Báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam
- Kháng thuốc kháng sinh: Bác sĩ cũng bất lực
- Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam đứng đầu thế giới
- Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới
- WHO thực hiện chiến dịch chống kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam
- Nguy cơ kháng thuốc kháng sinh trong điều trị
Đây thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại hội nghị sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc, do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội ngày 21-9.
Báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tổng hợp từ 114 quốc gia cũng chỉ ra: Người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi.
Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm, Thái Lan tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm.
Đại biểu nhiều ngành và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị |
Điều này tác động đến kinh tế, xã hội hết sức to lớn (ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ đô la/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ đô la/năm) đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: Thực trạng kê đơn và sử dụng thuốc ở Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trầm trọng với nhiều vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội.
Một cuộc khảo sát ở nhiều nước cho thấy khoảng 1/4 số bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng cấp tính tại cộng đồng không tuân thủ đầy đủ liệu trình. Nhiều người dùng liều thấp hơn hoặc chỉ dùng trong thời gian ngắn không đủ liệu trình. Mà việc tự ý sử dụng thuốc sẽ gây ra nhiều tác hại bề bệnh tật, tăng tỷ lệ nhập viện, tử vong...
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi sử dụng kháng sinh đúng |
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do việc lạm dụng kháng sinh kéo dài trong điều trị, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt.... tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc. Bên cạnh đó là do chủ sở hữu nhà thuốc muốn tăng doanh thu.
Người dân có thói quen tự mua thuốc, không khám bệnh để tránh sự phiền hà, tốn kém...cũng dẫn tới khó quản lý, kiểm soát, hậu kiểm với việc bán thuốc phải kê đơn.
Vì thế, hiện có tới 90% số kháng sinh được bán không cần kê đơn. Trong đó, chiếm 88% ở thành thị, 91% ở nông thôn. Kháng sinh chiếm 13,4% ở thành thị và 18,7% ở nông thôn trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc.
Đại diện WHO phát biểu |
Theo ông Lương Ngọc Khuê, trong khi việc quản lý kê đơn nội trú được kiểm soát khá chặt chẽ bằng việc áp dụng kê đơn điện tử, giảm nhiều sai sót nhưng việc thực hiện quy chế kê đơn thuốc ngoại trú vẫn chưa tốt.
Vì thế vẫn còn tình trạng kê đơn theo tên thương mại đối với trường hợp thuốc không có nhiều hoạt chất. Nội dung ghi hướng dẫn sử dụng thuốc còn sai sót, chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng; thông tin bệnh nhân chưa đầy đủ.
Việt Nam đã có nhiều văn bản quy định về bán thuốc kê đơn, trong đó các hành vi bán lẻ thuốc mà không có đơn thuốc đã bị nghiêm cấm, nhưng việc thực hiện của các cơ sở bán thuốc chưa nghiêm. Công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt cũng còn nhẹ, không tác động được đến tình trạng bán thuốc không kê đơn. Ví dụ như, hành vi bán lẻ loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000-500.000 đồng; hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác trong đơn chỉ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng.
Nhận thức được hậu quả của việc kháng thuốc kháng sinh, Việt Nam đã là một trong 6 nước đầu tiên ở châu Á Thái Bình Dương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Sau 4 năm triển khai, công tác phòng, chống kháng thuốc đã có kết quả bước đầu. Việt Nam được WHO đánh giá cao về nỗ lực và đóng góp cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc.
Kháng thuốc kháng sinh sẽ khiến việc điều trị không kết quả |
Tuy nhiên, ông Lương Ngọc Khuê cho biết, ngành y tế vẫn đang nỗ lực trong phòng chống kháng thuốc để công tác điều trị đạt hiệu quả cao. Theo Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 do Bộ Y tế phê duyệt ngày 7-9 vừa qua, đến năm 2020, việc bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc ở 100% quầy thuốc, nhà thuốc. Đề án này nhằm tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú và bán thuốc kê đơn, trong đó tập trung kiểm soát kê đơn kháng sinh và bán thuốc kháng sinh.
Để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc trong chăn nuôi, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết Bộ này cũng đã ban hành lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với các quy định: Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản; kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo đơn của bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề.
Chỉ được phép sử dụng tối đa 2 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng phải có bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề. Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo.