Bác sĩ từ tâm dịch Chí Linh: Hy vọng số bệnh nhân mắc mới nhỏ hơn số người ra viện

19:19 13/02/2021
Khó khăn lớn nhất trong những ngày Tết tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Hải Dương là thiếu sinh phẩm hóa chất vì các công ty nghỉ Tết; việc mua các thiết bị cũng khó khăn, đều phải đi vay, đi mượn.

Đây là cái Tết đầu tiên và là cái Tết đặc biệt đối với lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 trên cả nước.

Là bác sĩ nhiều năm làm việc tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, chuyện phải trực đêm giao thừa đều hết sức bình thường, nhưng đây là năm đầu tiên mà BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cùng đồng nghiệp của mình đón Tết cách ly ở một nơi xa nhà trong thời gian dài nhất. 

BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Trần Hằng)

Theo chia sẻ của anh, ở Bệnh viện Dã chiến số 1 Chí Linh (Hải Dương) gần như không có khái niệm đón giao thừa. Các bệnh nhân đều buồn, mong muốn được về, có gia đình cả nhà cách ly điều trị trong bệnh viện. Các y bác sĩ, nhân viên y tế đều bận rộn với công việc, có người nhà ở ngay gần bệnh viện nhưng không thể về. Đây là lần đầu tiên rất nhiều người phải ở lại khu cách ly đón Tết.

Được Bộ Y tế phân công hỗ trợ toàn diện về điều trị cho Bệnh viện Dã chiến số 1 đóng tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh, các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đào tạo, hỗ trợ, cầm tay chỉ việc cho đội ngũ bác sĩ ở đây. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ một trung tâm y tế miền núi còn khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực, giờ đây các bác sĩ đã có thể điều trị được số lượng bệnh nhân COVID-19 lên tới gần 200 người dưới sự giám sát và hướng dẫn của các chuyên gia Bộ Y tế. 

Chia sẻ với phóng viên Báo CAND trong thời khắc cả nước đón chào năm mới, BSCKII Nguyễn Trung Cấp đã phân tích rất nhiều tình huống trong việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-10 ở ổ dịch Chí Linh.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, khi nhận được nhiệm vụ giúp đỡ toàn diện về chuyên môn cho Bệnh viện dã chiến số 1 Chí Linh, anh có dự đoán được dịch COVID-19 tại đây lại lan nhanh với số lượng người mắc lớn như vậy hay không?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Trước khi đi Hải Dương tôi đã có dự báo rồi. Điều này xuất phát từ khi xuất hiện ổ dịch ở Đà Nẵng, tôi đã soạn thảo phương án để có thể triển khai điều trị ở bệnh viện dã chiến một cách nhanh nhất. Khi xuống đây, nắm tình hình của Trung tâm Y tế TP Chí Linh, do đã có ý tưởng sẵn, ngay trong đêm 28/1, tôi xây dựng kế hoạch ngày nào phải làm gì và tổ chức thế nào, nên không bất ngờ. Chúng tôi đã sẵn sàng tình huống có rất nhiều bệnh nhân, nên phải triển khai nhanh chóng các kế hoạch ở một nơi còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện và nhân lực.

Phóng viên: Bác sĩ và các đồng nghiệp đã làm thế nào để có thể thần tốc thiết lập được bệnh viện dã chiến và thần tốc huấn luyện đội ngũ bác sĩ chưa từng điều trị bệnh nhân COVID-19, để họ có thể đảm đương được nhiệm vụ?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Tôi nhận lệnh xuống Hải Dương vào chiều 28/1. Khoảng 8h tối, Đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chúng tôi tới nơi, việc đầu tiên là khảo sát Bệnh viện Dã chiến số 2, sau đó làm việc với Sở Y tế. 8h ngày 29/1, chúng tôi đến tiếp nhận cơ sở Bệnh viện Dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh. Tất nhiên, trước đó chúng tôi đã nắm được tình hình và đã sơ bộ xây dựng kế hoạch hoạt động. Ngay trong buổi sáng, tôi đã liên hệ chuyển bệnh nhân thận nhân tạo sang Bệnh viện huyện Kinh Môn, bệnh nhân thường sang Bệnh viện huyện Nam Sách. Sau đó tổ chức tập huấn khẩn cấp cho nhân viên y tế và giải phóng bệnh nhân sang huyện Cẩm Giàng. 11h trưa chúng tôi đã tập huấn bước cơ bản đầu tiên về phòng hộ dịch, chưa tập huấn được điều trị.

11h trưa ngày 29/1 chúng tôi tiếp nhận đoàn bệnh nhân đầu tiên. Chiều hôm đó, tổ chức hướng dẫn online cho anh chị em tiếp nhận bệnh nhân và điều trị. Đến 8h tối ngày 29/1, sau 12 tiếng đã tiếp nhận 91 bệnh nhân, thông qua hướng dẫn cho mọi người điều trị 91 bệnh nhân này.

BS Nguyễn Trung Cấp và tổ chuyên gia ở vòng 3 giám sát toàn bộ quy trình và hướng dẫn chi tiết điều trị cho từng bệnh nhân COVID-19 (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)

Ngay ngày đầu tiên chúng tôi đã thống nhất với Ban Giám đốc bệnh viện quy chế phối hợp, phân chia rõ ràng công việc, đồng thời xây dựng cơ chế tổ chức. Bệnh viện Dã chiến số 1 có 6 dãy nhà, sử dụng 4 dãy nhà làm khu điều trị; một dãy làm chỗ ở cho người điều trị vòng 1, vòng 2 và một dãy duy trì chỗ làm việc cho người ở vòng 3. Người làm việc tại vòng 1 bố trí ở tầng 2 và 3; người làm việc ở vòng 2 ở tầng 1. 

Sau khi sắp xếp được chỗ ở và làm việc, chúng tôi thiết kế các phom mẫu và thiết lập hệ thống thông tin liên lạc. Những người ở vòng 1 thu thập các thông tin vào trong phom mẫu và chuyển cho người vòng 2 điều trị. Các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở vòng 3 để giám sát toàn bộ quy trình và hướng dẫn chi tiết trên từng điều trị một và thông qua đó tổ chức đào tạo. Đến chiều 29/1, chúng tôi trực tiếp điều trị từ xa, thông qua đó anh em tuyến dưới bắt đầu học hỏi được và đồng thời đào tạo tập huấn khác.

Sang ngày thứ hai, một mặt kèm cặp anh em điều trị, một mặt chúng tôi soạn thảo bài giảng. Cứ buổi sáng điều trị, chiều là tập huấn và hội chẩn các bệnh nhân. Dìu dắt 1 tuần, anh em bác sĩ đã đi vào quy củ.

Lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)

Phóng viên: Bác sĩ đánh giá thế nào về khả năng đáp ứng của đội ngũ y bác sĩ tuyến dưới trong việc tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân COVID-19?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Trung tâm Y tế Chí Linh xuất thân từ bệnh viện huyện miền núi, nên việc triển khai điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ khó khăn hơn các bệnh viện đa khoa tỉnh và bệnh viện tuyến trung ương. Vì vậy, khi lựa chọn bác sĩ điều trị ở vòng 2, chúng tôi bắt buộc chọn những bác sĩ cứng nhất về chuyên môn để trao đổi, hướng dẫn trực tiếp cho họ. Còn bác sĩ ở vòng 1 chỉ thực hiện những mệnh lệnh từ vòng ngoài chuyển vào và thu thập thông tin từ trong chuyển ra. Vòng này cần nhất kỹ năng phòng chống tốt, đây là việc chúng tôi luôn luôn phải đào tạo, tập huấn chi tiết hàng ngày.

Tại vòng 2 điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chỉ có 4 bác sĩ chính, phụ trách 4 nhóm, mỗi bác sĩ có thêm 2 người phụ việc. Chúng tôi chỉ kèm cặp đào tạo cho 4 bác sĩ chính, nên công việc đơn giản và nhanh hơn rất nhiều. Thông qua việc chỉ đạo từng ca bệnh một, dần dần các bác sĩ đã tiếp thu và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về chuyên môn xử lý các ca bệnh. Chính vì thế mà chất lượng điều trị đảm bảo được. Đến nay, tất cả thông tin đều kiểm soát được, bệnh nhân nào có xu hướng bất thường, nhóm chuyên gia đều nhận biết và kiểm soát tốt. Thông qua đó, bác sĩ vòng trong đã học được nhận biết nguy cơ diễn biến xấu của người bệnh để xử lý kịp thời.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, điều trị bệnh nhân COVID-19 với số lượng lớn trong những ngày Tết, các anh có gặp khó khăn nào không?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Khó khăn lớn nhất là hệ thống xét nghiệm, có rất nhiều tiêu chí xét nghiệm nhưng kỹ thuật viên ở đây chưa thực hiện được. Chúng tôi phải mượn máy xét nghiệm, vay hóa chất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Chúng tôi được Sở Y tế giúp đỡ rất nhiều, nhờ các chuyên gia là các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương xuống hướng dẫn xét nghiệm. Sau 3 ngày, bác sĩ xét nghiệm ở đây đã tiếp nhận được kỹ thuật và tiến bộ rất nhanh.

Khó khăn thứ hai là vì sát Tết, các công ty bán mặt hàng hóa chất, sinh phẩm nghỉ, nên chúng tôi chỉ có thể đi vay tạm, ra Tết mua trả. Tuy nhiên, các chỗ khác cũng không có nhiều để mà vay mượn, nhất là hóa chất. Lo ngại lớn nhất thiếu về mặt hậu cần, chẳng may thiếu thốn thì rất khó xoay trong những ngày Tết.

Khó khăn nữa là về đội ngũ nhân lực, bài giảng chúng tôi có sẵn rồi, nhưng phải soạn lại để phù hợp với trình độ của bác sĩ ở đây.

Phóng viên: Được biết, nhân lực điều trị ở Chí Linh còn rất thiếu, nhưng trong một thời gian ngắn đã thiết lập được 30 đơn vị cách ly. Các anh đã bố trí công việc thế nào để đội ngũ y bác sĩ không bị kiệt sức?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Mô hình thiết kế ban đầu Bệnh viện Dã chiến số 1 là sử dụng mô hình nhân lực một cách tối thiểu để đáp ứng bệnh nhân một cách tối đa. Lúc manh nha nghĩ ra phương án chúng tôi tính toán đến lượng bệnh nhân có thể rất đông, tuy nhiên đến bây giờ nhân lực mình sử dụng khá tương đối. 

Trung tâm Y tế Chí linh có 160 nhân viên y tế, trong đó họ phải tỏa đi phụ trách 30 đơn vị cách ly và tổ chức 1 phòng khám bên ngoài để chăm sóc nhu cầu khám chữa bệnh thông thường cho người dân TP Chí Linh khi thành phố này bị phong tỏa. Vì vậy, nhân lực dồn sang cho hoạt động đó khá nhiều. Tại Bệnh viện chỉ sử dụng 62 nhân lực cho 4 khu điều trị. Chúng tôi thiết kế cho anh chị em làm sao công việc ít nhất, đỡ tốn sức nhất, đảm bảo không có ai kiệt sức, nhưng mọi thứ phải kiểm soát tốt. Chúng tôi lập kế hoạch trong ngày làm những việc gì, làm thời điểm nào, thiết kế công việc rõ ràng để không có công việc gì thừa, chồng chéo nhau gây tốn nhân lực.  

Chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cùng bác sĩ của Bệnh viện Dã chiến số 1 đến khu cách ly (Ảnh: Bac sĩ cung cấp)

Phóng viên: Thưa bác sĩ, tình hình bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 hiện nay ra sao?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Rất may không có bệnh nhân nào quá nặng do được chúng tôi giám sát chặt chẽ. Hiện nay chưa có thống kê chính thức, nhưng chủng virus cũ đến ngày thứ 9, thứ 10 tổn thương phổi mới rõ ràng, nhưng chủng mới có vẻ ngày thứ 7, thứ 8 đã rõ rồi. Hiện, bệnh viện có 41 ca viêm phổi, nhưng may mình kiểm soát sớm nên không trở thành nặng. Bệnh nhân mắc COVID-19 ở đây gặp các biến chứng về thận, tiêu hóa…vẫn có, nhưng không có ca bệnh nào trầm trọng.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết, dự tính khi nào thì Tổ chuyên gia sẽ rút về?Anh có dự báo gì về tình hình dịch tại Hải Dương trong thời gian tới?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Chúng tôi sẽ cố gắng xây dưng mô hình để cho bệnh viện tự hoạt động tốt, khi đó mình rút lui làm việc khác, nhưng vẫn kiểm soát tình hình ở đây. Chúng tôi không bao giờ tính đến chuyện “cắm” lâu dài, vẫn phải tính đến tình huống chẳng may dịch xảy ra ở phạm vi lớn hơn, một nhóm chuyên gia có thể phải phụ trách nhiều bệnh viện dã chiến. Số lượng chuyên gia ở nước ta không nhiều, nên chúng ta phải xây dựng cơ chế hoạt động như trên thì mới đảm bảo được công tác điều trị.

Hiện giờ, các khu cách ly tại Hải Dương hoạt động khá quy củ, tuy nhiên chúng ta phải xác định, khi đưa bệnh nhân vào cách ly là ta đã chấm dứt được quá trình lây nhiễm gieo hạt. Còn những người đã có mầm bệnh rồi thì quá trình nảy mầm vẫn còn nữa. Dù ta đã cách ly tốt, song số bệnh nhân mắc mới vẫn có nhưng sẽ nhỏ. Hy vọng số bệnh nhân gia tăng tiếp nhỏ hơn số bệnh nhân được ra viện. Vừa rồi có 50 bệnh nhân được ra viện, chúng ta đã rút được nhiều giường bệnh, hy vọng không phải sử dụng đến Bệnh viện dã chiến số 3.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!


Trần Hằng

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文