Ghi nhận trước ngày đặc xá ở Trại giam Xuân Phước
Sau hành trình hơn 60km từ TP Tuy Hòa ngược lên phía Tây huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên), PV Báo CAND đến Trại giam Xuân Phước (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an) khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ công bố Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù nhân dịp 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945- 2/9/2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10//2024).
Đại tá Trần Văn Dũng, Giám thị Trại giam Xuân Phước cho biết, những năm gần đây mỗi năm trại giam này đảm nhiệm quản lý, giáo dục và cải tạo hàng ngàn phạm nhân tại 2 phân trại ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân và 1 phân trại ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa (Phú Yên). Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn thử thách khi hàng trăm phạm nhân có tiền án, tiền sự; tội phạm đặc biệt nguy hiểm đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước, trong đó không ít đối tượng từng là đối tượng nghiện ma túy, côn đồ lộng hành một thời, thế nhưng tập thể CBCS Trại giam Xuân Phước luôn đoàn kết, nỗ lực vượt khó, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật thi hành án hình sự cùng các Nghị định, Thông tư của Chính phủ, Bộ Công an quy định về những chính sách quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, sự lãnh đạo trực tiếp của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an.
“Đặc biệt, nhờ thường xuyên tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, kết hợp chú trọng cảm hóa giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề, tổ chức sản xuất nông - lâm nghiệp, xóa mù chữ… đảm bảo tính nhân đạo, nhân văn, giúp cho phạm nhân sớm nhận diện lỗi lầm, chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, nên những năm qua, đơn vị luôn thực thi hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự trại giam, không để xảy ra bị động, bất ngờ, chất lượng và hiệu quả quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân nâng cao”, Đại tá Trần Văn Dũng cho biết thêm.
Về công tác đặc xá năm 2024, Giám thị Trại giam Xuân Phước cho hay, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến cho phạm nhân ở các phân trại hiểu rõ đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá theo Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN ngày 30/7/2024 của Chủ tịch nước, Trại đã hướng dẫn cho phạm nhân có đủ điều kiện viết đơn đề nghị đặc xá trước khi tổ chức cuộc họp các tổ, đội phạm nhân bình xét, bỏ phiếu giới thiệu phạm nhân đủ điều kiện để hội đồng trại giam thẩm định, lập hồ sơ trình Hội đồng Tư vấn đặc xá thẩm tra, xét duyệt…
Tất cả đều đảm bảo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng và minh bạch.
Theo đó, có 50 phạm nhân ở Trại giam Xuân Phước được xét đề nghị đặc xá, trong đó có nhiều trường hợp trước thời hạn 6-12 tháng, có người từng là cán bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xử phạt 7 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự dẫn đến hậu quả thiệt hại cho một doanh nghiệp hơn 2,8 tỷ đồng.
Tiếp xúc với PV Báo CAND, phạm nhân Nguyễn Quốc Thái (SN 1989) gia đình ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn (Bình Định) bồi hồi nhớ lại, cuối tháng 12/2021, khi anh đang làm công tại một salon làm tóc ở Quy Nhơn thì bạn bè rủ rê mua bán ma túy. Trong lúc nhóm “khách hàng” đầu tiên của Thái đang tổ chức sinh nhật bằng tiệc “ma túy” trong quán karaoke, thì bị Công an thị xã An Nhơn (Bình Định) vây bắt quả tang. Với tội danh “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” 3 đối tượng trong vụ án bị xử phạt 22 năm tù, còn Thái lãnh án 2 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Vào Trại giam Xuân Phước giữa tháng 8/2023, Thái được học nghề may công nghiệp, nhờ cải tạo tốt nên được xét giảm án 3 tháng. Niềm vui đó đã thôi thúc anh tiếp tục phấn đấu lao động, học tập cải tạo và đã được đề nghị đặc xá tha tù trước 6 tháng 24 ngày. “Nỗi lo lắng của tôi trong những ngày đầu ở Trại giam Xuân Phước đã được hóa giải khi nhìn thấy cán bộ quản giáo tận tâm giáo dục pháp luật, đạo đức xã hội, nội quy kỷ luật và đối xử với phạm nhân thân thiện, giàu tình người, khiến cho đông đảo phạm nhân phục thiện”, Thái bày tỏ.
Anh Biện Khắc Dũng (SN 1983) gia đình ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa (Phú Yên) bị TAND tỉnh Phú Yên xử phạt 2 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” khi làm công chức địa chính ở phường Phú Đông, chia sẻ: “Được cán bộ quản giáo động viên, cảm hóa giáo dục bằng nhiều động thái nhân văn sâu sắc, tôi đã an tâm cải tạo, lao động bên những luống rau xanh. Những nỗ lực của tôi đã được xét giảm án 4 tháng, lần này được đề nghị đặc xá trước 5 tháng 18 ngày sẽ giúp cho tôi thêm thấu hiểu tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật. Về nhà tôi sẽ mưu sinh bằng nghề điện – cơ khí đã học trước đây để cùng vợ chăm sóc ba đứa con tốt hơn”.
Là một trong những phạm nhân cải tạo tốt nhưng chưa đủ điều kiện đặc xá, ông Nguyễn Hữu Quyền (SN 1963) gia đình ở phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa (Phú Yên) cho biết, ông vào trại giam từ đầu tháng 11/2016 với mức án phạt tù 20 năm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của ngân hàng, khi đang là giám đốc một doanh nghiệp ở Phú Yên. Sau hơn 1 năm lao động ở đội sản xuất hàng mỹ nghệ, anh Quyền về tổ văn hóa, đến năm 2019 làm Trưởng Ban tự quản phân trại số 1 cho đến nay. “Tôi đã thi hành án hơn 14 năm, trong đó có 3 lần được giảm án hơn 3 năm 6 tháng, nhưng do không còn tài sản để bồi thường dân sự nên không thuộc diện đặc xá. Tôi hiểu rõ quy định pháp luật nên an tâm cải tạo tốt hơn nữa để được giảm án dần”, ông Quyền chia sẻ.
Ngày trở về đoàn tụ gia đình của những phạm nhân ở Trại giam Xuân Phước được đặc xá sắp đến, tất cả đều được Công an huyện Đồng Xuân hỗ trợ làm căn cước. Cho dù mỗi người có gia cảnh khác nhau, nhưng sau một thời gian được giáo dục, cải tạo, họ đã nhận ra lỗi lầm quá khứ để hướng đến hoàn lương, hướng thiện, ổn định đời sống từ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và người thân. Và những phạm nhân còn lại vẫn đang nỗ lực học tập, cải tạo, lao động bên những vườn rau, rừng keo, khu chăn nuôi gia súc gia cầm và các phân xưởng may mặc, sản xuất đồ mỹ nghệ để được giảm án, sớm tái hòa nhập cộng đồng.