Số bệnh nhân tử vong do COVID-19 trên toàn quốc giảm 30%
Theo Bộ Y tế, số ca COVID-19 tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc trong tuần này giảm 30%, trong đó TP Hồ Chí Minh giảm 30%, Đồng Nai giảm 50%, Long An giảm 30%, Tiền Giang giảm 70%.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 sáng 11/9, tỷ lệ mắc mới COVID-19 tại cộng đồng trong tuần này đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương có số mắc cao: Đà Nẵng giảm 60%, Bình Dương giảm 27%, Long An giảm 3%.
Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP Hồ Chí Minh giảm 30%, Đồng Nai giảm 50%, Long An giảm 30%, Tiền Giang giảm 70%.
Về kết quả thực hiện các tiêu chí kiểm soát dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, nhóm 1 (đang kiểm soát tốt dịch bệnh) có 8/23 địa phương gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.
Nhóm 2 (đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch) gồm 12/23 địa phương: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nhóm 3 (cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch): 03/23 địa phương gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Kiên Giang.
So với tuần trước nhiều địa phương thực hiện tốt hơn công tác kiểm soát dịch gồm Vĩnh Long, Trà Vinh cải thiện từ nhóm 2 lên nhóm 1 và Long An, Tiền Giang cải thiện từ nhóm 3 lên nhóm 2. Riêng Kiên Giang có số mắc mới trong cộng đồng gia tăng (69,7%) so với tuần trước đó (chuyển từ nhóm 2 xuống nhóm 3).
Tại TP Hồ Chí Minh dịch COVID-19 trong tuần qua đã giảm rõ rệt trên cả 2 tiêu chí: Số mắc trong cộng đồng và số tử vong, đặc biệt số tử vong của TP Hồ Chí Minh đã giảm 30%. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.
Tại Bình Dương, số ca mắc và số ca tử vong tiếp tục giảm.
Tại Hà Nội sẽ tiếp tục ghi nhận một số ca mắc, chùm ca bệnh rải rác trong cộng đồng, vẫn sẽ còn các ca lây nhiễm không rõ nguồn lây. Do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để phát hiện sớm các ca nhiễm trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Bộ đang đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu thuốc Remdesivir (1,7 triệu liều) để điều trị các bệnh nhân mức độ trung bình, nặng; đồng thời tiếp tục nhập các thuốc điều trị khác để điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Bộ Y tế cũng đã triển khai chương trình điều trị có kiểm soát tại cộng đồng với tổng cộng 129.820 người bệnh tham gia, bước đầu đã có kết quả khả quan, giảm nhanh nồng độ vi rút ở người mắc sau điều trị.