Gia tăng căng thẳng giữa Nga với Mỹ và NATO
Vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, thì nay, quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO lại tiếp tục leo thang sau khi tàu chỉ huy đổ bộ USS Mount Whitney của Mỹ tiến vào Biển Đen và các hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ngày một gia tăng dọc theo biên giới của Nga.
Phát biểu trong cuộc họp với những người đứng đầu ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự của đất nước hôm 1/11 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện hơn nữa khả năng phòng thủ của quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực không quân. Ông nói rằng việc các quốc gia hàng đầu đang phát triển vũ khí tấn công tiên tiến với tốc độ nhanh chóng đã khiến nhu cầu phòng thủ của Nga trở nên cấp thiết hơn, đồng thời nhấn mạnh các hoạt động gia tăng của NATO dọc theo biên giới của Nga càng củng cố nhu cầu này.
“Tình hình quân sự - chính trị chung cũng đòi hỏi Nga phải nỗ lực hơn nữa, điều này được thúc đẩy một phần bởi số lượng ngày càng tăng các chuyến bay của NATO đến gần Nga và các tàu NATO mang tên lửa dẫn đường xuất hiện ở Baltic và Biển Đen”, người đứng đầu Điện Kremlin cảnh báo. Nhà lãnh đạo Nga cho biết một tàu Mỹ gần đây đã tiến vào Biển Đen. Tuy nhiên, Nga có thể theo dõi hoạt động của tàu chiến này “thông qua ống nhòm hoặc qua tầm ngắm của các hệ thống phòng thủ”.
Phát biểu của ông Putin được đưa ra chỉ vài giờ sau khi một tàu chỉ huy đổ bộ của Mỹ, USS Mount Whitney, tiến vào Biển Đen. Hải quân Mỹ cho biết, tàu chiến này của Hạm đội 6 đã được triển khai để “tập trận với các đồng minh và đối tác NATO của Mỹ trong khu vực”. Tàu USS Mount Whitney là tàu quân sự thứ hai của Mỹ đến Biển Đen chỉ trong vài ngày. Trước đó, tàu khu trục USS Porter, được trang bị tên lửa dẫn đường, đã đi vào khu vực này hôm 30/10. Moscow đã lên án mạnh mẽ việc Washington triển khai tàu tới Biển Đen. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố các hoạt động này là một phần trong chính sách nhất quán của Nga nhằm khuấy động cuộc đối đầu giữa Nga và các nước láng giềng ở Biển Đen, trong đó có nhiều nước là thành viên NATO.
“Việc đưa tàu Hải quân Mỹ đến Biển Đen không phải là một sự cố cá biệt. Đã có vài lần Mỹ giải thích rõ ràng sự cần thiết phải cho các tàu chiến của họ đi vào tuyến đường thủy này để thực hiện nhiệm vụ răn đe Nga và ngăn chặn các mối đe dọa của Moscow đối với đồng minh của Washington ở Biển Đen”, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cho biết hôm 31/10 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome.
Trả lời câu hỏi liệu Moscow có được thông báo trước về hoạt động này hay không, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết: “Vấn đề không nằm ở việc thông báo trước hay không mà liên quan đến việc thực thi luật pháp quốc tế đối với con tàu của một quốc gia không thuộc Biển Đen nhưng lại đi vào khu vực này. Vấn đề đã được quy định trong Công ước Montreux”.
Theo Công ước Montreux năm 1936, tàu hải quân của các quốc gia không có chủ quyền ven biển ở Biển Đen đều phải thông báo trước 15 ngày với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch đi qua các eo biển Bosphorus và Dardanelles, khu vực kết nối Biển Đen và Địa Trung Hải.
Động thái gia tăng các hoạt động của quân đội Mỹ và NATO ở gần biên giới của Nga diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa liên minh này và Moscow ngày càng lạnh nhạt và có chiều hướng xấu đi. Tháng trước, NATO tuyên bố sẽ trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga khỏi trụ sở Brussels vì cáo buộc là gián điệp. Đáp lại, Nga tuyên bố đình chỉ mọi quan hệ với liên minh này, đưa toàn bộ các nhà ngoại giao về nước và đóng cửa văn phòng của NATO tại Moscow.
Trong khi đó, về phía NATO, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg giải thích kế hoạch của họ chỉ là một phần trong nỗ lực “tiếp tục tăng cường khối đồng minh bằng những kế hoạch hiện đại hóa và tốt hơn”. Ông nói thêm rằng “mối quan hệ giữa NATO và Nga đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh và lý do chính là ở hành vi của Moscow.
Tổng Thư ký NATO khẳng định: “Cách tiếp cận của NATO đối với Nga vẫn giống như trước đây, nghĩa là răn đe và phòng thủ đáng tin cậy kết hợp với nỗ lực đối thoại có ý nghĩa với Nga, nhưng tất nhiên điều này trở nên khó khăn hơn do Nga quyết định đóng cửa các văn phòng NATO ở Moscow. Và tôi nghĩ rằng chúng ta cũng phải hiểu rằng mối quan hệ giữa NATO và Nga hiện đang ở mức thấp. Mối quan hệ này đã khó khăn hơn nhiều kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.
Đây là những diễn biến mới nhất cho thấy mức độ căng thẳng giữa Nga và NATO trong suốt thời gian qua. Trong thời gian qua, cả hai bên đều đẩy mạnh việc thiết lập vùng đệm ở biên giới của nhau bằng cách tăng cường hợp tác với các nước liên quan. Trong khi NATO gia tăng hỗ trợ và thúc đẩy kết nạp Ukraine vào khối này, hành động mà Nga xem là “lằn ranh đỏ”, Nga lại có những động thái nhằm thắt chặt quan hệ quốc phòng với Belarus. Trước đó hồi tháng 4, căng thẳng leo thang đến mức khiến nhiều người lo sợ về một cuộc xung đột tại châu Âu khi Nga điều quân ồ ạt đến biên giới Ukraine, trong khi NATO triển khai lực lượng đến Biển Đen để tập trận.
Theo nhận định của giới chuyên gia, mặc dù những động thái này của cả hai bên gây nhiều lo ngại nhưng cả Nga và NATO đều không muốn đi đến một cuộc xung đột phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân hay mở rộng nó ra quy mô toàn cầu. Điều này đe dọa không chỉ lợi ích và an ninh của Nga mà còn cả các nước NATO trong khu vực châu Âu. Điều quan trọng là cả Nga và NATO cần phải kiểm soát tình hình để giảm những tính toán và hành động sai lầm, có thể kéo hai bên vào vòng xoáy xung đột mới.