Bài học từ “lỗ thủng” phòng dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh
- TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội thêm 2 tuần
- Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất giãn cách xã hội thêm 15 ngày
- Sáng 14/6, thêm 92 ca mắc COVID-19, TP Hồ Chí Minh có 30 ca
Đề phòng, cảnh giác cao độ tại các trụ sở, ngành, quận, huyện
Chủ tịch UBND TP cũng cảnh báo tại các địa bàn thành phố và TP Thủ Đức, nếu để phát sinh ra dịch bệnh từ đây, chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức phải chịu trách nhiệm, tùy mức độ có thể xem xét trách nhiệm xử lý.
Đồng thời, ông cũng yêu cầu, trụ sở các nơi làm việc phải tăng hệ thống kiểm tra phòng, chống dịch chặt chẽ hơn. Ông Phong cũng dẫn chứng một số bệnh viện đã phát hiện ca mắc COVID-19.
Trong đó nghiêm trọng nhất là xảy ra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và nhắc nhở các cơ sở, trụ sở UBND quận, huyện, TP, sở, ngành tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tương tự như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ rõ: "Nó “thủng” ngay từ nhân viên BV Bệnh Nhiệt đới chứ không ở đâu cả! Xem lại công tác kiểm soát! Nếu không chặt chẽ, xuất hiện dịch từ cán bộ, nhân viên của sở, ngành, quận, huyện thì sẽ rất ảnh hưởng đến chỉ đạo và sự điều hành chung của thành phố".
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí minh nơi đã có 55 ca mắc bệnh trong khối nhân viên hành chính. |
Đồng thời ông cũng đề nghị BV Bệnh Nhiệt đới và sở y tế TP cần đánh giá lại toàn bộ sự việc đã xảy ra.
Tình hình dịch hết sức phức tạp qua báo cáo của Sở Y tế nên chủ tịch UBND TP cũng đề nghị thực hiện triệt để giãn cách ở nơi làm việc toàn thời gian. Bếp ăn tập thể tại cơ quan chỉ được bán mang đi. Cán bộ, công chức, người lao động gương mẫu ở nhà toàn thời gian sau giờ làm việc.
Đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 chắc chắn sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng
Ghi nhận về chuỗi ca bệnh lây nhiễm trong nhóm nhân viên làm công tác hành chính và hậu cần tại BV Bệnh Nhiệt đới cho tới ngày 14/6 đã có 55 ca. Trong đó hầu hết nhân viên đều đã được chích ngừa đủ 2 mũi vaccine Astra Zeneca. Điều này khiến không ít người dân đang tỏ ý lo ngại về tính hiệu quả của việc tiêm vaccine COVID-19.
Liên quan tới vấn đề này, phát biểu tại cuộc họp sáng 14/6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định, kiểm tra cho thấy, lượng virus SARS-CoV-2 trong cơ thể các ca nhiễm là nhân viên tại BV Bệnh nhiệt đới rất thấp. Đây có thể là do họ đã được tiêm 2 mũi vaccine trước đó. Qua đó cho thấy được hiệu quả của việc tiêm vaccine.
Trao đổi với PV báo CAND, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh của BV Nhi đồng 1 cũng cho biết thêm thông tin và lý giải, vì sao tiêm vaccine ngừa COVID-19 mà vẫn mắc bệnh.
Theo BS Khanh, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không một vaccine nào trên thế giới có thể bảo vệ 100%, nhưng tiêm vaccine chắc chắn sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng. Tất cả các loại vaccine luôn luôn có một tỷ lệ tiêm rồi vẫn mắc bệnh và vaccine COVID-19 cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Do đó, trong tình hình hiện nay, người dân cần bình tĩnh, không hoang mang việc nhiều người tiêm vaccine AstraZeneca vẫn mắc COVID-19.
Theo bác sĩ Khanh, có bốn lý do phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong hình hình dịch bệnh hiện nay. Đầu tiên là người tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể sẽ không mắc bệnh nhưng không thể đạt 100 %; thứ 2 là nếu mắc bệnh thì không thể dễ dàng lây cho người khác và khó bị người khác lây; thứ 3 phải tiêm vaccine COVID-19 là để không mắc bệnh nặng, không tử vong. Đây là công dụng hiệu quả nhất hiện nay của tiêm vaccine COVID-19. Cuối cùng phải tiêm vắc xin COVID-19 là để làm giảm các ca bệnh cũng như tử vong.
Theo đó, vaccine COVID-19 là cơ hội duy nhất để giải quyết những vấn đề trên, là cơ hội duy nhất cho bản thân mỗi người, gia đình hiện nay trong phòng ngừa dịch. Chỉ có vaccine mới cho phép chúng ta phòng chống dịch hiệu quả, bỏ dần các K trong 5K và trở lại cuộc sống bình thường. Điều này đã được chứng minh ở nhiều nước có độ phủ tiêm chủng cao.