Vật cầu Thuý Lĩnh: Sống lại tinh thần thượng võ
Diễn ra trong ba ngày (mùng 4, 5 và 6 tháng Giêng) hàng năm, hội vật cầu làng Thuý Lĩnh (Hoàng Mai, Hà Nội) là một nét văn hoá truyền thống đặc trưng của người dân Kinh kỳ tưởng nhớ tới công lao của Linh Lang Đại vương và thể hiện truyền thống thượng võ.
Hội vật cầu làng Thúy Lĩnh có từ thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), gắn với huyền tích về thái tử Linh Lang, con trai thứ tư của vua Lý Thánh Tông. Tương truyền, ông thường tổ chức hội vật cầu để quân sĩ vui chơi dịp Tết đến xuân về và rèn luyện sức khỏe.
Hội vật được tổ chức tại đình Thuý Lĩnh; đây là nơi thờ Linh Lang Đại Vương, tên thật là hoàng tử Lý Hoàng Chân, thân mẫu là Hạo Nương cung phi thứ 9 của vua Lý Thánh Tông. Hoàng tử Lý Hoàng Chân đã có công tham gia xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt chống quân xâm lược Tống dưới cờ chỉ huy của Thái úy Lý Thường Kiệt. Do có công với nước, hoàng tử Lý Hoàng Chân được phong thánh hiệu Linh Lang Đại vương Thượng đẳng Phúc thần. Khi ngài hóa thân, nhân dân Thúy Lĩnh tôn làm Thành hoàng.
Vật cầu là môn thể thao rèn luyện trí lực nên có đầy đủ nội dung phù hợp với các lứa tuổi khác nhau, từ thiếu nhi cho đến các cụ cao tuổi trong làng. Tuy nhiên, trai tráng vẫn chiếm phần nhiều, các phần thi của họ bao giờ cũng được quan tâm đặc biệt. Tham gia vật cầu có bốn đội canh bốn hố. Cầu được làm bằng gỗ mít tiện tròn.
Sau khi có hiệu lệnh của trọng tài, bốn đội cùng trổ tài cướp cầu mang về hố của mình. Mỗi một lần mang được cầu về hố sẽ nhận được một giải con, ba lần liên tiếp có giải con là được giải cái (cầu không được ra đường biên, không bị đội bạn mang về hố khác). Theo lệ xưa, đội chiến thắng trong trận cầu không chỉ được tôn vinh, mà còn được người làng chúc phúc cho cả năm được may mắn và hạnh phúc.
Sân vật cầu được đào sẵn 5 hố, 1 hố ở giữa để đặt cầu khi vào trận đấu, 4 hố ở 4 góc tương ứng với 4 đội. Cứ 2 người một đội đưa cầu vào hố của đội mình 3 lần liên tiếp thì chiến thắng. Trang phục thi đấu là quần trắng và đai màu, cùng một đội thì có đai màu giống nhau Cầu thường được làm bằng gỗ mít tròn có cân nặng khoảng hơn 25 kg.
Đây là môn thể thao rèn luyện cả trí lực lẫn thể lực rất rõ ràng vì mỗi đội không những cần sức mạnh sức bền mà còn cần chiến thuật và sự hợp tác của đồng đội mình để giành chiến thắng cuối cùng.