Truy tố 50 bị can vụ FLC: “Làm xiếc” với giá cổ phiếu

11:22 15/04/2024

Từ một công ty có vốn điều lệ 1,5 tỉ, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo thuộc cấp phù phép để doanh nghiệp lớn nhanh như thổi, lọt vào danh sách những công ty nghìn tỉ với vốn điều lệ lên 4.300 tỉ đồng.

Trịnh Văn Quyết còn lập ra công ty chứng khoán, để dùng các chiêu trò thao túng giá cổ phiếu thuộc họ FLC. Hàng ngày, dưới sự chỉ đạo của Quyết, các mã cổ phiếu tăng hay giảm, xanh hay đỏ phụ thuộc vào tâm trạng và ý chí của Quyết. Với chiêu trò phù phép thổi vốn công ty và “làm xiếc” với giá cổ phiếu, Trịnh Văn Quyết hưởng lợi gần 4.000 tỉ đồng.

Những chữ ký khống giúp doanh nghiệp “lớn nhanh như thổi”

VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Theo cáo trạng của VKSND tối cao, tháng 8/2012 cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo thuộc cấp cùng đứng tên mua lại Công ty CP giải trí GreenBelt với giá 1,5 tỉ đồng. Ông Quyết nhờ người đứng tên góp vốn vào công ty này và sau đó hai lần làm thủ tục đổi tên thành Công ty CP xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà rồi thành Công ty CP xây dựng FLC Faros. Trong những năm đầu, công ty này của ông Quyết gần như không hoạt động, vốn điều lệ cũng không thay đổi, giữ nguyên mức 1,5 tỉ đồng.

Cơ quan Công an thực hiện các thủ tục tố tụng của vụ án.

Sau đó, Trịnh Văn Quyết giao cho Công ty Faros làm đơn vị tổng thầu các dự án do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Để tạo nguồn tiền trong quá trình hoạt động, trong khi Công ty Faros không có nguồn vốn và tài sản để đảm bảo, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các thành viên trong Tập đoàn thực hiện các thủ tục nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros.

Tổng cộng, FLC Faros đã 5 lần tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng. Cả 5 lần tăng vốn, các bị can đều sử dụng một phương thức, dùng lãnh đạo công ty hoặc các cá nhân là nhân viên trong tập đoàn FLC ký những chữ ký khống trên các giấy ủy nhiệm chi, giấy nộp tiền để Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết, là kế toán của FLC) tự ý điền số lượng tiền giao dịch, chuyển, rút lòng vòng nhiều lần, nhằm tạo ra dòng tiền chạy vào Faros, thực tế đây đều là dòng tiền ảo, khống. Cụ thể, nhận lệnh trực tiếp từ ông Quyết, Doãn Văn Phương (hiện đang bỏ trốn) là Tổng giám đốc tập đoàn FLC và Trịnh Thị Minh Huế làm mọi cách tạo ra dòng tiền để Faros lớn nhanh như thổi, từ công ty có vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng, vụt lớn thành doanh nghiệp nghìn tỉ.

4 cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh bị truy tố gồm: ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch HĐQT; Lê Hải Trà, nguyên Tổng giám đốc, cựu ủy viên HĐQT, thành viên độc lập hội đồng niêm yết; Trầm Tuấn Vũ, nguyên Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết; Lê Thị Tuyết Hằng, nguyên Giám đốc Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết. Cả bốn người trên cùng bị cáo buộc có hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

3 cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị truy tố gồm: Lê Công Điền, nguyên Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Dương Văn Thanh, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Phạm Minh Trung, nguyên Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, Trịnh Thị Minh Huế là người soạn thảo Biên bản họp Hội đồng quản trị; Nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn và sử dụng vốn, Huế chuyển cho các thành viên HĐQT ký để hợp thức tài liệu. Huế tìm và nhờ các cá nhân ký chứng từ, đứng tên cổ đông, đứng tên trên giấy nộp tiền, rút tiền trắng. Sau đó, Huế trực tiếp điều khiển dòng tiền, nâng khống vốn góp bằng cách sử dụng thông tin của các cổ đông và một lượng tiền nhỏ, nộp vào, rút ra vào tài khoản Faros, quay vòng nhiều lần cho đến khi đủ số vốn góp theo chỉ đạo của Quyết. Vốn của FLC Faros "ảo" vì tiền góp vừa chuyển vào tài khoản ngân hàng đã vội rút ra qua nhiều hình thức như tạm ứng, trả trước, đầu tư, ủy thác đầu tư cho các cá nhân và tổ chức liên quan.

Sau khi các cổ đông đăng ký vốn khống và được hạch toán góp vốn vào Công ty, Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương chỉ đạo việc sử dụng số vốn góp khống này nhằm hợp thức hóa thành tài sản của Công ty Faros. Với thủ đoạn thông qua Huế thực hiện toàn bộ các thủ tục cho lãnh đạo Công ty Faros ký khống các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh cho các cá nhân, pháp nhân là người thân quen, nhân viên Tập đoàn FLC nhận ủy thác đầu tư của Công ty Faros để cân đối vốn góp khống.

Như vậy, Công ty Faros chỉ có số vốn thực góp là 1.197 tỉ đồng vốn điều lệ, bao gồm 1,5 tỉ đồng mua Công ty Green Belt; 29 tỉ đồng trả tiền cho nhà thầu lần tăng vốn thứ 2; 214 tỉ đồng thanh toán cho nhà thầu lần tăng vốn thứ 3; 400 tỉ đồng vốn góp cho Công ty RTS lần tăng vốn thứ 5 và 552 tỉ đồng thu hồi từ khoản ủy thác đầu tư để thanh toán cho các nhà thầu, thanh toán tiền hàng. Còn toàn bộ thủ tục, chứng từ góp vốn với tổng số tiền nâng khống là 3.102 tỉ đồng được thực hiện bằng các hợp đồng ủy thác đầu tư khống cho các tổ chức và cá nhân, nhằm mục đích tạo dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận giả để hạch toán chứng từ gian dối này vào sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và ghi nhận những thông tin này vào bản cáo bạch của Công ty Faros. Sau khi hoàn tất việc nâng vốn điều lệ của Công ty Faros lên 4.300 tỉ đồng, Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương tiếp tục bàn bạc việc niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trên sàn chứng khoán. Nhằm mục đích niêm yết 430 triệu cổ phiếu tương ứng với 4.300 tỉ đồng.

Bị can Trịnh Văn Quyết.

Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh nhưng ông Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý nhà nước đề nghị chấp thuận. Đến ngày 24-8-2016, mã cổ phiếu ROS được đưa lên sàn chứng khoán với số lượng 430 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng, tổng giá trị cổ phiếu theo mệnh giá 4.300 tỉ đồng, thu lợi bất chính 3.621 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong vụ án này có 26 bị can là lãnh đạo, cấp quản lý, nhân viên thuộc Tập đoàn FLC, Công ty Faros và người thân, người quen của Quyết, Huế. Khi ký khống vào các giấy tờ ủy nhiệm chi do Huế đưa, có nhiều bị can không ý thức được, từ những bản ký khống của mình, Huế đã chế biến ra dòng tiền khổng lồ để thổi phồng giá trị thực của Công ty Faros. Vướng vòng lao lý, trong lời khai của những bị can, có người là lãnh đạo cấp cao, có người là nhân viên, họ khai nhận việc mình ký các giấy tờ chạy dòng tiền khống lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỉ, nhưng thực chất họ không được hưởng lợi. Họ khai nhận, việc họ làm việc theo phận sự và chức trách mà mình được tuyển dụng để hưởng lương, nhưng cái giá họ phải trả thật chua xót.

Thao túng thị trường

Trịnh Văn Quyết là cổ đông sáng lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán BOS, ông Quyết chỉ đạo thuộc cấp cấp hạn mức sức mua (bằng hình thức cấp khống tiền) cho các tài khoản chứng khoán mở tại Công ty BOS để Quyết thao túng thị trường chứng khoán thu lợi bất chính.

Theo đó, ông Quyết chỉ đạo Huế liên hệ với 45 cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân ký giấy tờ, thủ tục để Huế thành lập 20 công ty và mở 500 tài khoản chứng khoán. Mục đích, Huế sẽ sử dụng các tài khoản này liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp nội nhóm (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu); mua bán khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa thị trường; đặt lệnh mua/ bán sau đó hủy lệnh... nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART thu lợi bất chính 723 tỉ đồng.

Những mã cổ phiếu một thời tăng - giảm theo ý chí của Trịnh Văn Quyết.

Để thao túng các mã cổ phiếu, vào đầu giờ giao dịch hàng ngày, ông Quyết chỉ đạo Huế, để Huế gọi điện, nhắn tin cho Trịnh Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc Công ty BOS) thông báo các số tài khoản thiếu tiền, cần được cấp hạn mức để đặt lệnh mua chứng khoán theo chỉ đạo của Quyết. Nga chỉ đạo lãnh đạo Phòng Dịch vụ chứng khoán cấp hạn mức mua khống cho các tài khoản theo chỉ đạo do Huế sử dụng. Theo đó, từ 2017- 2022, Nga đã thực hiện 1.568 lần cấp khống cho 79 tài khoản do Huế quản lý, sử dụng với tổng số tiền 170.598 tỉ để Huế  đặt mua 15.128 lệnh mua trên 2,8 triệu cổ phiếu của 5 mã chứng khoán AMD, HAI, GAB, FLC, ART với tổng giá trị 46.980 tỉ đồng, trong đó đã khớp mua gần 464 nghìn cổ phiếu với tổng giá trị trên 11.855 tỉ đồng, còn thiếu 11.606 tỉ đồng.

Để hợp thức hóa số tiền thiếu,các kế toán của Công ty BOS ký 300 ủy nhiệm chi với tổng số tiền 24.635 tỉ đồng trình lãnh đạo Công ty BOS ký chuyển tiền vào tài khoản của Công ty BOS  mở tại Ngân hàng, để Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam thanh toán bù trừ cho các tài khoản chứng khoán của các khách hàng giao dịch tại Công ty BOS.

Trong khoảng thời gian Nga cấp khống tiền cho các tài khoản chứng khoán để Huế thực hiện thao túng chứng khoán, thì bị Đoàn kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện và xử phạt. Tuy nhiên, nhóm bị cáo vẫn tiếp tục tái phạm. Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế khai nhận hành vi thao túng 4 mã cổ phiếu HAI, GAB, ART, FLC thu lợi bất chính số tiền trên 684 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong nhóm hành vi phạm tội “Thao túng chứng khoán”, có 10 bị can là nhân viên, lái xe, thậm chí có người là thợ may... các bị can này đã cho Huế mượn giấy tờ cá nhân, ký kết các giấy tờ để thành lập và đứng tên người đại diện pháp luật cho nhiều công ty để Huế mở tài khoản chứng khoán và toàn quyền sử dụng. Các bị can khai nhận, dù đứng tên các tài khoản chứng khoán có giá trị giao dịch hàng trăm tỉ, nhưng chỉ nhận được mức lương theo đúng chức trách tuyển dụng, có người chỉ nhận mức lương cho công việc lái xe, thợ may, nhân viên văn phòng khoảng 3 đến 5 triệu đồng/ tháng.

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, xuyên suốt quá trình diễn ra vụ án, Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu, chỉ đạo thuộc cấp và các bị can khác thực hiện hành vi theo yêu cầu của Quyết. Quyết như một vị chỉ huy, một “tổng tài” điều hành từng nhóm bị can, không chỉ là thuộc cấp của Quyết mà còn tác động để các cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và các cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để Quyết đạt được mục tiêu chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của nhà đầu tư chứng khoán.

Về xác định bị hại: Cơ quan công tố chứng minh được có 30.403 nhà đầu tư mua 391.155.480 cổ phiếu ROS (lần bán ra ban đầu). Nhận định, Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt của nhà đầu tư trên 3.600 tỉ đồng. Các cá nhân này đã bỏ ra tiền thật mua cổ phiếu ROS nên được xác định là bị hại của vụ án.

Cơ quan tố tụng đã nhiều lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đề nghị người hại đã mua cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán khai báo. Kết quả, đến nay xác định có 133 bị hại hiện đang sở hữu 627.090 cổ phiếu ban đầu với tổng giá trị khi mua là trên 2,2 tỉ đồng. Hiện có 95 bị hại/133 bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại do đang sở hữu 381.670 cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống với giá trị mua là gần 1,4 tỉ đồng.

Kim Sa

“Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng về Người. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới”, nhà văn người Mỹ Lady Borton nói.

Xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới có 475 tàu cá; trong đó, có 200 tàu trên 15m theo quy định đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, thời gian qua các ngư dân có các đội tàu xa bờ đều liên tục phản ánh tình trạng mất kết nối từ thiết bị giám sát hành trình do lỗi hệ thống từ nhà mạng viễn thông.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chiêu trò lừa đảo giả danh, mạo danh đã không còn xa lạ đối với người dùng thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thủ đoạn này đang có dấu hiệu bùng phát. Điều đáng nói là các đối tượng giả danh, mạo danh đã liên tục thay đổi kịch bản, thao túng tâm lý người dùng một cách tinh vi nên vẫn có không ít người dân bị sập bẫy.

Trong khi khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng nhưng bị hàng trăm hộ dân kéo tới lấn chiếm, trồng hoa màu, xây dựng nhiều công trình kiên cố thì công tác bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bauxite tại huyện Bảo Lâm đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, một phần vì thiếu đất bố trí tái định canh, định cư cho các hộ trong diện bị thu hồi đất. 

Do thiếu nguồn cung đất san lấp nên nhiều công trình, dự án tại Quảng Nam đang gặp khó khăn, thậm chí là trễ tiến độ. Trước thực tế đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm nhanh chóng tháo gỡ bài toán nguồn cung đất san lấp phục vụ công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, cả nước xảy ra liên tiếp 5 vụ ngộ độc tập thể với hơn 1.000 người phải nhập viện. Các vụ ngộ độc này chủ yếu xảy ra sau khi sử dụng thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Theo Bộ Y tế, trong quý 1/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 673 người mắc và 6 người tử vong,

Nền nhiệt tại miền Bắc có xu hướng tăng trở lại trong ngày hôm nay, trời nắng về trưa chiều, chiều tối có khả năng mưa dông. Khu vực Nam Bộ nắng nóng, nhiệt độ ở hầu khắp các khu vực đều ở mức từ 35 - 36 độ C.

Sau 3 lần tiếp cận Mano Polking, CLB Bóng đá Công an Hà Nội (CAHN) cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận bổ nhiệm HLV này. Chiến lược gia 48 tuổi người Brazil có những phẩm chất đặc biệt để trở thành mảnh ghép hoàn hảo cho đội bóng ngành Công an.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文