Dừng tài trợ, Bảo hiểm y tế sẽ chi trả điều trị cho người HIV
- Chiến dịch truyền thông cho người chuyển giới nữ để phòng, chống HIV/AIDS
- Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS
- Kiên Giang có 5.080 người nhiễm HIV/AIDS
- Tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi nguồn lực điều trị HIV/AIDS sang quỹ BHYT
Tại hội thảo hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn quỹ BHYT năm 2019 đối với các cơ sở điều trị HIV/AIDS do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 20-11, bà Ritu Singh, Giám đốc Chương trình Y tế Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết: Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ điều trị HIV cho người dân.
Tỷ lệ lây nhiễm HIV đã giảm đáng kể trong suốt một thập kỷ qua nhưng vẫn còn nhiều quan ngại về tình trạng nhiễm HIV gia tăng ở các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới ở các khu vực thành thị như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lân cận. Trong bối cảnh này, việc chấm dứt nguồn thuốc ARV viện trợ sẽ là những nguy cơ bùng phát dịch. Vì thế, việc tiếp tục điều trị ARV do BHYT chi trả sẽ là cơ chế tài chính bền vững ngăn chặn dịch HIV ở Việt Nam.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, đến nay đã có 190 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT. 90% trong 433 cơ sở điều trị HIV/AIDS đã ký hợp đồng, 85% đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn BHYT đến hết 31-10-2018. Các tỉnh đạt BHYT 100% là Ninh Thuận, Lai Châu, Cà Mau, Cao Bằng; có 42 tỉnh đạt hơn 90% và hiện còn 6 tỉnh đạt 70-80%.
Triển khai việc sử dụng quỹ BHYT để thanh toán chi phí điều trị HIV/AIDS |
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện nay chính sách dành cho người bệnh HIV đã đồng bộ và không có rào cản cho người mắc HIV tiếp cận với nguồn thuốc ARV từ BHYT. Các chính sách khám, chữa bệnh BHYT cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nhiễm HIV được khám, chữa bệnh như mọi người. Thông tin về người nhiễm HIV/AIDS chỉ được sử dụng cho chuyên môn và đảm bảo bí mật cho người bị bệnh nên người nhiễm HIV hoàn toàn yên tâm về bảo mật thông tin.
Bộ Y tế đã lập kế hoạch nhu cầu thuốc từ các nguồn bảo đảm đủ thuốc cho tất cả bệnh nhân trên toàn quốc trong năm 2019 khi nguồn tài trợ quốc tế thuốc ARV chấm dứt. Trường hợp cơ sở điều trị không đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT, Sở Y tế và cơ sở điều trị phải chuyển bệnh nhân sang cơ sở điều trị có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ KCB BHYT cho HIV/AIDS; chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn thuốc ARV cho người bệnh từ 1-1-2019.
“Trong giai đoạn chuyển đổi từ nguồn thuốc tài trợ sang sử dụng BHYT, người bệnh HIV/AIDS có trách nhiệm tham gia BHYT. Vì ngoài thuốc ARV, người bệnh còn phải xét nghiệm CD4, tải lượng virus đắt tiền, nên nếu không tham gia sẽ không được hỗ trợ, bảo đảm chất lượng điều trị”- đại diện Bộ Y tế khuyến cáo.