41 gia đình hiến tạng người thân sau chết não, nhiều người được hồi sinh

16:41 07/01/2025

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, năm 2024, Việt Nam ghi nhận 41 ca chết não hiến tạng, đây là con số kỷ lục của nước ta tính đến thời điểm hiện tại.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết mạng lưới hiến mô, tạng năm 2024 và định hướng phát triển năm 2025 do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức chiều 7/1, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, trong 3 năm (2021, 2022, 2023) cả nước có 36 ca hiến tạng từ người cho chết não. Riêng năm 2024, cả nước đã ghi nhận 41 người hiến tạng chết não. 

"Số ca ghép tạng từ người cho chết não đã tăng 173% so với năm 2023. Bên cạnh đó, số lượng người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết/chết não đã tăng gấp 3 lần. Nếu với tốc độ tăng như hiện nay, chỉ trong 3 năm nữa Việt Nam sẽ có số ca hiến tạng từ người cho chết não bằng với Hàn Quốc", PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ.

41 gia đình đồng ý hiến tạng người thân sau chết não, hồi sinh sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo  -0
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2024 được coi là kỷ lục về ca hiến tạng chết não tại Việt Nam khi có 41 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng, chiếm 13% trong tổng số ca ghép tạng. 

Điều đáng nói trong số 41 ca hiến tạng sau chết não tập trung ở 13 tỉnh, TP (phía Bắc có 11 tỉnh, TP và miền Nam 2 tỉnh, TP).

Tính đến hết năm 2024, Việt Nam đã thực hiện được 9.516 ca ghép tạng trên cả nước với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm. Ba năm trở lại đây, mỗi năm nước ta đã thực hiện thành công trên dưới 1.000 ca ghép tạng, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

"Tuy nhiên, từng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của nhân dân, tỷ lệ 94% tạng ghép từ hiến sống là quá cao và tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam là rất thấp", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Năm 2024 cũng là năm mà chuyên ngành ghép tạng ghi dấu ấn mạnh mẽ khi được vinh danh là một trong những sự kiện tiêu biểu của y học Việt Nam. "Chúng ta đã thực hiện thành công ca ghép tim-gan đồng thời đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện ca ghép khí quản từ người cho chết não, một kỹ thuật hiếm gặp không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Đồng thời, đã thực hiện thành công 3 ca ghép phổi chỉ riêng trong năm 2024, nâng tổng số ca ghép phổi lên 12 ca kể từ khi ca đầu tiên được thực hiện vào năm 2017", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ về ca hiến tạng từ người cho chết não, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Chúng ta cũng không thể quên được tấm lòng nhân ái của một gia đình khi con trai họ không may bị tai nạn giao thông và qua đời vào đầu tháng 4/2024, khi gia đình đồng ý hiến tạng, hơn 100 thầy thuốc đã tập trung cao độ thực hiện lấy, bảo quản, vận chuyển và ghép tạng thành công cho 7 người. Đặc biệt, khắc ghi tấm lòng của gia đình điều dưỡng Lê Thị Thùy Linh công tác tại Bệnh viện E mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến chết não, gia đình đã đồng ý hiến tặng mô, tạng đem lại sự sống mới cho 4 người bệnh khác. Và còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương sáng khác...

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia cho biết số ca ghép tạng từ người cho chết não năm 2024 tăng 173% so với năm 2023.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim. Trên cả nước chỉ có số ít bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng, nguyên nhân là chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thực sự phù hợp.

Đứng trước những thách thức đó, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hiến, lấy, ghép mô tạng phát triển mạnh mẽ và bền vững. Bước đầu là cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, từ đó đưa ra định mức kinh tế - kỹ thuật, xây dựng một mức giá được tính đúng, tính đủ, bao phủ toàn bộ chi phí cấu thành, và hướng đến thanh toán BHYT.

Trong năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về hiến, lấy, ghép, vận chuyển, bảo quản và chăm sóc sau ghép gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não. Cuối năm 2024, Thông tư số 48 quy định về đăng ký ghép và nguyên tắc điều phối, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hiến sau khi chết ra đời để hướng dẫn, cụ thể hóa cũng như vận động việc hiến mô, tạng sau khi chết.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, đặc biệt là Vụ Bảo hiểm Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Vụ Kế hoạch tài chính tập trung nghiên cứu, vận dụng đề xuất các chính sách chi trả, cũng như cơ cấu giá hợp lý, để đảm bảo tính bền vững và thúc đẩy công tác ghép tạng tại Việt Nam.

Ca ghép phổi thực hiện tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, năm 2024 cả nước đã thành lập được 16 Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. 

Bên cạnh những thành công đạt được, công tác vận động hiến mô, tạng còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chưa làm được danh sách chờ ghép tạng công khai trên hệ thống, nhiều bệnh viện chưa có danh sách chờ. "Chẳng hạn khi lấy tim ra rồi nhưng không tìm được người nhận phù hợp vì danh sách chờ ít quá, trong khi đó hết thời gian chờ đợi của tạng. Hiện nay, danh sách chờ ghép của người suy thận, suy gan, suy tim rất nhiều, nếu không làm được danh sách chờ thì tạng hiến không được sử dụng kịp thời, xảy ra tình trạng lãng phí trong khi nhu cầu đang rất thiếu", bà Tiến nói.

Vì vậy, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người đề nghị các bệnh viện phải thành lập danh sách chờ ghép, trước mắt là người suy thận vì con số này đang rất lớn. Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc quản lý hệ thống đăng ký, danh sách chờ ghép, tuân thủ các nguyên tắc điều phối đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, kết nối chặt chẽ bằng hệ thống dữ liệu đồng bộ giữa các trung tâm hiến - ghép để tận dụng tối đa nguồn tạng hiến.

Trần Hằng

Tối 24/7, tại Nhà hát Hồ Gươm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Cho muôn đời sau”. Dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân cùng đông đảo khán giả yêu âm nhạc.

Liên quan đến vụ lật tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long do dông lốc bất ngờ khiến nhiều người thiệt mạng vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khẳng định đây là trường hợp hy hữu, đồng thời kêu gọi các cơ quan truyền thông, cộng đồng chia sẻ để ngành Du lịch tiếp tục vực dậy sau đại dịch COVID-19.

Chiều 24/7, tại xóm Bản Đồn, xã Tân Kỳ, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Công an phối hợp Tỉnh uỷ, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khởi công "điểm" thực hiện Đề án của UBND tỉnh về "Xây dựng 1.000 căn nhà cho nhân dân thực hiện mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập tỉnh từ nguồn kinh phí đề nghị Bộ Công an hỗ trợ".

Chiều 24/7, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Hưng Yên tiếp tục xét hỏi các bị cáo từng là cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam do bị cáo Đồng Xuân Thụ là cựu Tổng Biên tập. Được biết, trước khi gây ra vụ án này, tháng 10/1997, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo đối với Đồng Xuân Thụ về hành vi giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan Nhà nước, của tổ chức xã hội.

Hai bên thống nhất tăng cường hợp tác, đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao và chuyên viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực thực thi pháp luật như bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm công nghệ cao, ma túy, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép, rửa tiền và các loại tội phạm khác.

Bão số 4 đã mạnh lên cấp 10 và đến thời điểm hiện tại, hướng di chuyển của bão hầu như không có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Tuy nhiên, ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương đang có 3 cơn bão cùng hoạt động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.