Bé 4 tháng tuổi tử vong sau tiêm Quinvaxem: Không liên quan đến vắc xin
- Người dân nên đưa trẻ tiêm vaccine Quinvaxem1
- Tỉ lệ phản ứng của vaccine Quinvaxem và “5 trong 1” là như nhau
- Vaccine Quinvaxem an toàn và hiệu quả
Ngày 1-8, BS Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết, chiều 30-7, Sở Y tế tỉnh đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tử vong của cháu bé Phan Anh (4 tháng tuổi, ở ấp Phú Mỹ, xã Phú Túc, huyện Châu Thành) sau khi tiêm chủng tại trạm y tế xã Phú Túc.
BS Phạm Quốc Tuấn khẳng định, ngay khi nhận được thông tin phản ánh, ngành y tế tỉnh Bến Tre đã nhanh chóng tiến hành họp hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tử vong của cháu Phan Anh là do sốc nhiễm trùng huyết, không liên quan đến vắc- xin Quinvaxem và thực hành tiêm chủng.
Trước đó, vào ngày 25-7, người nhà cháu Phan Anh đã đưa cháu đến Trạm Y tế xã Phú Túc tiêm 2 mũi vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem. Khi về nhà cháu bé bị sốt nhẹ.
Đến 6h sáng 26-7, bé thở khó, bỏ bú, sốt cao đến 38 độ, quấy khóc nên người nhà đưa cháu đến Bệnh viện ĐK huyện Châu Thành điều trị. Đến khi sức khỏe bé chuyển biến xấu nên bé được chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong tình trạng nguy kịch.
Đến 0h15 ngày 27-7, cháu bé nằm mê man không thuyên giảm, đến khoảng 12h45 ngày 29-7, thấy tình trạng cháu chuyển biến quá nặng, không còn hy vọng sống nên gia đình đã xin được xe bệnh viện chuyển cháu bé về nhà. Đến 13h cùng ngày cháu bé đã tử vong tại nhà.
Theo BS Tuấn, trước khi có kết luận, Hội đồng chuyên môn đã tiến hành khảo sát quy trình bảo quản, cấp phát, tiêm ngừa vắc-xin, thời gian nhập viện và hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện huyện Châu Thành, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu để có kết luận khách quan.
Hội đồng chuyên môn đánh giá, quy trình bảo quản, cấp phát thuốc và tiêm chủng tại Trạm Y tế xã đều được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế. Trước khi tiêm chủng, gia đình đã được tư vấn, cháu bé được khám sàng lọc đủ điều kiện tiêm chủng.
Theo hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, ban đầu các BS chẩn đoán cháu bé bị sốc phản vệ sau tiêm chủng. Tuy nhiên qua xét nghiệm cho thấy, công thức bạch cầu trong cháu bé tăng rất cao (tăng 42.500), Procanxitonin tăng trên 200 lần so với bình thường, RCP tăng hơn 15 lần… “Đây là những dấu hiệu quyết định chẩn đoán chắc chắn cháu bé bị sốc nhiễm trùng. Riêng đối với sốc phản vệ sau tiêm chủng không có dấu hiệu này”- bác sĩ Tuấn cho biết. Từ đó các BS bệnh viện đã điều trị cho cháu bé theo phương hướng sốc nhiễm trùng suy hô hấp theo dõi viêm não, màng não nhưng cháu bé đã không qua khỏi.
Được biết, việc tiêm chủng ngày 25-7 (cùng một đợt với cháu Phan Anh) tại Trạm Y tế xã Phú Túc có 26 cháu. Qua theo dõi, 25 cháu còn lại sau khi tiêm chủng sức khỏe bình thường, không có biểu hiện gì. Riêng cháu Phan Anh có những triệu chứng bất thường. Đây là trường hợp cháu Phan Anh tiêm mũi thứ hai (sau 1 tháng tiêm chủng lần đầu bé vẫn bình thường).