 2 chặng cuối cùng. Nhưng Huy Hoàng cũng có điểm yếu là thời gian phản xạ.
Theo báo giới, tính từ khi hiệu lệnh xuất phát vàng lên đến khi hai chân VĐV rời khỏi bục, thời gian này của Huy Hoàng là 0,70 giây, chậm nhất trong 6 người dự chung kết tại nội dung này ở SEA Games 31. Nhưng nhờ sự bền bỉ và khả năng tăng tốc ở 2 chặng cuối, Huy Hoàng vẫn về nhất và thống trị nội dung này ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp.