Những mẩu chuyện về đoàn Việt Nam tại Olympic Paris
Bên cạnh những trận đấu, bảng thành tích hay một tấm huy chương bị bỏ lỡ, đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris còn mang lại những kỷ niệm đẹp, cùng những hình ảnh để cho ta thấy, Olympic không đồng nghĩa với khung cảnh long lanh, trang trọng khi thi đấu nơi xứ người.
Tế nhị chuyện ăn, ngủ, nghỉ
Ngay trước thời điểm lễ khai mạc Olympic Paris diễn ra, nhiều VĐV đã lên tiếng về chất lượng ăn, ngủ, nghỉ tại làng vận động viên. Theo chia sẻ của họ, thực phẩm tại bếp ăn chung không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhà bếp phục vụ quá ít thịt và trứng, khiến nhiều người phải chấp nhận ăn rau trừ bữa. Đồ ăn cũng không tươi như ảnh chụp của Ban tổ chức.
Bên cạnh chuyện ăn uống, chất lượng của khu vực lưu trú cũng là vấn đề đáng bàn. Phòng ngủ của nhiều VĐV không có điều hòa nhiệt độ. Ban tổ chức chỉ đáp ứng số lượng phòng có điều hòa trong giới hạn, nhằm hướng đến mục tiêu "giảm phát tải khí nhà kính". Điều này cũng có nghĩa, nhiều VĐV phải chấp nhận sống trong cảnh nóng nực của mùa hè.
Câu chuyện này tưởng như chỉ có những VĐV quốc tế lên tiếng, nay cũng được VĐV Việt Nam lên tiếng xác nhận. Tuy vậy, họ không muốn phàn nàn trên mạng xã hội quá nhiều. Bởi, các VĐV Việt Nam hiểu mình chưa có thành tích tốt ở tầm thế giới, nên việc đưa ra nhận xét về chất lượng phục vụ của Làng Olympic sẽ không "tương xứng".
Người hiếm hoi của đoàn Việt Nam công khai than phiền về chất lượng của Làng VĐV Olympic là tay vợt Nguyễn Thùy Linh. Theo chia sẻ của tay vợt nữ số 1 Việt Nam, nhiệt độ của khu lưu trú vào buổi trưa có thể lến tới 34-35 độ C. VĐV buộc phải bật điều hòa để làm mát vào lúc ấy, nhưng phòng của Thùy Linh và người ở cùng lại không có điều hòa.
Thay vì ở trong phòng, Thùy Linh tìm cách làm mát bằng việc mua đồ uống lạnh. Tuy nhiên, Ban tổ chức lại phân bổ số lượng quầy phục vụ đồ uống khá thưa thớt. Thùy Linh phải đi bộ gần 1km giữa trời nắng gắt mới có thể tìm được quầy phục vụ đồ uống hiếm hoi. Nhưng đến nơi, cô mới biết mình chỉ mua được đồ uống thường, không có đá ướp lạnh.
Chất lượng phục vụ của Ban tổ chức Olympic Paris trong thời gian qua, đặc biệt là ở Làng VĐV Olympic, hóa ra không tiện nghi như nhiều người vẫn tưởng. Trái với một kỳ Thế vận hội được quảng cáo bằng nhiều mỹ từ tại Kinh đô Ánh sáng, Olympic Paris hóa ra lại đáng quên. Điều này hoàn toàn trái ngược ở những giải đấu tổ chức tại châu Á.
Một VĐV (xin giấu tên) cho biết, trong số những đại hội thể thao lớn người này từng tham dự, chất lượng ăn ở tốt nhất thuộc về Olympic Tokyo và Á vận hội Hàng Châu. Tại đây, VĐV được phục vụ những bữa ăn đầy đủ, phù hợp với từng vùng miền, không có tình trạng thiếu đồ ăn.
Phòng của VĐV ở Olympic Tokyo và Á vận hội Hàng Châu cũng có chất lượng hoàn toàn khác Olympic Paris. Mỗi phòng đều có chuẩn bị sẵn điều hòa nhiệt độ, nhằm phục vụ VĐV mỗi khi họ có nhu cầu làm mát. Ngoài ra, BTC Á vận hội Hàng Châu còn "ghi điểm" khi chuẩn bị sẵn máy giặt riêng cho mỗi phòng, thay vì để máy giặt tại khu sinh hoạt chung.
Chỉ tiêu và huy chương
Cú đúp HCV và HCB Olympic Rio của Hoàng Xuân Vinh đã mang lại dấu mốc lịch sử cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Thế vận hội. Nhưng kể từ đó, các VĐV Việt Nam lên đường dự Olympic đều mang trên mình một gánh nặng vô hình. Làm thế nào để họ giành được một tấm huy chương, giữa vô vàn VĐV quốc tế nhanh hơn, mạnh hơn, giỏi hơn mình?
Tại Olympic Tokyo, đoàn thể thao Việt Nam lên đường tham dự trong bầu không khí nặng nề. Áp lực càng dồn lên cao hơn tại Paris 2024. Bởi, chỉ có những người trong cuộc hiểu rõ hơn ai hết, cơ hội giành huy chương của đoàn thể thao Việt Nam không cao. Điều đó được phản ánh qua thứ hạng của VĐV trước giải, cũng như thông số khi họ thi đấu.
Trịnh Thu Vinh là VĐV hiếm hoi đạt được kết quả tốt hơn thứ hạng quốc tế hiện tại của cô. Trong cả 2 nội dung 10m súng ngắn hơi nữ và 25m súng ngắn nữ, xạ thủ của đơn vị Công an Nhân dân đều lọt vào vòng chung kết. Ở 2 nội dung này, Thu Vinh đã đạt dấu mốc ấn tượng dù cô không nằm trong top 10 của bảng xếp hạng thế giới.
Tương tự nhiều môn thể thao khác, Liên đoàn Bắn súng Thế giới (ISSF) xếp hạng các VĐV dựa vào thành tích thi đấu của họ tại các giải quốc tế. VĐV thi đấu càng nhiều giải và đạt thành tích tốt, thứ hạng của họ sẽ càng cao. Do đó, thứ hạng quốc tế của các VĐV sẽ phản ánh chính xác nhất thực lực của họ so với những đồng nghiệp khác.
Trong câu chuyện của Trịnh Thu Vinh, việc cô lọt vào chung kết đã được xem là điều xuất thần. Không thể đặt nặng mục tiêu giành huy chương lên Thu Vinh, bởi việc lọt vào top 4, hay top 7 của Olympic đã vượt ngưỡng giới hạn của VĐV này. Trước đó, Thu Vinh chưa từng vô địch SEA Games và cũng không có thành tích tốt ở ASIAD vừa qua.
Thể thao Việt Nam không chỉ trông chờ vào một điểm sáng như Hoàng Xuân Vinh trước kia, cũng như Trịnh Thu Vinh bây giờ. Để mục tiêu giành huy chương Olympic trở thành sự thật, thể thao Việt Nam cần thực sự nghiêm túc với đích ngắm Olympic, tập trung phát triển các môn Olympic và đầu tư cho những VĐV thực sự có khả năng bước ra thế giới.
Vì sao Đông Nam Á chậm có huy chương tại Olympic Paris?
Ít ngày sau khi Olympic Paris chính thức khởi tranh, từng có ý kiến cho rằng những quốc gia Đông Nam Á cũng gặp khó khăn trong việc giành huy chương như Việt Nam. Điều này nhìn qua có vẻ đúng, nhưng lại không chính xác trong bối cảnh của các đội tuyển thể thao khu vực Đông Nam Á.
Về phía đoàn Thái Lan, họ chưa giành được huy chương Olympic Paris vì những môn thể thao chủ lực của quốc gia này chưa bắt đầu diễn ra. Tại Olympic Paris, Thái Lan kỳ vọng bảo vệ thành công tấm HCV môn Taekwondo. Họ cũng có thể giành thêm huy chương từ Cầu lông, Boxing và một số môn thể thao khác.
Trong câu chuyện của đoàn Indonesia, việc họ thất bại trong môn Cầu lông là điều được dự báo trước. Đến Olympic lần này, hy vọng giành huy chương của Indonesia đến từ môn Cử tạ. Singapore cũng có thể hướng đến 1 tấm HCV trong môn Đua thuyền buồm, một môn thể thao còn khá lạ lẫm với người hâm mộ đại chúng tại Việt Nam.