Bộ Y tế thông tin về vụ 24 người phơi nhiễm HIV do cấp cứu người bị nạn

15:50 03/07/2017
Việc 17 nhân viên y tế và 7 người dân bị phơi nhiễm HIV do cấp cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông ở huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum ngày 30-6, vì có một nạn nhân nhiễm HIV, khiến nhiều người rất hoang mang. Để giúp bạn đọc có thông tin đầy đủ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)...


+ Cục Phòng, chống HIV/AIDS có biết thông tin về việc một nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông chỉ được biết bị nhiễm HIV của sau khi cấp cứu?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Ngay khi có thông tin đầu tiên đăng trên facebook, sau đó một số báo đưa tin về việc này, chúng tôi đã chủ động điện thoại cho lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum và Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum để nắm tình hình. Đúng là tình trạng nhiễm HIV của nạn nhân đã tử vong chỉ được biết sau khi đã hoàn thành việc cứu nạn, mà có 17 cán bộ y tế và 7 người dân tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân.

Lập tức, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã yêu cầu Sở Y tế Kon Tum hướng dẫn các cơ sở y tế  tư vấn, xét nghiệm sàng lọc và cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến ca cấp cứu người nhiễm HIV, kể cả người dân tham gia cấp cứu. Chúng tôi cũng yêu cầu Sở Y tế hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan theo qui định; tổ chức tuyên truyền về dự phòng phơi nhiễm HIV và chủ động cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan báo chí.

+ Một người dân tham gia cấp cứu bị phơi nhiễm HIV cho biết ban đầu, nhân viên y tế yêu cầu họ phải trả tiền nếu muốn dùng thuốc ARV để dự phòng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo Quyết định 265/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ qui định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, thì thuốc ARV dùng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV chỉ được cấp miễn phí cho những người bị phơi nhiễm do nghề nghiệp như cán bộ y tế, cán bộ lực lượng vũ trang, tổ công tác cai nghiện... khi đang làm nhiệm vụ.

 Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt, khi 7 người dân tích cực cấp cứu người bị nạn nên đã bị phơi nhiễm HIV. Do vậy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã lập tức chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị dự phòng cho cả 24 người đã tham gia cấp cứu nạn nhân này. Hiện tất cả 17 cán bộ y tế và 7 người dân bị phơi nhiễm HIV khi tham gia cấp cứu đều đã được tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV và cấp thuốc ARV để điều trị dự phòng kịp thời.

+Theo thông tin ban đầu, nạn nhân tử vong có nhiễm HIV mới điều trị ARV từ tháng 5-2017. Như vậy nguy cơ bị phơi nhiễm trong trường hợp này ra sao?

TS. Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum thì nạn nhân này đã điều trị ARV nhiều năm rồi, chứ không phải mới. Mà về mặt khoa học, khi người nhiễm HIV đã được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ virus HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế), nên khả năng lây truyền sang những người khác rất thấp. Mặt khác, 24 người này lại được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay. Vì thế, hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai bị nhiễm HIV.

+Vụ tai nạn xảy ra trưa 30-6, nhưng người uống ARV sớm nhất là trưa 1-7, muộn nhất là trưa 2-7. Như vậy, việc cho uống thuốc ARV có kịp thời không thưa ông? 

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV thực hiện càng sớm càng tốt, tối ưu trong vòng 72 giờ.  Như vậy, cả 24 người đều được điều trị ARV trong vòng 48 giờ đầu sau phơi nhiễm- là thời gian tối ưu mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.

+ 24 trường hợp này sẽ uống thuốc trong bao lâu? Khi nào có thể khẳng định họ hoàn toàn an toàn?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong 28 ngày. Trong thời gian này, họ cần được tư vấn để theo dõi về tác dụng phụ có thể có của thuốc ARV. Không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua và nếu có các tác dụng phụ nặng cần đến các cơ sở y tế ngay.

 Những người đang điều trị cũng được tư vấn hỗ trợ tâm lý nếu cần, tư vấn tuân thủ điều trị. Việc xét nghiệm HIV sẽ được làm lại sau 3 tháng theo quy định của Bộ y tế.

Tư vấn cho bệnh nhân HIV

Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù nguy cơ có thể thấp nhưng những người bị phơi nhiễm chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV. Do vậy họ không được cho máu và cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Sau 3 tháng xét nghiệm lại nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định là họ không nhiễm HIV.

+Với những người này, phải nghỉ hay vẫn đi làm bình thường, thưa ông?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng qui định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, thì những người bị phơi nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp được nghỉ việc 20 ngày hưởng nguyên lương và phụ cấp để điều trị dự phòng.

Hiện nay các thuốc ARV được lựa chọn điều trị là khá an toàn với người sử dụng và cũng rất ít tác dụng phụ. Tuy vậy một số người mới uống có thể bị mệt mỏi và triệu chứng này sẽ nhanh qua. Do vậy nếu những người dùng thuốc mà khỏe mạnh, họ có thể đi làm bình thường nếu muốn. Những trường hợp có phản ứng phụ của thuốc như dị ứng, mệt mỏi nhiều cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và có thể đổi phác đồ điều trị.

+ Cảm ơn ông  về cuộc trao đổi!

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người nhiễm HIV, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm; vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn gây chảy máu; bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào mắt, mũi, họng; bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu chứa virus HIV đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sỹ…) cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…

 Nhưng không phải người nào bị phơi nhiễm HIV cũng bị nhiễm HIV. Việc xử lý sau phơi nhiễm có ý nghĩa đặc biệt giúp hạn chế được những nguy cơ lây nhiễm HIV.

Thanh Hằng (thực hiện)

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Do mưa lớn kéo dài những ngày qua đến sáng nay, nhiều huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam đã xảy ra sạt lở đất, nhiều khu vực giao thông bị chia cắt. Lực lượng Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai khắc phục sạt lở đất để đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文