Các tỉnh miền Trung không nên chủ quan dù bão số 4 có cường độ yếu hơn

15:35 18/09/2024

Với lượng mưa do áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ mạnh lên thành bão, có thể lên đến trên 600mm, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh miền Trung rà soát tình trạng ngập lụt theo từng kịch bản để có phương án sơ tán dân.

Chiều 18/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp với các bộ, ban, ngành và trực tuyến với 11 tỉnh, TP ven biển từ Ninh Bình đến Bình Định để triển khai ứng phó với ATNĐ có thể mạnh lên thành bão.

Tại cuộc họp, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến 13h chiều nay (18/9), cơn ATNĐ cách Đà Nẵng khoảng 530km về phía Đông, tốc độ di chuyển chậm, khoảng 15km/h. Qua theo dõi, tất cả các mô hình dự báo của nước ta và quốc tế đều cho thấy, ATNĐ có thể mạnh lên thành bão. Điều đáng ngại nhất của cơn ATNĐ này là lượng mưa, trọng tâm mưa lớn sẽ là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 600 mm. Thời gian mưa tập trung từ sáng mai đến hết ngày 19/9.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia phân tích cường độ và hướng đi của ATNĐ.

Dự báo, đến 10h ngày 19/9, bão số 4 với cường độ cấp 8, giật cấp 10, tâm bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị - Quảng Nam, cách Quảng Trị khoảng 110km về phía Đông Đông Nam. Đến chiều cùng ngày, bão đi vào đất liền Quảng Trị - Quảng Nam, sau đó suy yếu.

Ông Khiêm cho biết thêm, từ 19h ngày 17/9 đến 12h ngày 18/9, Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to từ 50 - 150mm. Riêng tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng mưa 150 - 250mm; một số trạm đo được lượng mưa lớn hơn như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 237mm, Suối Đá (Đà Nẵng) 279mm, Suối Lương (Đà Nẵng) 254mm.

Về tình hình lũ, từ ngày 18/9 đến 21/9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3 -7m. Đỉnh lũ thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa), thượng lưu sông Cả (Nghệ An) lên mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) báo động 2 - báo động 3; hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông La (Hà Tĩnh), sông Cả (Nghệ An) ở mức báo động 1; các sông từ Quảng Bình - Quảng Nam ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2; riêng các sông nhỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 11h ngày 18/9, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 66.960 tàu/306.725 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động chủ động di chuyển vòng tránh. Trong đó, 75 tàu/618 người hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.

Còn theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 13h ngày 18/9, khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Bình Định hiện có 80.024 ha, 22.152 lồng, bè, 684 chòi canh nuôi thuỷ sản và 83 ngư dân.

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn cho biết, hơn 268 nghìn người, trong đó có hơn 56 nghìn bộ đội, cùng 211 nghìn dân quân tự vệ; hơn 4.000 phương tiện và 10 máy bay trực thăng đã sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và tiếp tế lương thực, thực phẩm khi có yêu cầu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các tỉnh miền Trung rà soát tình trạng ngập lụt.

Cũng theo lãnh đạo Cục Cứu hộ - Cứu nạn, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3, đề nghị các địa phương rà soát các khu vực dễ bị sạt lở, bởi khi bão vào thì thiệt hại rất nhỏ nhưng hoàn lưu sau bão gây mưa, xảy ra sạt lở thì thiệt hại rất lớn. "Phải có phương án thông báo, báo động đến từng hộ dân khi xảy ra các tình huống sạt lở. Cần có phương án báo động nhanh nhất để người dân kịp thời di chuyển đến nơi an toàn", Đại tá Phạm Hải Châu nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cảnh báo, các tỉnh miền Trung không nên chủ quan dù bão có cường độ yếu. Mưa lớn kéo dài sau bão có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như sạt lở, lũ lụt tương tự như những gì đã xảy ra ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng vào năm 2020. "Trong bão Yagi, chúng ta đã kiểm soát được thiệt hại khá tốt, nhưng chính mưa lũ và sạt lở sau bão mới gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất", ông nói.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các tỉnh miền Trung rà soát tình trạng ngập lụt theo từng kịch bản để có phương án sơ tán dân; tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, hồ thủy điện.

T.Linh

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo dốc toàn lực, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân của vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Theo đánh giá lúc nhập viện, cả 4 nạn nhân tiên lượng nặng, nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong cao.

Ngày 20/12,  ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thông tin về vụ việc thu hồi 238 sổ đỏ xuất phát từ một vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của của Nhà nước. Qua đó, Đà Nẵng đã có phương án xử lý có lợi nhất cho người dân.

Chỉ 5 giờ đồng hồ sau khi nhận được trình báo vụ cướp tài sản xảy ra tại khu vực nghĩa trang trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lập chiến công xuất sắc, nhanh chóng xác định và bắt giữ được thủ phạm gây án.

Năm 2016, ông Ngô Văn Long ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề có tổng diện tích hơn 161m2, gồm một phần diện tích đất nông nghiệp và đất ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ chủ sử dụng đất là ông Ngô Nam Thắng và thực hiện đầy đủ thủ tục để cập nhật, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng từ năm 2018 đến nay, ông Long đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trước sự tắc trách của chính quyền địa phương…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文