"Sóng ở đáy sông" đã lặng
Năm 2001, lúc tôi được nhà văn Lê Lựu cho về Đồ Sơn, Hải Phòng để ông chỉ dạy viết cùng ông kịch bản phim truyện “Những người trở về”, đề tài về chiến sĩ Cảnh sát trại giam.
(Tiễn biệt nhà văn Lê Lựu về cõi vĩnh hằng)
Một buổi sáng, nhà văn Bùi Hoàng Tám đi đâu ở Đồ Sơn ghé thăm Lê Lựu, ba anh em chúng tôi cùng đi ăn cháo. Lê Lựu trịnh trọng mặc áo sơ mi, thắt cavat, đội mũ mềm của quân đội, đi giày sĩ quan, cùng chúng tôi ra quán. Cao hứng khi nhấp một chén rượu trắng, nhà văn nói như tâm sự: “Tao sẽ viết, viết đến lúc nào gục mặt cùng ngòi bút xuống cánh đồng Khoái Châu là tao đi. Hai chú cứ nhớ thế. Sống mà không viết, chết đi cho nó xong...”.
Rồi ông cười khùng khục như chữa thẹn, hai chúng tôi cùng cười với nhà văn bậc đàn anh rất cao, coi như chuyện tếu táo. Thế mà hôm nay, ngày 9/11/2022, nhà văn Lê Lựu ra đi ở Khoái Châu quê hương ông, tôi mới hiểu ra rằng Lê Lựu không chỉ dự cảm mà quyết liệt sống - chết như một tuyên ngôn.
Rời quân đội với hàm Đại tá, ông lập ra Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam ở 319 Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội với triết lý “Doanh nhân mà không có văn hóa, thiên hạ nó chửi cho là con buôn”. Ông xa vợ và các con, xa ngôi nhà số 8 Lý Nam Đế mà ông thường nói mang ơn ăn lộc Quân đội cho mấy chục mét nhà ở phố Nhà binh.
Nhiều lần tôi và Trung tướng, nhà văn Hữu Ước tới thăm ông, ông sai nhân viên đi chợ ngay cạnh trụ sở, vo gạo ngon, nấu cơm, đãi hai anh em. Lại bảo nhân viên mua cá diếc về kho khế vì cá này tự nhiên không ai nuôi được, ăn cả xương, ngon tuyệt. Giữa bữa, ông nhấp tý rượu bảo: “Nói thật với hai chú, tôi ở tạm trụ sở để làm cái văn hóa, đi xin tiền làm Tạp chí Văn hóa doanh nhân cũng nhục lắm. Nhưng thấy hay, đúng là làm. Làm đến lúc nào gần chết thì về Khoái Châu ”. Rồi ông cười nheo mắt như năm nào ở Hải Phòng.
Cả hai lần tuyên ngôn ấy, bây giờ anh Lê Lựu ơi, anh về với lòng đất Khoái Châu thật rồi. Như một tiền định, như một lời giao ước với đồng đất Khoái Châu, Hưng Yên quê anh.
Tác phẩm của Lê Lựu thì nhiều lắm, tôi đọc "Thời Xa vắng" nhưng tôi cảm động nhất là tiểu thuyết “Mở rừng”. Vì sao vậy? Vì ông kể với tôi rằng, ông viết tiểu thuyết này ở đường Trường Sơn. Ông viết ở Quảng Bình vào ban đêm, thắp đèn dầu mà viết, mắc màn mà viết.
Vì muỗi nhiều đến mức trời nóng bức mà hai chân phải đi đôi tất vải, không thì nó đốt bằng chết. Sáng ra mặt mũi ám khói đen như ma trơi khiến chủ nhà phát hoảng. Ông “cho” nhân vật là chiến sĩ trẻ chết theo tiểu thuyết, nhưng ông thương nhân vật đến mức khóc hu hu, chủ nhà hỏi làm sao, ông bảo “nó chết rồi”, nước mắt càng giàn giụa.
Chủ nhà hỏi, ai chết? Ở đây hay ở quê? Ông chỉ vào trang viết chữ viết nguệch ngoạc to tổ bố “Nó đây!”, tức nhân vật. Chủ nhà lùi ra vừa đi vừa quệt nước mắt, không biết thương nhà văn hay thương nhân vật của nhà văn. Và ông có “Mở rừng”, cuốn tiểu thuyết theo tôi là hay nhất viết về thời chiến tranh cùng với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh tưởng như hai thái cực nhưng đều tôn vinh người lính, tôn vinh nhân dân và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Lê Lựu là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ cùng với nhà văn Ngụy Ngữ. Như thế phải chăng ông là người mở đường cho quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù Việt- Mỹ vào năm 1995. Sau một chuyến thăm Việt Nam năm trước khi bỏ cấm vận, Thượng nghị sỹ Mỹ Jonkery nhận ông làm anh em kết nghĩa và cưỡi ngựa đi sóng đôi trong trang trại của Jonkery ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Điều đó chứng tỏ người Mỹ đọc văn của một cựu chiến binh là ông, hiểu người ông, đánh giá cao ông vì những thông điệp mang tầm nhân loại. Khán, thính giả cả Mỹ và kiều bào ta ngồi nghe ông đọc thuộc lòng truyện ngắn “Người về đồng cói”, đọc cả một chương trong tiểu thuyết “Làng Cuội”, nghe say mê đến mức thè lưỡi xuýt xoa khen hay nức nở...
Đối với Báo Công an nhân dân, Lê Lựu chơi thân với nhiều đời Tổng Biên tập. Mà lạ thật, ai cũng quý ông, từ nhà văn Ngôn Vĩnh, nhà văn Hữu Ước, nhà báo Phạm Văn Miên, nhà thơ Phạm Khải đến các đồng chí Phó Tổng biên tập như Lưu Vinh, Đặng Đình Thành, Nguyễn Như Phong, Đặng Vương Hưng, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Hồng Thái...
Tập thể Báo CAND ai cũng như ai quý ông thật lòng vì ông đến Báo là mang theo một góc nhìn tài hoa hay đanh đá về văn chương, những câu chuyện tử tế, sự hài hước, thói quen hay tự trào “bôi lem” mình cho thật giống lão nông xấu xí. Uy tín văn chương của ông thì khỏi phải nói.
Vì thế lãnh đạo Bộ Công an đã mời ông tham gia Ban chung khảo giải "Cây bút vàng” lần đầu tiên (1996-1998) do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức, Báo An ninh thế giới làm thường trực, góp phần quan trọng chọn nên những tác phẩm danh giá của các nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng và tác giả Nguyễn Hồng Thái, làm nên thành công vang dội ngoài mong đợi của giải văn học này.
Có người nói trong văn chương Lê Lựu tài hoa đến lọc lõi, nanh nọc, đổi mới bao nhiêu thì ở ngoài đời ông cả tin, ngờ nghệch bấy nhiêu. Điều đó phần nào có lý. Ví như ông thành lập Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, ra mắt Tạp chí Văn hoá Doanh nhân để lo nâng cao văn hóa cho doanh nhân, doanh nghiệp, có thành công bước đầu là đã gióng lên một hồi chuông đánh thức sự quan tâm của mọi người.
Nhiều người thương ông, trọng ông, nể tài ông mà nhiệt thành ủng hộ nhưng việc lớn lao quá, mình nhà văn dẫu tài năng như ông gánh sao nổi sức nặng cuộc đời. Ông mơ tưởng và bán tất cả gia sản của mình để thành lập quỹ nhà văn Lê Lựu làm giải thưởng cho các tác phẩm văn học xuất sắc về nông nghiệp, nông thôn.
Vậy là thêm một ước mơ đẹp của một nhà văn cô đơn là thêm một gánh nặng nữa dần dần quật ngã ông khi tuổi già kéo đến. Nhiều năm ông cũng sinh sống, điều trị bệnh tại cơ quan, may nhờ các nhân viên tốt bụng chăm sóc, ông vẫn chưa thôi mơ ước sẽ khỏe lại và tiếp tục tái thiết sức mạnh của văn hoá. Nhiều lần nhà văn Hữu Ước cùng tôi thới thăm, ông nằm thiêm thiếp, nắm chặt tay chúng tôi rồi khóc. Ông nhiều nước mắt đúng nghĩa là một nhà văn có tấm lòng nhân ái.
Từ truyện ngắn đầu tay “Tết ở làng Mụa” in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1963, sáng tạo, chiến đấu và cống hiến cho Quân đội và đất nước suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến những năm đất nước gian lao, khó khăn nhất thời hoà bình, có thể nói nhà văn chiến sĩ Lê Lựu đã để lại nhiều tác phẩm văn học xuất sắc nổi tiếng, được bạn đọc trong và ngoài nước đón đợi, ghi nhận.
Chỉ cần nhắc tới "Người về đồng cói", "Mở rừng", "Thời xa vắng", "Làng Cuội", "Đại tá không biết đùa", "Sóng ở đáy sông", "Hai nhà"... đủ thấy sức sáng tạo của ông vạm vỡ như thế nào. Và cũng đủ thấy người lính Lê Lựu, người nông dân Lê Lựu, công dân Lê Lựu đã vắt kiệt mình như thế nào để cống hiến cho đời những trang văn đầy ánh sáng.
Ông được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội quý mến bởi tài văn và cá tính vô tư, chân thành, hồn nhiên của một lão nông điển hình. Nhưng theo tôi, phải chăng Lê Lựu là một “sứ giả văn hoá” của người nông dân Bắc Bộ thời nay.
Bạn đọc sẽ còn mãi cảm ơn ông đã giúp họ sống thẳm sâu cùng những trang văn đẹp đẽ của một thế giới nhân văn do ông dẫn dụ. Chỉ nghĩ đến điều đó, hẳn sóng trong lòng ông sẽ lặng chảy bình yên miền tiên cảnh.